Tiền gửi tăng chậm hơn cho vay
Đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, gấp đôi so với cùng kỳ 2020 (tăng 2,26%). Trong đó, tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao so với tín dụng của toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2021 không có gì khó. Nếu dịch bệnh được khống chế, có thể mở rộng tín dụng. Còn theo ước tính của SSI Research, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 13 - 14%.
Trong khi đó, huy động vốn lại tăng chậm hơn. Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn có cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng 2,97% so với cuối năm ngoái. Điều này khiến các chuyên gia cho rằng, cho thanh khoản hệ thống trong năm 2021 nhiều khả năng không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020.
Lãi suất huy động thấp thời gian qua cũng khiến một phần dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản. Điều này cũng khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trở lại từ cuối tháng 4/2021 đến nay với mức tăng 0,3 - 0,5%/năm.
Trước tình hình trên, đầu tháng 6, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lại suất huy động. Theo đó, tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất dành cho giao dịch gửi tại quầy ở mức 0,1% - 4%, còn lãi suất gửi trực tuyến dao động quanh mức 0,2% - 4%. Mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 3 tháng gửi tại quầy là từ 3% - 4%. Gửi trực tuyến, lãi suất huy động cho kỳ hạn này là 3,15% - 4,5%.
Sẽ giảm lãi suất khi có điều kiện
Trước sức ép trên cùng với lạm phát, liệu lãi suất cho vay có tăng? Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay và huy động cố gắng duy trì ổn định và giảm khi có điều kiện. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định hiện thanh khoản ngân hàng đang rất dồi dào. Vì vậy, NHNN duy trì lãi suất hiện tại, khuyến khích giảm thêm lãi suất cho vay. Việc tăng lãi suất huy động hiện nay không phải là xu hướng mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Thực tế từ đầu năm đến nay, lãi suất của các ngân hàng, nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục giảm.
Chủ tịch Hội đồng thành viên ngân hàng Agribank Phạm Đức Ấn thừa nhận mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu, đầu ra cũng hết sức khó khăn. Thế nhưng, việc ngân hàng có hạ thêm lãi suất hay không ngân hàng cần phải cân nhắc vì hiện nay, lãi suất tiền gửi đã thấp lắm rồi, nếu giảm thêm thì người dân có thể chuyển dịch tiền qua các kênh đầu tư khác. Còn nếu tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút tiền gửi thì nguồn vốn huy động sẽ tăng lên nhưng do đầu ra bị hạn chế, ngân hàng cũng sẽ rơi vào thế khó. Ông Ấn nhận định với quyết tâm phòng chống dịch và triển khai tiêm ngừa vaccine Covid-19 trên diện rộng, tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm 2021 sẽ từng bước lắng dịu. Khi đó, nhiều hoạt động kinh tế sẽ hoạt động trở lại.
Nhận định về lãi suất cho vay, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn chưa đáng lo ngại. Với tốc độ nhập khẩu và tiêm vaccine khá chậm như hiện nay, nhiều ngành kinh tế (như du lịch, hàng không, vận tải…) sẽ vẫn khó khăn, phải đến nửa cuối năm sau mới có khả năng phục hồi. Theo đó, lạm phát cả năm vẫn chỉ dưới 4%. Chính vì lạm phát thấp, doanh nghiệp nhiều ngành chưa phục hồi, lãi suất sẽ không tăng, mà thậm chí còn có cơ hội giảm thêm nữa.
Mặc dù huy động vốn tăng chậm hơn tín dụng vì sự e ngại lạm phát còn nguyên, nhưng tác động tiêu cực của dịch bệnh sẽ níu lãi suất khó sớm tăng trở lại. Với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức tốt, các ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
TS Lê Xuân Nghĩa