“Khoác áo mới“ cho biệt thự cổ tại Hà Nội: 14 tỷ đồng và những điều bỏ ngỏ

“Khoác áo mới“ cho biệt thự cổ tại Hà Nội: 14 tỷ đồng và những điều bỏ ngỏ

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 17/04/2023 - 06:08

Công trình biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được kỳ vọng sẽ trở thành công trình mẫu đầu tiên cho việc tu sửa biệt thự cổ Hà Nội một cách bài bản và khoa học. Tuy nhiên sau khi "khoác áo mới" công trình này lại nhận về những ý kiến trái chiều từ dư luận. Và có lẽ một phần băn khoăn không nhỏ xuất phát từ con số đầu tư 14 tỷ đồng.  

*****

LTS:

Trong cuốn khảo cứu "Đi xuyên Hà Nội", nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến đã nhận định "Biệt thự nằm trên các con phố Hà Nội được giới kiến trúc châu Á đánh giá độc nhất vô nhị vì không thủ đô châu Á nào lại có nhiều "vườn trong phố" như vậy và nó không còn là tài sản riêng Hà Nội của Việt Nam mà là tài sản của kiến trúc thế giới. Hơn một nghìn biệt thự đã biến Hà Nội từ một cô gái xộc xệch cuối thế kỷ XIX thành một cô gái duyên dáng mượt mà, sang trọng và đẹp đẽ vào giữa thế kỷ XX". 

Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến thiên của lịch sử, biệt thự cổ Hà Nội hiện nay không chỉ là những công trình mang nhiều giá trị về văn hoá, kiến trúc mà còn là di sản của ký ức lịch sử. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp trầm trọng, những dấu ấn "vang bóng một thời" lại đang là bài toán khó giải với nhà quản lý đô thị và giới kiến trúc hiện đại.

Mới đây, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự và tiến hành cải tạo, trùng tu nhằm “hồi sinh” các công trình. Tuy nhiên, sau gần một năm cơ bản hoàn thành việc tu sửa một công trình được coi là "công trình mẫu về tu bổ biệt thự" của Hà Nội, diện mạo mới của căn biệt thự này lại nhận về nhiều những tranh cãi từ dư luận. 

Cần có chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội như thế nào để vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” quý giá này, để nét duyên dáng thế kỷ XX không lạc lõng trong lòng đô thị thế kỷ XXI?

Trên tinh thần góp ý và xây dựng để hoàn thiện các giải pháp về chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Chính sách bảo tồn biệt thự cổ tại Hà Nội: Những bài toán cần phải giải".

Bài 1: “Khoác áo mới“ cho biệt thự cổ tại Hà Nội: 14 tỷ đồng và những điều bỏ ngỏ

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

"Công trình mẫu" gây tranh cãi

Những ngày giữa tháng 4, câu chuyện về một căn biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội được "khoác áo mới" bỗng trở thành chủ đề "nóng" nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân Thủ đô cũng như trên cả nước.

Ngược dòng thời gian, căn biệt thự cổ nằm tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Pháp ở Việt Nam và vẫn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc đến tận ngày nay. Công trình tọa lạc trên lô đất "kim cương" của Thủ đô, rộng 993m2 với hai mặt tiền. Trước đây, căn biệt thự này đã từng có một khoảng thời gian dài bị bỏ hoang, nhiều hạng mục gần như hỏng hoàn toàn.

Trước tình hình đó, cuối tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi công dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài". Dự án nằm trong thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2022-2025 giữa TP Hà Nội và vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp). 

Ở thời điểm khi ấy, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết nguyên tắc cơ bản trong công tác trùng tu là tôn tạo và cố gắng phát huy giá trị công trình kiến trúc cổ. Dự kiến sau khi hoàn thành, căn biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là trung tâm giao lưu văn hóa Pháp của Hà Nội, là nơi những người yêu di sản có thể tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội cũng như những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa giữa hai nước Pháp - Việt trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Đặc biệt, đây là công trình biệt thự đầu tiên của Hà Nội được tiến hành trùng tu một cách bài bản. UBND quận Hoàn Kiếm cũng đặt mục tiêu xây dựng nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài trở thành công trình mẫu về tu bổ biệt thự.

