Aa

Khó giảm lãi suất cho vay trên diện rộng

Chủ Nhật, 10/03/2019 - 15:00

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất ngay trong tháng 3 này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khó giảm lãi suất cho vay trên diện rộng.

Trái với dự báo của nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động chẳng những không giảm mà còn tiếp tục tăng sau Tết Nguyên đán.

Trái với dự báo của nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động chẳng những không giảm mà còn tiếp tục tăng sau Tết Nguyên đán.

Lãi suất đang chịu nhiều sức ép

Trái với dự báo của nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động chẳng những không giảm mà còn tiếp tục tăng sau Tết Nguyên đán. Theo đó, hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đã được không ít ngân hàng đẩy lên kịch trần là 5,5%/năm và nếu không bị khống chế bởi mức trần này, lãi suất các kỳ hạn trên 3 tháng còn có thể cao hơn. Bằng chứng là lãi suất kỳ hạn 6 tháng được đẩy lên cao hơn rất nhiều, hiện cao nhất đang là 7,4%/năm; 9-11 tháng là 7,8%/năm; 12 tháng là 8%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm; 24 tháng là 8,6%/năm; 36 tháng là 8,7%/năm.

Điều đáng chú ý là lãi suất huy động từ dân cư tăng trong bối cảnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại có xu hướng giảm và NHNN liên tục hút ròng tiền về. Theo một chuyên gia ngân hàng, điều đó cho thấy, việc các nhà băng tăng lãi suất huy động không phải vì thiếu thanh khoản mà chủ yếu để đáp ứng yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được giảm về còn 40% từ đầu năm.

“Qua theo dõi báo cáo tài chính của các nhà băng có thể thấy, những ngân hàng tăng lãi suất đều có tỷ trọng tín dụng trung dài hạn ở mức rất cao, chủ yếu do các ngân hàng này đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bất động sản với thời hạn khá dài trong năm qua. Chính vì vậy cũng rất khó để giảm nhanh tỷ trọng tín dụng trung dài hạn”, vị chuyên gia trên cho biết với hàm ý, lãi suất huy động còn có thể đứng ở mức cao trong một thời gian dài nữa.

Kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động giảm trở lại càng trở nên xa vời hơn khi sức ép lạm phát đang lớn dần. Số liệu thống kê cho thấy, CPI tháng 2 tăng tới 0,8% so với tháng trước, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 9/2014. Trong khi đó giá xăng dầu vừa tăng gần 1.000 đồng/lít; giá gas cũng tăng; giá điện cũng được dự kiến sẽ tăng tới 8,36% cuối tháng 3...

Không chỉ lạm phát, áp lực đối với tỷ giá cũng khiến mặt bằng lãi suất huy động lại càng khó giảm. “Mặt bằng lãi suất sẽ đứng ở mức cao và không loại trừ việc nhích tăng nếu xuất hiện áp lực tỷ giá”, Công ty chứng khoán SSI nhận định.

Thậm chí theo các chuyên gia, ngay cả khi lãi suất huy động giảm đi chăng nữa thì lãi suất cho vay cũng không thể giảm theo trong bối cảnh cung tiền, tín dụng bị siết lại mà nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn đang rất lớn. “Giảm tăng trưởng tín dụng đồng nghĩa với giảm cung tiền. Điều đó sẽ đẩy lãi suất tăng lên. Lãi suất tăng lên ở mức độ nào còn phụ thuộc vào cách thức điều hành của ngân hàng trung ương và các dòng vốn khác”, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nói.

NIM của hệ thống đang rất thấp

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP bậc trung cũng thừa nhận lãi suất cho vay chỉ có thể giảm khi và chỉ khi lãi suất huy động giảm mạnh, bởi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của hệ thống ngân hàng đang ở mức rất thấp. Theo vị này, chỉ các NHTM Nhà nước lớn có giá vốn bình quân đầu vào ở mức thấp nhờ nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế lớn, còn giá vốn đầu vào của các ngân hàng TMCP cao hơn rất nhiều vì không có các nguồn này, ước tính cũng phải tới 5,5%/năm.

Trong khi các nhà băng phải trích lập dự phòng rủi ro 0,75% cho mỗi đồng vốn huy động được; phí bảo hiểm tiền gửi vào khoảng 0,15%. Chưa hết theo quy định, các ngân hàng cổ phần chỉ được cho vay tối đa là 80% tổng số tiền gửi, tức huy động được 100 đồng chỉ được cho vay tối đa là 80 đồng.

“Giả sử nếu không phát sinh nợ xấu thì với lãi suất bình quân đầu vào là 5,5%/năm, lãi suất cho vay bình quân phải ở mức 7,15%/năm (=5%/80% + 0,75% + 0,15%) thì các ngân hàng mới đủ để bù đắp chi phí đầu vào”, vị lãnh đạo ngân hàng trên tính toán và cho biết thêm, nếu tính thêm chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro cho nợ xấu thì lãi suất bình quân cho vay sẽ còn phải lớn hơn nhiều.

Trong khi đó, hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ là 6,5%/năm nên để không bị lỗ, các nhà băng sẽ phải đẩy lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác lên cao hơn. “Trước đây khi các ngân hàng còn được phép dùng 45% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn (vốn có lãi suất cao hơn) nên NIM có thể lớn hơn. Nhưng nay tỷ lệ này đã giảm về còn 40% càng khiến NIM bị thu hẹp lại”, vị lãnh đạo ngân hàng trên chia sẻ.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NIM của toàn ngành trong năm 2019 được dự báo ở mức khoảng 3,2%, thậm chí một số ngân hàng sẽ gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức cao, như BIDV, Vietinbank, VPBank... Trong khi theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới, để hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, hệ số NIM phải đạt ít nhất là 3,5%.

Hơn nữa, với hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 chỉ 14%, chắc chắn các nhà băng sẽ phải tìm cách “tối đa hóa lợi nhuận” bằng cách đẩy tín dụng vào những phân khúc có lợi nhuận lớn hơn cũng như sẽ chọn lọc khách hàng sao cho có lợi nhất. Điều đó cũng có nghĩa, kỳ vọng giảm lãi suất trong năm 2019 là rất khó.

Thực tế cũng cho thấy, việc 4 ông lớn NHTM Nhà nước đã giảm tiếp lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên kể từ đầu năm 2019 đang tạo ra một sức ép lớn đối với nhà băng vừa và nhỏ. Thế nhưng đến nay, vẫn không thấy có dấu hiệu nào cho thấy các nhà băng này sẽ giảm lãi suất.

“Những cơn biến động trên thị trường tài chính thế giới và sự biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất. Dự báo lãi suất trong năm 2019 có thể sẽ theo xu hướng tăng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top