Aa

Khơi dậy tiềm năng phát triển của Thành phố Cần Thơ

Thứ Sáu, 29/12/2023 - 16:45

Cần Thơ được Trung ương xác định là trung tâm động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hằng năm, Cần Thơ đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP vùng ĐBSCL.

Vị thế, tiềm lực kinh tế của thành phố đã có những chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực như thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo, giao thông vận tải và từng bước khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm của vùng ĐĐSCL.

Nỗ lực trong khó khăn

Năm 2023, ước quy mô nền kinh tế TP Cần Thơ đạt khoảng 118.491 tỉ đồng; xếp thứ 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 6/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ước tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 5,75%; trong cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,28%, khu vực dịch vụ 53,33% và khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 9,79%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,6%.

Khơi dậy tiềm năng phát triển của Thành phố Cần Thơ- Ảnh 1.

Tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ thúc đẩy Cần Thơ phát triển mạnh mẽ. Ảnh: A.KHO

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong phát triển, nhưng cả 3 khu vực kinh tế đều tăng so với năm 2022. Cùng với việc triển khai các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền, các sở, ngành thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ DN trong sản xuất công nghiệp đi kèm với thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp; công tác kết nối thị trường, xúc tiến thương mại khá đa dạng, đồng bộ… đã tiếp thêm động lực phục hồi cho DN.

Một trong những thuận lợi của Cần Thơ trong quá trình phát triển là có cơ chế chính sách ưu đãi đầy đủ, đồng bộ và Quy hoạch chung của thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 2-12-2023) được xem là cơ sở nền tảng để thành phố tạo ra các động lực mới trong quá trình phát triển, trở thành trung tâm vùng ĐBSCL. Song trên thực tế, thời gian qua, do nguồn lực còn hạn chế nên thành phố vẫn chưa tận dụng đầy đủ các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển.

Mới đây, giải trình tại Kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố khóa X, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục phục hồi khả quan, nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có 3 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; đó là: GRDP, năng suất lao động, tổng vốn đầu tư trên địa bàn nên cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của thành thành phố. Bên cạnh đó, gần 2 năm triển khai Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố, ngoài 2 cơ chế, chính sách về Quản lý đất đai và Quy hoạch đã được triển khai, cụ thể hóa theo các văn bản của Chính phủ, thì các cơ chế, chính sách còn lại đang trong giai đoạn thực hiện.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tiến độ thể chế các cơ chế, chính sách của Quốc hội còn chậm so với yêu cầu, do nguồn lực thành phố còn hạn hẹp như các chính sách về tài chính, ngân sách; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, 2 dự án "Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ" và "Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ" hiện nay vẫn chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện.

Tận dụng tối đa các cơ hội

Trên thực tế, để phát triển xứng tầm đô thị trung tâm ĐBSCL thì TP Cần Thơ cần rất nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhất là hiện nay, thành phố còn nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, nguồn thu ngân sách của thành phố còn khiêm tốn, do số DN và quy mô DN trên địa bàn đa số vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Đồng thời 2 năm qua, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nên cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Thành phố còn chịu tác động của biến đổi khí hậu… những khó khăn này không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần huy động rất nhiều nguồn lực để gỡ khó.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, để phát triển thành phố, yếu tố con người là quan trọng nhất. Do đó, thành phố cần tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài về thành phố làm việc. Trong đó, cần chú trọng một số ngành, nghề mũi nhọn, giúp phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của thành phố, giúp thành phố tận dụng tốt thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, logistics,…

Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn lực đầu tư đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của thành phố. Vừa qua, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ, thành phố đã công bố danh mục 56 dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2023-2025 trên các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại - du lịch - dịch vụ, đô thị, giao thông, xử lý nước thải, y tế, giáo dục, văn hóa… Cũng tại hội nghị này, thành phố đã trao 40 quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ; trong đó có 20 dự án với cam kết đầu tư 110.000 tỉ đồng ở các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, khu phức hợp thể thao, điện sinh khối, dự án xử lý nước thải, rác thải… Những dự án này được kỳ vọng tạo đột phá mới cho thành phố phát triển; đồng thời cũng tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc huy động nguồn lực bên ngoài và phát huy nội lực của thành phố là mấu chốt để tăng động lực phát triển cho Cần Thơ. Muốn như vậy, thành phố phải có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, thông tin, Viện sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh và tham mưu Thành ủy, UBND thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trên địa bàn thành phố, góp phần tăng quy mô nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho thành phố.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top