Kỳ 3: Khoảng tối trong căn bệnh “xã ỷ huyện, huyện ỷ xã”?

Kỳ 3: Khoảng tối trong căn bệnh “xã ỷ huyện, huyện ỷ xã”?

Thứ Tư, 23/06/2021 - 14:00

Lời toà soạn:

Gần đây, Reatimes nhận được thông tin phản ánh của người dân tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội về việc lấp sông suối để phân lô bán nền: "Nhà báo hãy về cứu người dân chúng tôi. Họ đang lấp sông, lấp suối để phân lô bán nền. Mùa lũ sắp đến, năm nay chắc chúng tôi sẽ một lần nữa trôi hết tài sản!".

Yên Bài khoảng chục năm trở lại đây chưa lúc nào được "yên" vì những cơn "sốt" đất, "sốt" phân lô bán nền. Tình trạng quản lý đất đai không chỉ ở địa phương này mà cả các khu vực giáp ranh thuộc Ba Vì, Thạch Thất dường như đã và đang trở thành điển hình của việc buông lỏng quản lý đất đai.

Nhận thấy đây là sự việc đáng được lưu tâm, Reatimes xây dựng tuyến bài nhằm mục đích tìm hiểu cặn kẽ sự việc này và phản ánh tới quý độc giả những thông tin chân thực nhất. 

Trân trọng mời quý vị đón đọc!

Trước những thông tin phản ánh của Reatimes về sự việc “bức xúc sông Cò” xảy ra tại xã Yên Bài, các cấp chính quyền TP. Hà Nội và huyện Ba Vì đã vào cuộc nhanh chóng.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, công tác giải tỏa những vùng đất lấn chiếm đã được thực hiện. Tại đây, một chiếc máy xúc đang đào bới, phá bỏ những khối bê tông, cốt thép và xi măng đã được xây lấn tới lòng sông.

Phần diện tích đất được cho là xây xâm lấn ra lòng sông Cò.

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ba Vì cho biết, ngày 12/5, huyện Ba Vì đã có văn bản gửi Trường Sĩ quan Lục quân 1, UBND xã Yên Bài, UBND huyện Thạch Thất liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn trong lòng sông của gia đình ông Kiều Cao Cường.

Theo đó, UBND huyện Ba Vì đề nghị UBND huyện Thạch Thất phối hợp với Trường Sĩ quan Lục quân 1 và xã Yên Bình tiến hành kiểm tra xác minh hiện trạng thửa đất 31, tờ bản đồ 01, ngày 8/12/2016 đã được UBND huyện Thạch Thất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Thọ và được cấp đổi lại vào ngày 1/3/2021 bởi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, công văn của UBND huyện Ba Vì cũng đề nghị UBND xã Yên Bài và Trường Sĩ quan Lục quân 1 báo cáo về nguồn gốc sử dụng đất và giấy tờ pháp lý về các vị trí vi phạm đất đai của các hộ gia đình, cá nhân về UBND huyện Ba Vì qua Phòng Tài nguyên và Môi trường trước ngày 2/6/2021.

Nguyễn văn trường

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao có những thửa đất được cấp sổ đỏ ra tận giữa lòng một dòng sông thoát lũ quan trọng như vậy, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn người dân mà xã không biết, huyện cũng không hay trong suốt một thời gian dài?

Câu chuyện này lại trở thành minh chứng để thấy rằng, việc quản lý đất đai ở cấp xã và cấp huyện xuất hiện một “yếu điểm”, đó là thiếu minh bạch trong trách nhiệm quản lý đất đai, khiến cho căn bệnh “xã ỷ vào huyện, huyện ỷ vào xã” có không gian hoành hành.

 

 

Trong vấn đề quản lý tài nguyên đất đai ở lưu vực sông Cò, khi phỏng vấn những cá nhân có trách nhiệm của chính quyền xã về những mảnh đất công bị lấn chiếm, mỗi mảnh đất có giá thị trường từ vài trăm triệu đến cả chục tỷ đồng, chúng tôi không thấy một ai thể hiện sự xót xa, phẫn nộ; không có ai cảm thấy bị xúc phạm trách nhiệm hoặc nhẹ hơn là áy náy vì sơ suất công vụ…

Đấy, quản lý đất công hiện nay ở nước ta đang tồn tại sự thờ ơ và lạnh lẽo đến như vậy, mà nguy hiểm ở chỗ nó phổ biến chứ không phải hiện tượng cá biệt.

