Aa

Khoản 3 điều 8 Nghị định 20: Nếu đã trái luật thì phải bãi bỏ

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 15/12/2018 - 15:02

Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp bất động sản khi áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ - CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận chỉ rõ những bất cập của Nghị định 20 đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và định hướng sửa đổi những bấp cập trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

jrg

Các đại biểu tham gia Tọa đàm.

Theo các chuyên gia, quy định tại khoản 3 điều 8, Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đồng thời mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn nhất là những lĩnh vực đặc thù, cần nguồn vốn lớn như bất động sản.

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ, khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, luật sư Trương Thanh Đức phân tích, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các doanh nghiệp Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.

“Quy định “tổng chi phí lãi vay” không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần... không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác.

Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, tỷ lệ 20% của Việt nam rõ ràng chưa tính đến những ngành đặc thù, trong khi đó, tại nhiều quốc gia đang áp dụng mức 30% như Ấn Độ, trên 30% như Mỹ và Đức hay như Indonexia cũng dự kiến là 30%... Do đó, ông đề xuất Việt Nam cũng nên áp dụng mức khống chế 30% là hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định, đối với các doanh nghiệp không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì động cơ chuyển giá mang đến mục tiêu chuyển dịch lợi nhuận là không có. Đương nhiên sẽ có trường hợp các doanh nghiệp vay xuyên biên giới của ngân hàng khác và có động cơ, cơ hội chuyển giá, trốn thuế, nếu như mình làm biện pháp đó với việc khống chế lãi vay Ngân hàng Nhà nước thì điều đó là được. Một chính sách thuế phải phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải phù hợp với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khó khăn.

Do đó bà Cúc cho rằng việc sửa nghị định là khả thi, tuy nhiên, trong thời gian chờ sửa nghị định, trước hết nên tạm dừng áp dụng mức 20% đối với các doanh nghiệp chịu một mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, không có ưu đãi thuế, không có giao dịch liên kết và không có động cơ chuyển giá để giảm thiểu thiệt hại một cách đối đa cho các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Cúc

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hải Yến, đại diện Tập đoàn MaSan bày tỏ những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn khi áp theo Nghị định 20, đồng thời cho rằng, nếu giải pháp trước mắt là miễn trừ cho doanh nghiệp cùng thuế suất thì cũng chưa thực sự bao quát đối với tất cả các doanh nghiệp: “Khi công ty mẹ huy động vốn cho công ty con hoạt động, nhưng công ty con đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy là đã có khác biệt giữa công ty mẹ và công ty con.

Với trường hợp như vậy thì sao? Nhìn trên góc độ tập đoàn, vốn đó là vốn vay của công ty mẹ. Nghị định 20 nếu áp dụng thì hầu hết chi phí lãi vay của công ty mẹ vay để đầu tư đã bị loại bỏ. Tôi cho rằng không nên nói các doanh nghiệp có cùng thuế suất mới được miễn trừ, cần xem xét bản chất khoản vay có từ bên thứ 3 không và chi phí đó có hợp lý hay không, mang lại doanh thu hay không”.

Ngoài ra, bà Yến cho rằng, Nghị định 20 cần phải rõ ràng hơn trong quy định về phạm vi, nguyên tắc áp dụng, theo đó, chỉ doanh nghiệp nằm trong phạm vi, mới bị điều chỉnh theo Nghị định 20: “Nếu không nằm trong phạm vi đó, tại sao lại áp dụng? Nếu chúng tôi có giao dịch liên kết nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào chuyển giá thì sao lại áp dụng?

Chúng tôi chỉ có trách nhiệm kê khai, còn việc xác định giá giao dịch liên kết và không công nhận các yếu tố làm ảnh hưởng nghĩa vụ thuế là trách nhiệm của cơ quan thuế. Nếu chúng tôi không có yếu tố làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế thì tại sao lại áp đặt với Nghị định 20”?

Trước những bất cập của nghị định 20 mà các chuyên gia phân tích, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần phải bãi bỏ khản 3 điều 8 của Nghị định 20.

“Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Theo quy định thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?

Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.

Về cách làm, tôi cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách... cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường”, ông Phúc nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Phúc,

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.

Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó giám đốc Tư vấn thuế của Công ty Deloitte Việt Nam, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ - con vì mục đích phát huy hiệu quả các hoạt động kinh tế hợp pháp của Tập đoàn, hoặc các công ty phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản.

Việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS, thực tiễn áp dụng ở các nước để quy định mang tính khả thi và thực sự đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top