Aa

Khó khăn trong chấm dứt hoạt động các dự án vi phạm vì chủ đầu tư chây ì

Thứ Tư, 10/07/2019 - 01:01

Sáng 9/7, tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã tiến hành chất vấn các thành viên Uỷ ban Nhân dân Thành phố về 3 nhóm vấn đề có tính thời sự.

Trong đó, nhóm vấn đề liên quan đến tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố nhận được nhiều kiến nghị của cử tri.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại HĐND TP. Hà Nội sáng 9/7.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại HĐND TP. Hà Nội sáng 9/7.

Chủ đầu tư còn "chây ì"

Về vấn đề rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động của các dự án vi phạm trên địa bàn thành phố, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) nêu vấn đề: Triển khai kết luận của Thường trực HĐND TP tại phiên giải trình tháng 8/2018, UBND TP đã ban hành kế hoạch số 173 ngày 5/9/2018 chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm.

Tuy nhiên, báo cáo của 2 sở cho thấy đã dừng được 40/47 dự án, còn 7 dự án chưa thực hiện thu hồi đất và thu hồi dự án. Ngoại trừ 1 dự án được điều chỉnh kế hoạch để tiếp tục triển khai, thì tính đến nay, 6 dự án vẫn chưa được thu hồi theo chỉ đạo.

Đại biểu Ngọc Anh đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lý giải nguyên nhân và cho biết bao giờ thực hiện xong việc thu hồi đối với 6 dự án này?

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi chất vấn

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP đã ban hành kế hoạch, giao rõ trách nhiệm cho các sở ngành. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo giải trình.

Trong đó, 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì; 39 dự án giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xử lý. Trong 39 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND TP, có hướng xử lý cho 33 dự án.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên nhân của việc chậm triển khai thu hồi là do dự án chưa đủ tính pháp lý; một số sở ngành, địa phương còn chưa chủ động. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chây ì, chưa nghiêm túc thực hiện và không báo cáo.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn

Việc xử lý các dự án chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn do kéo dài, thay đổi chính sát đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng. Một số dự án đang trong quá trình thanh tra, chờ kết luận thanh tra; một số khác chờ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn phải chờ kết quả cuối cùng.

Vì thế, để chấm dứt hoạt động của dự án, cũng cần phải cân nhắc, đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi.

Nêu ra giải pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải rà soát các văn bản, kiến nghị các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết đồng bộ giữa các luật, giải quyết các dự án chuyển tiếp. Đồng thời, hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, đô thị, các quy hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện; công bố các danh mục đầu tư; tăng cường thanh kiểm tra các dự án.

Giải phóng mặt bằng là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị chậm thu hồi trên thực địa 

Đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Trần Vân Hoa (tổ Tây Hồ) cho biết: Qua giám sát, có 38/78 dự án vi phạm có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4ha. Đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa. Vậy lý do gì khiến cho quyết định của thành phố không có hiệu lực và kế hoạch xử lý của UBND TP đối với 18 dự án này thế nào?

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (tổ Đông Anh) cũng đặt câu hỏi chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường về nguyên nhân, làm rõ vấn đề trách nhiệm, và các biện pháp để xử lý việc còn 26 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, về 18 dự án vi phạm (như tại Ba Đình, Phú Xuyên, Hoài Đức…) mà thành phố đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, khi rà soát lại cho thấy: Các trường hợp này chậm thực hiện giải phóng mặt bằng, các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng giải phóng mặt bằng quận huyện triển khai, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng…

Trước đây, theo quy định của Luật Đất đai 2013, cấp nào có quyết định thu hồi đất thì cấp đó ra quyết định cưỡng chế nên đã gây khó khăn cho các quận huyện trong tổ chức cưỡng chế vì việc này thuộc UBND TP.

Đến năm 2017, Nghị định 01 của Chính phủ có quy định mới là việc ra quyết định này thuộc thẩm quyền UBND quận, huyện. Vì thế, Sở đã kiến nghị các quận huyện tổ chức giải phóng mặt bằng với 18 dự án này, nếu chủ đầu tư không phối hợp thì sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn

Lý giải thêm cho vấn đề, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết: Trên địa bàn quận có 2 dự án chậm thu hồi đất đều giao cho Tập đoàn Ba Đình, trong đó có dự án để xây dựng nhà ở cho công nhân viên. Tuy nhiên, cử tri Ba Đình kiến nghị sử dụng đất này để xây trường học. Năm 2013, thành phố đã có quyết định thu hồi đất để xây dựng trường mầm non. Hiện nay người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện phức tạp ở đây.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết trên địa bàn huyện đang có 3 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa thể thực hiện. Trong đó có 2 dự án đang thực hiện theo quyết định Thanh tra thành phố, còn 1 dự án nữa đang gặp vướng mắc với chủ đầu tư.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bích Ngọc cho biết thêm: Theo giám sát của HĐND TP có 38/78 dự án có quyết định thu hồi nhưng chưa thực hiện theo quyết định. Chủ tịch HĐND TP đề nghị các sở ngành rà soát chính xác lại 18 dự án này để “đúng địa chỉ”, nếu không nắm được chính xác thì không thể giải quyết vướng mắc được.

Ngoài ra, lý giải về việc xác định nghĩa vụ tài chính với 26 dự án, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã tổ chức thuê tư vấn, xác định nghĩa vụ tài chính với 23 dự án, chủ đầu tư đã nộp tiền theo quy định. Còn 3 dự án gồm: Bãi đỗ xe công cộng ở Phùng Khoang, đang đôn đốc giải phóng mặt bằng; dự án Công ty Cổ phần lắp máy ở Phú Thượng và dự án ở 275 Nguyễn Trãi (Công ty Hưng Việt), Sở đã thuê tư vấn, trong tuần tới sẽ triển khai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top