Aa

“Khơi” mạnh dòng chảy tài nguyên đất

Thứ Bảy, 25/01/2020 - 14:20

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa ra mọi biện pháp có thể khi chưa xóa bỏ được "phí bôi trơn" trong những lĩnh vực tài nguyên môi trường”.

Đây là một trong những thông điệp cơ bản được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế Quỹ đầu tư phát triển ứng vốn tạo quỹ đất sạch để đấu giá; bố trí nguồn thu từ đất trong 5 năm để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

PV: Vậy, đâu là thước đo của quá trình cải cách, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đến hết năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Chính phủ giao và mục tiêu của ngành đặt ra từ đầu năm. Việc hoàn thiện 07 Quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành đã khơi thông các điểm nghẽn thúc đẩy giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho mục tiêu bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Một thước đo quan trọng trong đơn giản hóa thủ tục hành chính là nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm 10,7% so với năm 2016; phản ánh có bôi trơn trong làm thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 29% so với năm 2016; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về môi trường tăng đều qua 3 năm.

Tài nguyên đất đai được phát huy cho phát triển kinh tế - xã hội, nguồn thu từ đất đạt 184.000 tỷ đồng, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa.

PV: Nhưng chưa hẳn đã hết những gam màu xám, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số điểm nghẽn, vướng mắc, xung đột trong các Luật như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý tài sản công dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi ở địa phương.

Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai kiểm kê đất đai toàn quốc, tập trung xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2030

Số vụ việc khiếu kiện về đất đai phải giải quyết có giảm nhưng chủ yếu là các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết, hồ sơ, giấy tờ tài liệu không đầy đủ khó khăn cho công tác giải quyết dẫn đến tình hình phức tạp ở một số địa phương.

Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm. Mạng lưới quan trắc, công nghệ dự báo, cảnh báo mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, môi trường, nhất là dự báo xa, dự báo phạm vi hẹp. Công tác xã hội hóa trong dự báo mới bước đầu được triển khai.

PV: Những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên của ngành Tài nguyên và Môi trường đặt ra trong năm 2020 là gì thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2020 là năm “về đích” hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung điều tra, kiểm kê, thống kê các nguồn tài nguyên thiên nhiên; triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành để trình phê duyệt vào đầu nhiệm kỳ; triển khai kiểm kê đất đai toàn quốc, tập trung xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cấp quốc gia.

Bộ sẽ đôn đốc thực hiện sắp xếp, tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; hoàn thành dứt điểm việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại. Đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

PV: Nhưng để giải quyết được những vi phạm trong lĩnh vực đất đai dường như không dễ dàng nếu không có những biện pháp quyết liệt thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng vậy! Năm 2020, Bộ tập trung thanh tra đối với các dự án đầu tư để lãng phí, hoang hóa đất đai, quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, việc thực hiện các quy định về điều kiện khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.

Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.

Bộ sẽ tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời phối hợp tốt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm giữa các cơ quan ở Trung ương và các địa phương, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top