Aa

Khó kiểm soát trái phiếu “4 không”

Thứ Ba, 15/03/2022 - 10:45

Các chuyên gia cho rằng, nếu không kiểm soát chặt chẽ, trái phiếu “4 không” sẽ như “vết dầu loang” làm bùng cháy khủng hoảng tài chính cho các nhà đầu tư và chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là một việc khó.

Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay, đã có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22.185 tỷ đồng và 8 đợt phát hành ra công chúng giá trị 5.509 nghìn tỷ. Trái phiếu phát hành ra công chúng đã có mức tăng đáng kể (31%), song mặt khác phát hành riêng lẻ còn tăng nhanh hơn (51%). 

Nhóm bất động sản vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu đầu năm nay với tổng khối lượng phát hành đạt 15.520 tỷ đồng, chiếm 56,04%. Đáng chú ý, trong số này có khá nhiều cái tên chưa niêm yết, kinh doanh thua lỗ nhưng lại huy động lượng tiền lớn hàng vài nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, thị trường đã nói khá nhiều về loại trái phiếu “3 không” (không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán) với những rủi ro hiện hữu. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn từ tín dụng ngày càng không dễ tiếp cận, đặc biệt khi nhà đầu tư cũng không còn dễ kiếm lời từ nhà đầu tư cổ phiếu như thời gian qua thì loại trái phiếu “4 không” (không niêm yết, không có tài sản đảm bảo, không đánh giá tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) đang được nhiều doanh nghiệp phát hành để huy động vốn.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lãi suất huy động tại các ngân hàng đang rục rịch tăng có thể khiến lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng nhằm thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt khi dự thảo sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ khiến việc phát hành trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với những doanh nghiệp có hạn chế về năng lực tín dụng.

Theo đó, Dự thảo này bổ sung nhiều nội dung mới, ví dụ bổ sung quy định xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu; đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần” hay là một bảo chứng về sự an toàn của các trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank, trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng có thể coi như một dạng khế ước vay nợ tập thể và sẽ được thị trường tự ứng xử trong hiện tại. Việc xếp hạng tín nhiệm giống như dán thêm một chiếc tem nữa trên sản phẩm trái phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nhưng chiếc tem này chỉ có ý nghĩa đánh giá mức lãi suất nào phù hợp cho từng loại trái phiếu phát hành. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư cần phải được trang bị khả năng đánh giá khả thi về dòng tiền trả nợ hay tuân thủ cam kết của đơn vị phát hành… chứ không phải là dựa vào xếp hạng tín nhiệm. Chưa kể, điều này có thể làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các quy định về tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường còn khá lỏng lẻo. Vì vậy, đã có tình trạng nhà đầu tư cá nhân không chuyên ủy quyền cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp để có thể tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

“Điều này sẽ rất rủi ro vì khi xảy ra những sự kiện vi phạm tín dụng thì quyền lợi của các nhà đầu tư cá nhân không chuyên hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng”, ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings – FiinGroup cho biết.

Ngay cả với cam kết mua lại trái phiếu từ tổ chức phát hành hoặc đơn vị phân phối, theo ông Khang cũng chỉ mang tính tương đối bởi khi có sự kiện tiêu cực xảy ra, doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán nợ gốc và lãi, khiến cho giá bán giảm sâu hoặc không tìm được người mua lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top