Aa

Khôi phục niềm tin với thị trường tài chính bằng cách nào?

Chủ Nhật, 27/11/2022 - 06:06

Niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt với trái phiếu doanh nghiệp và đây cũng là vấn đề cấp bách mà các cơ quan quản lý phải sớm tìm được lời giải.

Hai năm vừa qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều ngành, nếu không có sự phát triển của thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Theo chia sẻ của lãnh đạo FiinRatings, thị trường trái phiếu chủ yếu là phát hành riêng lẻ, quy mô tăng lên khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỷ đồng trong thời gian qua, trong đó chủ yếu là trái phiếu ngân hàng, bất động sản. Tuy nhiên, càng về gần giai đoạn cuối năm, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có phần thu hẹp.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong tốp 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất 6 tháng đầu năm nay thì có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như: Novaland 8.557 tỷ đồng; Eagle Side 7.860 tỷ đồng; Air Link 3.810 tỷ đồng; Worldwide Capital 3.410 tỷ đồng; Seaside Homes 3.000 tỷ đồng; Vast King 2.260 tỷ đồng; Bất động sản Đất Việt 1.600 tỷ đồng; Bất động sản Đại Hùng 1.500 tỷ đồng...

Trong khi đó, 10 ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều nhất trong nửa đầu năm nay gồm: BIDV 14.505 tỷ đồng; MB 10.190 tỷ đồng; Techcombank 9.000 tỷ đồng; ACB 7.150 tỷ đồng; VIB 6.948 tỷ đồng; OCB 5.700 tỷ đồng; LienVietPostBank 3.500 tỷ đồng; Bắc Á Bank 3.500 tỷ đồng và MSB 3.000 tỷ đồng.

Về gần cuối năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng ảm đạm. Nguồn ảnh: PLO. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, sang đến nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu càng trầm lắng hơn. Trong tháng 9, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quý III với giá trị phát hành trong tháng đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ. Khối lượng phát hành nhìn chung không cải thiện, đáng kể nhất là bất động sản vẫn chưa có nhiều tiến triển khi tháng 9 vẫn chỉ ghi nhận 2 lô phát hành đạt mức 2,8 nghìn tỷ đồng. Các đơn vị phát hành bao gồm Công ty TNHH No Va Thảo Điền với lô trái phiếu 2,3 nghìn tỷ đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim với trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng.

Sang tháng 10, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ảm đạm hơn khi chỉ ghi nhận duy nhất một đợt phát hành riêng lẻ nội địa bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo với giá trị phát hành đạt 210 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, được bảo lãnh bởi Tập đoàn Masan. Mục đích của đợt phát hành này nhằm thanh toán toàn bộ gốc của 2 lô các trái phiếu trước đó có kỳ đáo hạn vào 25/9/2022. 

Như vậy, hoạt động phát hành trái phiếu trong tháng 10 vắng bóng 2 nhóm đơn vị phát hành chủ lực trước đó là bất động sản và ngân hàng. Cả hai ngành này đang gặp những yếu tố không chỉ bất lợi bao gồm môi trường lãi suất tăng cao, mà còn bởi sự thận trọng của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu sau những vụ việc vi phạm vừa qua.

Dòng tiền nghẽn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì niềm tin chưa trở lại

Tại buổi họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, đa phần các doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới hạn mức (room) tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông. Cùng với đó, các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư. 

Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, bà Trần Thị Thu Trang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cũng cho biết, các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường. Thời gian sắp tới khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn thì cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp, họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ.

Bà Trang bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý có giải pháp thúc đẩy tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng, là sức mạnh nguồn vốn đến từ sức dân, có quy trình thẩm định rất chặt chẽ về pháp lý, gúp cho niềm tin của nhà đầu tư tăng lên. Để khuyến khích doanh nghiệp tập trung kênh này thì các cơ quan nhà nước có thể xem xét lại về quy trình thủ tục, sao cho tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect nhấn mạnh nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là thanh khoản của doanh nghiệp, trong bối cảnh các kênh huy động vốn đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu rất khó khăn, trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý IV/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ

Ông Long nói: "Niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường rất quan trọng. Một số sự việc xảy ra thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư do đó trong dài hạn, cần các giải pháp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn. Nhà đầu tư cũng cần biết rằng, đây chỉ là những “con sâu”, là một phần trên thị trường chứ không phải bức tranh của toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp".

Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) khẳng định trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các nhà đầu tư không phải thuộc về Nhà nước mà thuộc về các tổ chức phát hành. Mặc dù hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn phải chủ động xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về nhằm thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu.

Ông Bình cho rằng, chỉ có làm như vậy thì niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển.

Chia sẻ thêm, đại diện CII cho biết, điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh để các nhà đầu tư trong các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để có điều kiện bán được với giá rẻ và thu hồi vốn để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Để vừa củng cố “chất” của thị trường, vừa củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào kênh huy động trái phiếu, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia.

Theo giới chuyên gia, chính sách mới là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính. Tuy nhiên, vẫn có quan điểm cho rằng, quy định mới bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng vẫn phải tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường. Trong một thị trường phát triển cao, quy định như Nghị định 65 có thể phù hợp. Nhưng ở giai đoạn phát triển ban đầu như thị trường Việt Nam, thì cần tính linh hoạt nhiều hơn để thị trường phát triển “tăng tốc” hơn nữa đạt được niềm tin của nhà đầu tư. Định hướng khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu mới là cốt lõi chứ không vì thấy có rủi ro là siết toàn diện, hạn chế sự phát triển của thị trường và làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top