Aa

Khói bếp trong ký ức người Hà Nội

Thứ Tư, 28/06/2017 - 21:32

Phố phường Hà Nội bây giờ đông đúc, cuộc sống tất bật bộn bề, chẳng ai còn thời gian nhóm lửa hay chờ đợi than hồng. Nhiều loại bếp mới ra đời cho phù hợp với đời sống hiện đại, tuyệt nhiên chẳng thấy cái nào có khói. Khói bếp có lẽ chỉ còn trong ký ức người Hà Nội.

Những năm 1980 thế kỷ trước, đầu ngõ Bà Triệu giao phố Tô Hiến Thành có một gian nhà lợp mái lá, khu phố sử dụng làm tổ phục vụ bán nước sôi cho người dân. Bà ngoại tôi là một trong hai người làm việc tại tổ phục vụ này. Ngày đó, nhập tịch cho con cái ăn học cực kỳ khó khăn. Tem phiếu chỉ cấp cho người có hộ tịch và lai lịch rõ ràng. Bà tôi rời quê Vũ Thư, Thái Bình theo chồng về Hà Nội từ năm 1956. Nhà đông con, đến 9 miệng ăn, bà phải xin vào làm tại tổ phục vụ để vừa có thu nhập vừa có “thành tích” với khu phố, dễ xin nhập tịch hơn.

Trong gian nhà lá ấy, một bệ bếp chạy dài xây bằng gạch đỏ. Bếp chia làm hai khoang, phía dưới có cửa gió vừa lấy khí vừa là nơi cho than vào. Trên vách bằng đất trộn rơm, bà phơi những nắm than bùn thành hàng ngay ngắn. 

Nước đun trong thùng phi cao quá đầu người. Nước giữ sôi âm ỉ chờ khách mang phích tới là rót vào ngay, một hào một phích nước. Bà dùng gáo bằng tôn hoa mua trên phố Thuốc Bắc. Mỗi lần múc nước phải đứng lên trên ghế.

Trời mùa hè oi bức, chưa bước đến cửa tổ phục vụ, hơi nóng bếp than đã phả ra như cản bước chân. Thế mới thấy sức chịu đựng con người thật ghê gớm, nóng mấy bà tôi vẫn ở gần bếp than giữ cho lửa đều và nước luôn sôi. Đôi lúc quá lửa, nước sôi trào ra ngoài rớt xuống than hồng nghe đánh “xèo”, khói bụi theo đó cuốn lên kèm hơi than tức ngực. 

 Mùa đông và mùa mưa thì nơi đây là thiên đường. Mùa đông Hà Nội thời ấy sao mà rét, có lẽ rét là vì đứa trẻ nào cũng thiếu áo quần. Sung sướng hơn đứa trẻ khác, tôi được mặc chiếc quần nhung màu be có một miếng vá cùng màu ở đầu gối. Mẹ khéo chọn và khéo khâu nên không dễ nhận ra. Anh em tôi chiếm trọn cái giường tre của bà, hơi ấm từ bếp than hồng như hơi ấm của bà ấp ủ hai đứa cháu ngoại say giấc trưa. Đôi lúc chúng tôi chơi chuyền cùng mấy đứa trong khu dưới nền đất, gian nhà lá ấm áp hâm nóng đôi bàn tay lũ trẻ đang tê cóng, thật dễ dàng qua bàn chuyền một, chuyền hai. 

Nhớ về thời khó khăn, người Hà Nội chắc ít ai quên bếp than hoa của gánh hàng xôi buổi sớm. Xôi xéo ngày ấy thuộc vào món ngon, thứ quà sáng mà không phải ngày nào cũng được ăn dù thèm lắm. Gạo nếp được lựa chọn kỹ càng đem ngâm, nhuộm bột nghệ rồi khéo đồ thành món xôi có màu vàng ruộm, bọc lá sen thơm, phủ trên từng lát xéo đậu cũng vàng óng ả, béo bùi bởi lớp mỡ thơm và thật nhiều hành phi giòn, ngon miệng, ngon mắt đến lạ lùng.