Đến nay, sau một năm trùng tu, căn biệt thự cơ bản đang dần được hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng và đã có những thay đổi mới về chất lượng công trình, đường nét kiến trúc,... và đặc biệt là màu sắc. Với tổng mức đầu tư dự án lên tới 14,7 tỷ đồng (được sử dụng hoàn toàn bằng vốn ngân sách của quận Hoàn Kiếm), dù được trông đợi nhiều nhưng dường như những hình ảnh mới đây lại khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí có phần tiếc nuối vì không cảm nhận được nét "cổ" của căn biệt thự cổ. 

Trước những ý kiến trái chiều về màu sơn "khó hiểu" của công trình, chiều 15/4, UBND quận Hoàn Kiếm cùng chuyên gia Pháp đã phải thông tin chính thức về vấn đề này. Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam, đơn vị phối hợp với quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án cho biết, căn biệt thự chưa đến giai đoạn trùng tu cuối cùng, chưa hoàn thiện nhưng các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu. 

"Nếu cố tình làm nhạt nhòa theo thời gian thì sau một thời gian nữa, dưới tác động của mặt trời, màu lại nhạt tiếp. Do đó, gam màu này trong thời gian tới có chút điều chỉnh nhưng về cơ bản sẽ không thay đổi. Gam màu gốc của công trình là như thế này", ông Emmanuel Cerise cho hay.

Điều đáng nói là căn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo cũng không phải công trình kiến trúc cổ duy nhất của Thủ đô phải đối mặt với những vết tích thời gian. Ngoài dự án này, quận Hoàn Kiếm cho biết trong năm 2023 sẽ tu bổ 7 tòa biệt tự. Trong khi ở một số quận Ba Đình, Đống Đa, nhiều biệt thự cổ cũng đang chờ đến ngày được "khoác áo mới". Do đó, để đạt được hiệu quả như kỳ vọng và tương xứng với nguồn kinh phí lớn bỏ ra từ ngân sách, công tác trùng tu các biệt thự cổ đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ, khách quan và khoa học. 

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng vừa ký ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy. Theo đó, 1.216 biệt thự theo danh mục công bố tại Quyết định 1845 ngày 2/6/2022 của UBND thành phố và một số công trình kiến trúc khác sẽ được kiểm định, trong đó ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình có giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc.

Có thể thấy, Hà Nội đang quyết tâm "hồi sinh" những biệt thự cổ và tạo chuyển biến bằng những kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên câu chuyện của công trình 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài đã gợi mở nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ trong chính sách bảo tồn, tu sửa biệt thự cổ Hà Nội. 

Diện mạo mới loè loẹt, lạc lõng giữa phố

Chia sẻ với Reatimes, KTS. Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, TP. Hà Nội hiện có hàng trăm biệt thự được xây dựng từ thời Pháp, đến nay cũng đã hàng trăm tuổi, đương nhiên là tuổi thọ công trình giảm và việc tu bổ để nâng cấp phải được chú trọng.

Tuy nhiên, trên cơ sở các nghiên cứu có thể thấy, biệt thự Pháp ngoài vẻ đẹp kiến trúc còn có những đặc trưng, đại diện cho kiến trúc văn hoá một giai đoạn. Do đó, vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, đá, gỗ, bê tông cốt thép khi đó rất ít. Kết cấu tường của biệt thự chịu lực là chủ yếu nên công tác duy tu bảo dưỡng hoặc nâng cấp cần có giải pháp thích hợp và phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn, giới kiến trúc sư, thậm chí là cả cư dân sinh sống gần biệt thự đó.

Căn biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài sau một năm trùng tu đã có những thay đổi về diện mạo, màu sắc. (Ảnh: Hà Trang)

Riêng với câu chuyện trùng tu căn biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, KTS. Ngô Doãn Đức cho biết, ông đã nhận được những ý kiến từ bạn bè đồng nghiệp và người quen về màu sắc mới của biệt thự. Theo ông, hiện trạng căn biệt thự đã được cải tạo về chất lượng tốt hơn so với công trình xuống cấp trước đó. Tuy nhiên, về màu sắc đúng là chưa thực sự "dễ chịu", thậm chí là "loè loẹt", khiến cho ngôi biệt thự có vẻ lạc lõng giữa phố.

Bàn luận về số tiền trùng tu, KTS. Ngô Doãn Đức cho rằng, số tiền 14 tỷ đồng không hề nhỏ. Hơn nữa, số kinh phí này hoàn toàn là từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Do đó, càng cần phải cẩn trọng tính toán sử dụng cho hợp lý.