Ở một góc độ khác, với những người đang lấn đất công với mưu đồ chiếm hữu thành của riêng mình thì sao? Trái ngược hoàn toàn, rất mãnh liệt và liều lĩnh. Mặc dù có những phản đối của người dân phụ cận nhưng họ vẫn đầu tư tiền bạc để đổ hàng nghìn mét khối đất, xây tường đắp kè, tạo ranh giới mới. Bởi họ vốn tin rằng cái gì không mua được bằng tiền thì vẫn có thể chiếm hữu được bằng rất nhiều tiền. Bởi một lẽ, tiền đó không phải là của họ.

Theo người dân thôn Quảng Phúc (xã Yên Bài), chỉ cần đứng ở trên cầu Sông Cò nhìn xuống vùng đất vàng tươi mới bị san lấp kia cỡ trên dưới 4.000m2, rồi nhẩm tính giá đất thị trường mà người dân sang tay đang nóng lên ở đây là từ 2 đến 4 triệu đồng một mét vuông thì trị giá của nó đã trên dưới 10 tỷ đồng rồi. 

Với bài viết này, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc để làm rõ đúng sai, phần nữa xin coi đây là ví dụ sinh động cho thấy một trong những lỗ thủng quan trọng cần được quan tâm trong dịp sửa đổi Luật Đất đai lần này, đó là giải quyết khoảng cách giữa sự thờ ơ, lạnh lẽo của người chủ sở hữu và sự mãnh liệt, liều mạng của những người muốn chiếm hữu đất đai, mà trong đó, lấy cấp xã, phường làm những chốt chặn vững chắc đầu tiên để bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai vô cùng quan trọng này./.

Để minh chứng thêm về căn bệnh ỷ lại này, chúng tôi xin dẫn ra câu chuyện mới đây mắt thấy tai nghe, cũng ở Hà Nội, khiến cho nhiều hộ dân bất an bởi sự tắc trách trong việc quản lý đất đai giữa cấp xã và cấp huyện. Đó là việc ra quyết định thu hồi mảnh đất mà huyện Gia Lâm đã giao cho 20 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại Khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp cách đây… hơn 30 năm!

Theo người trong cuộc kể lại, từ những năm 1980, Ninh Hiệp là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Gia Lâm, đường vào xã đi lại còn khó khăn, cách xa quốc lộ. Để thu hút giáo viên về với địa phương, UBND xã Ninh Hiệp phải vận động và đưa ra nhiều ưu sách mong muốn thu hút được giáo viên về đây dạy dỗ con em quê hương xã Ninh Hiệp.

Thời điểm ấy, xã cùng với nhà trường xây dựng 2 dãy nhà tập thể tạo điều kiện cho giáo viên có chỗ ăn, chỗ ở ổn định, gắn bó lâu dài với trường với lớp, với con em họ. Năm 1990, xã tiếp tục sửa sang, xây thêm một dãy nhà nữa với tổng cộng 20 căn (cũ và mới). Các giáo viên ở đây đã gắn bó hơn 30 năm với sự nghiệp giáo dục các thế hệ học sinh trên địa bàn…

Đến nay, UBND xã Ninh Hiệp ban hành văn bản số 276/UBND-ĐCXD ngày 21/9/2020 báo cáo với huyện: “Khu đất tập thể giáo viên nguồn gốc là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý từ năm 1993, tạo điều kiện cho giáo viên mượn làm nơi ăn ở khi giảng dạy tại trường tiểu học, trung học Ninh Hiệp…”.

Dựa vào văn bản này, UBND huyện Gia Lâm mới lấy đó làm căn cứ để ban hành văn bản số 3521/UBND-TN&MT vào ngày 17/11/2020 và chỉ đạo: “Khu đất tập thể giáo viên nguồn gốc là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý từ năm 1993… Để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, yêu cầu di dời, bàn giao mặt bằng cho UBND xã quản lý trước ngày 30/11/2020”.

Biết rằng, việc thu hồi đất để làm dự án phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài của địa phương vốn là việc thường tình và nên làm. Thế nhưng, mọi quyết định thu hồi đất đều phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của pháp luật, đi liền với đó là lấy việc an sinh của người dân làm gốc, chứ đâu thể chỉ đơn giản bằng một quyết định hành chính cấp xã như vậy?

Sự việc trên đây cần được chính quyền cấp cao hơn vào cuộc để phân định đúng sai. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy ở đây là việc quản lý đất đai thiếu trách nhiệm, không nhất quán ở cả cấp xã và cấp huyện.

Nhóm Phóng viên
06/23/2021 14:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top