Khi trời còn chưa sáng hẳn, con phố vắng không có bóng người, vậy mà bà Minh với gánh hàng xôi đã đến tự bao giờ. Cụ bà tuổi ngoài 80, người nhỏ nhắn, luôn mặc cái quần lụa đen, áo nâu sòng, đầu chít khăn mỏ quạ, khuôn mặt hiền từ, thao tác mau lẹ mà lũ trẻ chúng tôi còn thua xa không theo kịp. Gánh hàng của bà đặt ngay dưới cổng trường Sông Hồng và có từ bao giờ tôi cũng không rõ.

Bếp tập thể ở Hà Nội trong những năm bao cấp

Bếp tập thể ở Hà Nội trong những năm bao cấp

Tôi thường là khách đầu tiên của bà Minh. Trong khi bà quét vỉa hè và xếp hai thúng xôi, tôi giúp bà nhóm bếp than hoa, công việc mất nhiều thời gian nhất. Gọi là bếp chứ thực tình chỉ là một cái đĩa nhôm đen sì, méo mó. Than hoa xếp từng viên tạo thành khe hở và thoáng gió mới bắt được lửa. Châm lửa que đóm, tay vừa che gió vừa luồn nhẹ nhàng xuống bên dưới đống than.

Lửa bén vào vài viên, thổi nhẹ cho đến khi lan đều mới dùng quạt nan quạt đều tay. Nghe thì dễ đấy, vậy mà tôi phải mất đến 7 hay 8 lượt châm đóm vẫn không làm sao cho lửa cháy lên được. Lúc vì gió to, lúc vụng về làm than đổ sụp tắt đóm. Có khi gần được nhưng quạt mạnh tay quá, lửa chưa kịp bén sang viên than khác đã tắt ngấm. 

Những lúc ấy bà Minh chẳng bực chút nào, bà cười móm mém rồi tự tay châm lửa. Nháy mắt cái đĩa trở nên hồng rực. Bà nhanh nhẹn đặt cái cặp lồng màu nâu cũng méo mó như cái đĩa than lên bếp rồi cho mỡ lợn vào. Hành khô thái nhỏ bỏ vào, đợi chút xíu rồi múc từng thìa rưới lên trên lớp xéo đậu xanh là được gói xôi hoàn chỉnh. Mùi hành phi quyện vào xôi nếp làm thực khách chờ mua hàng cứ rớt nước miếng. Món xôi ấy đã mê hoặc bao nhiêu thế hệ người dân khu phố tôi, cho đến tận bây giờ hương nếp hành mỡ vẫn cứ phảng phất trong ký ức.

Cũng cái thời khó khăn ấy, nhà nào ở Hà Nội cũng dùng một hoặc vài cái bếp dầu hỏa nấu ăn hàng ngày. Bếp được gò bằng tôn hoặc bằng sắt, sơn tráng men màu xanh dưa hấu. Bếp dầu có cấu tạo khá đơn giản gồm bầu chứa dầu, bấc, bộ dẫn bấc, chụp gió và mặt kiềng 3 chân. Đại khái bếp dầu hỏa giống cái đèn dầu nhưng dùng đồng thời nhiều sợi bấc. 

Bếp dầu hỏa của Trung Quốc, của Nhà máy Hải Phòng hay của thợ thủ công phố Hàng Thiếc đều khói như nhau. Khói bếp dầu hỏa có mùi khét đặc trưng, đến giờ tôi vẫn nhớ mùi cơm rang đảo trên bếp dầu hỏa. Cơm nguội thừa từ chiều hôm trước rang với tóp mỡ và dưa cải muối ngon phải biết.