Phối cảnh Biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài. (Ảnh: Cổng giao tiếp điện tử UBND TP. Hà Nội)

"Đã bỏ ra một số tiền lớn 14 tỷ đồng thì nên cố gắng hoàn thiện hơn"

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho hay, màu sắc mà biệt thự đang sơn là dựa theo nguyên bản. Tuy nhiên, với điều kiện đặc trưng của khí hậu nước ta, khi nắng lên thì sẽ cảm giác màu nhạt đi, gần gũi với thẩm mỹ kiến trúc mà người dân đã "quen mắt". Còn như những ngày gần đây, tiết trời u ám, nếu quan sát sẽ thấy màu sắc sẫm hơn. Chuyên gia cho rằng lẽ ra màu sắc nên nhạt hơn thì sẽ phù hợp về mặt thẩm mỹ hơn. 

Các biệt thực cũ chính là "quỹ di sản" đặc biệt của Hà Nội, là minh chứng cho cả thời kỳ phát triển hội nhập của Thủ đô. Do đó, trùng tu, cải tạo để bảo tồn các công trình kiến trúc cổ là việc làm cần phải có sự quyết tâm rất lớn, phải làm sao để giữ được hồn cốt của di sản.   

"Giá như đã bỏ ra một số tiền lớn là hơn 14 tỷ đồng thì nên cố gắng hoàn thiện hơn nữa. Ngoài câu chuyện về màu sắc, lẽ ra khoảng sân xung quanh biệt thự nên được cải tạo chỉn chu đúng với phong cách kiến trúc trước kia như lát gạch, tạo thành lối đi, xung quanh phải được trồng cây xanh, có vườn hoa,... thay vì để toàn đá dăm ngổn ngang như hiện giờ. Kiến trúc biệt thự cao cấp hồi xưa cũng không hay để đá mà họ chia ra các đường nhỏ để mọi người có thể đi dạo trong sân vườn. Tất nhiên, biệt thự vẫn đang trong quá trình tu bổ chứ chưa hoàn thiện", KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Theo chuyên gia, khoảng sân xung quanh biệt thự nên được lát gạch, tạo lối đi, xung quanh trồng cây xanh, có vườn hoa,... để gần gũi với phong cách kiến trúc xưa. (Ảnh: Hà Trang)

Theo chuyên gia, trong việc trùng tu, cải tạo những công trình kiến trúc cổ, cũng đã có nhiều bài học. Đơn cử như công trình Nhà Hát Lớn khi sơn xong cũng đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân nên cuối phải sửa lại. Hay như Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng,... và nhiều công trình khác cũng đã từng bị lặp lại kịch bản tương tự.

"Lẽ ra  sau khi đã thực hiện tu sửa bao nhiêu công trình cổ rồi, chúng ta phải rút ra được kinh nghiệm, những với công trình này lại vấp phải những ý kiến trái chiều, chưa thuận lòng dân sau khi cải tạo", KTS. Đào Ngọc Nghiêm nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia, việc trùng tu các biệt thự cũng cần phải chú ý đến cả diện mạo của cả tuyến phố. Người Pháp thậm chí đã chú ý thiết kế để có "nhịp điệu kiến trúc" dọc theo cả tuyến phố Trần Hưng Đạo, từ phong cách này chuyển sang phong cách khác một cách nhịp nhàng chứ không phải cứ thế mà xây dựng bừa bãi.

Cần công khai báo cáo nghiên cứu để giới chuyên môn và người dân đối chiếu

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng chia sẻ, các biệt thự xây dựng thời thuộc Pháp có giá trị kiến trúc, tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của Hà Nội những năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Với kiến trúc mang đậm phong cách miền Nam nước Pháp được thiết kế bài bản, tinh tế, các biệt thự Pháp đã tạo cho những con phố cũ của Hà Nội nét đặc trưng của một đô thị châu Âu. Để các biệt thự đó xuống cấp, hư hại thì chúng ta đang để mất đi một quỹ kiến trúc rất có giá trị.

