Aa

“Nút thắt“ trong phát triển nhà ở xã hội

Thứ Năm, 27/10/2022 - 15:10

Cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian khi làm thủ tục đầu tư, đang là yêu cầu đặt ra để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội giúp nhiều người dân ổn định cuộc sống

Thông tin được vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, với thời hạn vay lên tới 25 năm, đang được nhiều gia đình công nhân, viên chức quan tâm. Trên quy mô cả nước, dư nợ cho vay của chương trình nhà ở xã hội hiện đã giải ngân đạt 10.584 tỷ đồng, với hơn 27.400 khách hàng được vay vốn. Nhiều gia đình nhờ chương trình và nguồn vốn vay ưu đãi nên đã có được một cuộc sống ổn định.

Đến bây giờ chị Nguyễn Thị Thu Hà (CT4, Chung cư Cát Tường, TP. Bắc Ninh) vẫn cảm thấy vô cùng phấn chấn vì đã được sở hữu căn nhà trong mơ đối với chị. Chỉ chưa đến 1 tỷ đồng, được vay đến 80% giá trị căn nhà và trả góp trong vòng 20 năm, mọi áp lực về tài chính đã không còn là gánh nặng đối với người phụ nữ này khi mua nhà.

Không chỉ chị Hà mà nhiều hộ gia đình trẻ khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng đã sở hữu được nhà ở xã hội. Với mức lãi suất ưu đãi chỉ 4,8%/năm và thời hạn vay tối đa lên tới 25 năm, lại được sở hữu luôn căn nhà nên nhà ở xã hội đã mang lại sự hạnh phúc cho nhiều mái ấm.

Vì là chương trình tín dụng ưu đãi chính sách từ lãi suất, thời hạn vay, nên chương trình cho vay nhà ở xã hội được nhiều người quan tâm.

"Dư nợ là 276,5 tỷ đồng, với 750 khách hàng. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn để họ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống", ông Hoàng Trọng Cường - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Bắc Ninh cho hay.

Chương trình tạo điều kiện cho các hộ gia đình có cơ hội được tiếp cận vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội cũng như xây mới, sửa chữa nhà ở, nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống.

Gỡ khó thủ tục phát triển nhà ở xã hội

Theo quy định hiện nay đối với mỗi dự án nhà ở xã hội, trình tự, thủ tục từ 5 đến 10 bước, thời gian làm thủ tục kéo dài từ hơn 150 đến trên 350 ngày, phụ thuộc vào việc nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất hay chưa…

Thực trạng này luôn là rào cản lớn với doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian khi làm thủ tục đầu tư, đang là yêu cầu đặt ra để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển phân khúc nhà ở này.

2 năm trước, để triển khai được dự án khu nhà ở dành cho công nhân tại Bắc Ninh, Nhà đầu tư dự án Nhà ở xã hội Cát Tường, Bắc Ninh đã mất tới trên 350 ngày để làm thủ tục. Tuy nhiên, đây cũng là dự án được coi là thuận lợi về thủ tục và rút ngắn về thời gian.

"Được sự hỗ trợ đồng bộ từ công tác phê duyệt thủ tục đến công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng nên sau 12 tháng chúng tôi đã tiến hành thi công dự án với số lượng 10.000 chỗ ở cho công nhân", ông Phạm Tiến Dũng - Nhà đầu tư dự án Nhà ở xã hội Cát Tường, Bắc Ninh cho hay.

Ngoài rào cản về thủ tục và thời gian, nhiều doanh nghiệp cho biết, ngay cả khi dự án được hoàn thành thuận lợi thì muốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội cũng là không hề dễ dàng đối với những đối tượng đủ điều kiện được mua.

Ông Trần Nhật Quang - Giám đốc đầu tư Tập đoàn Kim Oanh nói: "Chúng ta đang ở trong vòng hơi luẩn quẩn một chút, có nghĩa là người có thu nhập trung bình và thấp thì mới đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, nhưng mà những người có thu nhập trung bình và thấp lại không đủ điều kiện để vay, cho nên là nguồn tài chính dành cho họ là không có để họ mua nhà".

"Nhà ở xã hội đúng là dòng sản phẩm mà chúng ta thấy rằng tại thời điểm này nó rất cần thiết cho xã hội, cho thị trường. Tuy nhiên vấn đề là cần sự quyết tâm, sự sẵn sàng vào cuộc nhất là của hệ thống các ngân hàng, họ có tham gia quyết liệt vào việc này hay không", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay.

Mới đây, theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2030 ngành xây dựng phải hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Để đạt mục tiêu đề ra, thì việc rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn về quy hoạch, về trình tự thủ tục đầu tư, về bố trí nguồn vốn ưu đãi là nhiệm vụ đặt ra.

Ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Bộ Xây dựng đang rà soát lại các thông tư như Thông tư 09 của Bộ, để sửa đổi làm sao rút ngắn được các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư. Về mặt dài hạn Bộ Xây dựng cũng đang sửa đổi Luật Nhà ở để tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn và có cơ sở để thực hiện được các đề án, cũng như ít nhất sẽ đạt 1 triệu căn hộ đến năm 2030".

Cùng với các giải pháp lâu dài, hiện Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cần đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Có như vậy mới đảm bảo triển khai hiệu quả các chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sát với thực tế và đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đảm bảo tín dụng cho nhà ở xã hội

Trong bối cảnh, tín dụng thương mại thắt chặt thì nguồn lực dành cho những người thu nhập thấp vẫn được đảm bảo. Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi trong hai năm 2022-2023 đã được thông qua.

Trước đó, Chương trình Cho vay Nhà ở xã hội được triển khai từ 6 năm nay, theo Nghị định 100 của Chính phủ. Chương trình có mức lãi suất ưu đãi là 4,8%/ năm. Mức cho vay tối đa là 80% giá trị mua, thuê mua nhà ở xã hội. 70% giá trị dự toán xây dựng, sửa chữa nhà ở, tối đa 500 triệu đồng cho 1 công trình.

Chương trình tạo điều kiện cho các hộ gia đình có cơ hội được tiếp cận vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội cũng như xây mới, sửa chữa nhà ở, an cư lập nghiệp, góp phần nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống.

Đại diện các ngân hàng tại TP.HCM cũng cho biết hiện nay đang tìm kiếm người vay mua nhà ở xã hội nhưng tìm không ra. Lý do vì thị trường không có nhà ở xã hội nên không có người vay vốn để mua nhà.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân thuộc đối tượng cho vay ưu đãi lại không đáp ứng đủ điều kiện. Đó là người vay phải là người không đóng thuế thu nhập cá nhân thì lại không đủ số tiền 30% giá trị căn nhà để mua; người dân phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 1 năm tại địa phương... Do vậy ngoài việc hỗ trợ về vốn vay thì thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án nhà xã hội đúng hạn cũng là điều cần bàn tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top