Cũng hiếm khi đủ nguyên liệu để rang được món cơm như thế, thường chỉ rang cơm với mỡ, tưới thêm ít xì dầu là đánh lừa cái miệng cho ấm bụng đi học. Rang cơm kiểu nào bằng bếp dầu cũng ám mùi khét. Tôi ăn và ngửi mãi đâm ra nghiện, thành thử rang cơm mà không có mùi ấy là không thấy ngon.

Đun bếp dầu có nhiều cái khổ: phải thay bấc khi hết hoặc bấc bị thối; bếp bị ẩm sau đêm mưa không che đậy, sáng ra không bắt lửa, khói ám đen kịt đáy xoong nồi... Nhưng khổ nhất là khi hết dầu. Được mẹ sai đi mua, tôi buộc can nhựa 10 lít đằng sau xe đạp Thống Nhất, đạp một mạch ra đầu phố Nguyễn Công Trứ.

Thời ấy thiếu dầu hỏa, chưa kịp hỏi cô nhân viên hợp tác xã đã lắc đầu báo hết dầu. Tôi đạp xe ra đầu phố Thi Sách cũng nhận được cái lắc đầu tương tự, quay đầu xe phóng nhanh tới Ngõ nhà dầu đầu phố Khâm Thiên, mua một can của dân phe, về đến nhà đã quá giờ trưa, nóng toát mồ hôi và đói mềm người.

Vất vả là thế nhưng niềm vui cũng đến với lũ trẻ chúng tôi từ việc nấu bếp dầu. Nghỉ hè, mấy đứa cùng chơi tú lơ khơ bôi nhọ nồi, thua một ván là bị vẽ một râu lên mặt. Vậy là nhà có hai ông tướng, hai bà tướng, đứa này nhìn đứa kia ôm bụng cười. Niềm vui cứ thế lan khắp ngõ nhỏ.

Rồi chẳng hiểu vì sao bếp dầu hỏa biến mất, thay vào đó là bếp than tổ ong gây bao nỗi kinh hoàng cho bầu không khí Hà Nội. Dẫu biết hơi than độc hại, mọi người vẫn đua nhau dùng vì tiết kiệm, than rẻ và bếp cũng rẻ. Các xưởng đóng than mọc lên như nấm dọc theo đê sông Hồng từ Cảng Phà Đen xuống dưới tận Thanh Trì. 

Nhà nào cũng tích trữ ít củi vụn nhóm bếp, sau này người ta còn chế ra loại bếp dây mayso chỉ chuyên để mồi than. Nhóm bếp than tổ ong cũng phải có bí quyết, than phải để chỗ ẩm không khô quá thì dễ bén hơn. Củi chặt thành khúc ngắn và không quá nhỏ xếp xen kẽ dưới đáy bếp, khi cháy hết thành lớp than củi hồng bén sang than tổ ong.

Khói là đặc trưng khi nhóm bếp than tổ ong, chỉ bếp của một nhà thôi là khói đã bay kín đặc lối ra vào ngõ. Những ngày đông, đun nấu bằng bếp than tổ ong cũng có cái thú. Sáng sớm, sương còn giăng chưa rõ mặt người, mấy hộ bán hàng đã dậy nhóm bếp. Bếp xếp hàng dài mặt đường, cùng nhả khói trắng đặc quánh. Khói luẩn quất dưới đám lá bàng đỏ làm khung cảnh thêm mờ ảo. Khói thoảng mùi gỗ thông thơm dịu. Đi trong khói ấy buổi sớm thấy tinh thần có phần phấn chấn hơn.

Phố phường Hà Nội bây giờ đông đúc, cuộc sống tất bật, bộn bề trăm việc, chẳng ai còn thời gian nhóm lửa hay chờ đợi than hồng. Nhiều loại bếp mới ra đời cho phù hợp với đời sống hiện đại, nào bếp ga, bếp từ, bếp hồng ngoại..., tuyệt nhiên chẳng thấy cái nào có khói. Khói bếp có lẽ chỉ còn trong ký ức người Hà Nội.     

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top