Hà Nội đã từng có chủ trương bảo tồn, tôn tạo để giữ gìn phát huy giá trị của quỹ biệt thự này vào phát triển kinh tế từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chủ trương này không thành công, do biến động của lịch sử và chính sách vào những năm đầu Thủ đô giải phóng nên rất nhiều biệt thự đã trở thành nhà ở tập thể, nơi cư trú của nhiều hộ gia đình. Giải pháp di dân nhằm giãn bớt mật độ người sống trong các ngôi biệt thự này cũng đã được tính đến nhưng đòi hỏi nguồn ngân sách lớn không đủ khả năng nên đã không thực hiện được.

Vậy nên, để công tác bảo tồn có kết quả, Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị thuộc Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh du lịch.

Việc trùng tu cải tạo biệt thự Pháp cần phải đảm bảo được nguyên tắc về giá trị gốc, phải giữ được kiến trúc xưa cũ, màu sắc, kết cấu của hệ thống sân vườn và đặc biệt không được phép cơi nới thêm.

"Biệt thự Pháp chỉ có màu vàng nhạt, ốp gạch đỏ để lộ trần và ẩn mình trong những hàng cây xanh. Tôi rất sợ việc cải tạo lại cơi nới xây thêm hoặc màu sắc quá sáng sẽ làm xấu đi công trình cũ và mất ý nghĩa của công tác bảo tồn. Với biệt thự tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài hiện tại, màu sắc đúng là khá nổi bật. Do đó, khi vào giai đoạn trùng tu cuối cùng, nhiều ý kiến người dân chưa hài lòng. Tôi cho rằng, các KTS có thể nhìn nhận lại và đối chiếu với các nghiên cứu về màu sắc trước đó và tính toán tỉ mỉ cách phối màu. Đương nhiên nếu đó là màu sắc thực của lịch sử thì cần tôn trọng, còn nếu không phải thì cần điều chỉnh lại", KTS. Phạm Thanh Tùng nói.

Theo chuyên gia, việc trùng tu, cải tạo để bảo tồn những công trình kiến trúc cổ cần phải chú trọng giữ được "hồn cốt" di sản. (Ảnh: Hà Trang)

KTS cũng cho rằng, một công trình kiến trúc cổ khi tiến hành trùng tu, sửa chữa hoặc phá dỡ để làm mới thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến của giới chuyên môn và người dân.

"Tiến hành trùng tu trên cơ sở các tài liệu lưu trữ, ảnh chụp trước đây hay các tài liệu có tính khoa học khác để không dẫn tới sự biến đổi tính nguyên bản của công trình. Đây là một quá trình đòi hỏi có sự nghiên cứu tỉ mỉ, khách quan và khoa học, tránh những sự nhầm lẫn. Sau khi hoàn thành việc trùng tu biệt thự tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, các đơn vị có thể công khai các báo cáo nghiên cứu để giới chuyên môn và người dân có thể trực tiếp xem và đối chiếu", KTS. Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

14 tỷ đồng được dùng toàn bộ vào phần xây lắp công trình

Trả lời PV Reatimes, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết:

"Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài có mục tiêu xây dựng trở thành công trình mẫu về tu bổ biệt thự. Do đó, nguyên tắc bảo tồn luôn được đặt lên hàng đầu.

Bên phía Pháp đưa ra một loạt các nguyên tắc để bảo tồn công trình này. Trong quá trình thực hiện, họ đã cử các kiến trúc sư triển khai tu bổ biệt thự cùng với chúng tôi ở Hà Nội và liên tục có những đánh giá, theo dõi sát sao. Các hỗ trợ về mặt kỹ thuật như cử chuyên gia đánh giá, tham gia tu bổ thì bên phía Pháp đề xuất phương án và trả toàn bộ chi phí.

Bên trong biệt thự sẽ được trưng bày, giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển, tu bổ của chính công trình. Về phần nội thất, bên phía Pháp tiếp tục giúp chúng ta lên ý tưởng trưng bày triển lãm bên trong công trình. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để thực hiện trong thời gian tới. 

Về màu sắc, những gam màu sơn trên bề mặt biệt thự đã được tìm ra từ màu gốc của công trình. Trong quá trình tu bổ, chúng tôi đã tìm thấy và có sự so sánh với một số công trình biệt thự khác trên địa bàn.

Con số hơn 14 tỷ đồng là chỉ tính riêng ngân sách của quận Hoàn Kiếm và được dùng toàn bộ vào phần xây lắp cho công trình. Còn về phần kinh phí cho nội thất và kỹ thuật thì hiện nay chúng tôi đang tính toán tổng thể".

Thiết kế: Thế Công
 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top