Một nghề áp lực
Vấn đề nâng cao chất lượng của hoạt động môi giới đã được đặt ra trong nhiều năm qua. Nghề môi giới bất động sản là một nghề đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật với những yêu cầu rất nghiêm ngặt. Tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Thông tư 11/2015/TT-BXD đã yêu cầu, người môi giới khi tham gia thị trường bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được phép hoạt động.
Theo đó, nhân viên môi giới phải được đào tạo về kiến thức, chuyên môn sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, cũng như đòi hỏi nhiều kỹ năng, tiêu chuẩn khác nhau. Sau đó, các nhân viên môi giới sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch gắt gao để nhận chứng chỉ hành nghề. Không dừng tại đó, sau khi có chứng chỉ, các môi giới phải luôn tự chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là có ý thức tuân thủ các bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Điều này cho thấy, nghề môi giới là một nghề khó, nhiều áp lực, đòi hỏi rất nhiều yêu cầu, chứ không giống với nhiều người suy nghĩ như hiện nay.
Hoa hồng vài chục triệu/giao dịch, quần là áo lượt, lúc nào cũng bóng bẩy, sang trọng, là hình ảnh bên ngoài thường thấy của nhiều môi giới, nhưng không nhiều người hiểu rằng, để có được điều đó là không dễ và số lượng môi giới đạt được thành quả trên không nhiều so với quy mô số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường.
Thực trạng số lượng môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng đã vội vã tham gia thị trường là một trong những vấn đề được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, việc thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây. Hệ quả là hình ảnh của rất nhiều môi giới chuyên nghiệp cũng bị sai lệch trong con mắt của người dân, trở thành các "cò đất”…
Sau giai đoạn khủng hoảng, do khách hàng trở nên kỹ tính hơn, thông minh hơn, các sản phẩm cạnh tranh khốc liệt hơn, nên chất lượng hoạt động môi giới nhìn chung đã có sự cải thiện đáng kể.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới hiện khoảng 200.000 người, hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập, nhưng chủ yếu tập trung ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, ở Hà Nội có trên 70.000 nhà môi giới, TP.HCM nhiều hơn với trên 90.000 nhà môi giới.
Lực lượng môi giới đông đảo với chất lượng chuyên môn tốt hơn, đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2017. Trong giai đoạn này, có gần 100.000 giao dịch bất động sản thành công và ước tính, khoảng 70 - 75% giao dịch này được thực hiện thông qua các sàn môi giới.
Nhưng cần phải quyết liệt hơn trong việc nâng cao chuẩn mực
Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thị trường bất động sản, không phủ nhận rằng, hoạt động môi giới ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trình độ, kỹ năng còn chưa bắt nhịp được với thế giới, thậm chí so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore...
Phần lớn các nhà môi giới Việt Nam chưa có chứng chỉ nghề, đây chính là thực tế và rào cản lớn cho sự chuyên nghiệp hóa của ngành môi giới nói riêng và sự vận hành của thị trường địa ốc nói chung.
Cũng theo thống kê của VARs, trong khoảng 200.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, chỉ có khoảng 100.000 người là môi giới chuyên nghiệp, tức là hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư.
Nếu tính sát sao hơn theo quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng, người môi giới phải qua khâu sát hạch và được cấp chứng chỉ, thì tính đến nay, mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp.
Số lượng môi giới ngoài kiểm soát quá lớn, do không được đào tạo về nghề, thường tay ngang chuyển sang bất động sản khi thị trường nóng, đã gây ra nhiều bức xúc trên thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội ngũ môi giới hoạt động chân chính.
Chưa kể, điều này còn ảnh hưởng tới nỗ lực nâng tầm chuẩn mực minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế, khiến họ e ngại và rụt rè khi quyết định đầu tư, dù bất động sản Việt Nam được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng.
Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải thúc đẩy các hoạt động môi giới theo hướng chuẩn chỉ với những chế tài nghiêm ngặt hơn dành cho các nhân viên môi giới khi tham gia thị trường. Trong đó, quy định về việc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới mới được tham gia thị trường là yêu cầu xuyên suốt nếu muốn định hình Việt Nam là một thị trường minh bạch, đầy tiềm năng.
Với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp về hoạt động môi giới, trong thời gian vừa qua, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã liên tục thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các đại lý, doanh nghiệp, môi giới viên trong lĩnh vực phân phối bất động sản. Đồng thời, Hội cũng tổ chức các chương trình thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới các sàn giao dịch, đơn vị phân phối trên cả nước.
Tính đến nay, sau gần 3 năm Thông tư 11 có hiệu lực, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo và tiến hành cấp chứng chỉ môi giới cho hàng chục ngàn hội viên. Bên cạnh đó, Hội cũng tiến hành mở văn phòng đại diện tại nhiều thị trường mới như Thanh Hóa, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Thái Nguyên…, nhằm cập nhật tình hình kịp thời tại các địa phương, để từ đó hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, mặc dù quy định cấp chứng chỉ hiện nay đã có trong Luật, nhưng vẫn có sự lỏng lẻo nhất định giữa các địa phương. Việc cấp chứng chỉ được giao cho các sở, ngành của địa phương thực hiện, nhưng có nơi làm bài bản, có nơi còn lỏng lẻo, nên chất lượng hành nghề của các môi giới không đồng đều. Chưa kể, do quy trình giám sát không chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng gian lận trong việc thi cử, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.
Điều này cần phải tránh và cơ quan quản lý cần phải có nhận thức rõ ràng hơn, đặc biệt khi thị trường đã bước sang giai đoạn phát triển mới, khách hàng sẽ khó tính hơn, buộc môi giới phải chuyên nghiệp hơn. Khi đó, những người môi giới bán chuyên, tự do, kỹ năng yếu sẽ bị đào thải, chỉ còn những người môi giới thực sự chuyên nghiệp, được đào tạo một cách bài bản mới trụ vững với nghề.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam