Aa

Khơi thông “điểm nghẽn”, gỡ khó cho đầu tư - kinh doanh

Thứ Tư, 01/09/2021 - 08:00

Hàng loạt nội dung sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Tăng phân cấp, phân quyền để thúc giải ngân vốn ODA

Không phải ngẫu nhiên mà trong hàng loạt đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, các điều luật về việc triển khai thực hiện các dự án ODA được đề cập trước tiên và nhiều nhất.

Giải ngân vốn ODA trong 2 năm gần đây rất chậm, trở thành nỗi lo lớn của nền kinh tế. Ngoài các nguyên nhân về ảnh hưởng của đại dịch, giải phóng mặt bằng… vẫn được đề cập lâu nay, thì các vướng mắc về thể chế, chính sách cũng được coi là đang “làm khó” các dự án sử dụng vốn ODA.

Trong 7 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn ODA chỉ đạt 7,52% kế hoạch, thấp hơn đáng kể so với con số 17,15% của cùng kỳ năm ngoái - là năm mà giải ngân vốn ODA đạt rất thấp.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, với nguyên tắc cơ bản là tăng cường phân quyền, phân cấp cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Một trong số đó là vấn đề thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các dự án sử dụng vốn ODA.

Theo quy định của Điều 25, Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ phải trình Thủ tướng Chính phủ 2 lần để xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Nếu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, thì lại một lần nữa phải “lên” Thủ tướng. Chưa kể, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và gửi lại cho cơ quan chủ quản để tiếp thu, giải trình trước khi Thủ tướng phê duyệt.

“Quy trình trên chỉ phù hợp với các dự án nhóm A, quy mô lớn, có tính chất liên ngành, liên vùng, thường có tỷ lệ cho vay lại cao và phải thực hiện theo yêu cầu, điều kiện chặt chẽ theo hiệp định được ký kết với nhà tài trợ lớn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm và cho rằng, nếu các dự án nhóm B và C cũng phải mất 3 lần trình Thủ tướng như vậy, thì dễ bị chậm tiến độ, không hoàn thành cam kết với nhà tài trợ và phải gia hạn hiệp định.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, người đứng đầu cơ quan chủ quản sẽ ra quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và C. Thậm chí, với các dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không còn phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn như trước nữa. Để “khớp” với quy định trên, Luật Quản lý nợ công sẽ phải sửa đổi, bổ sung.

Nhằm thúc giải ngân vốn ODA, không chỉ Luật Đầu tư công cần sửa đổi, bổ sung, mà còn cả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu. Nguyên tắc vẫn là tăng cường phân cấp, phân quyền trong thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án PPP sử dụng vốn ODA. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi quy định về triển khai lựa chọn nhà thầu, căn cứ lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ODA trong Luật Đấu thầu.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP, trong đó giảm nhiều bước thủ tục hành chính đối với các dự án ODA”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.

Thi công đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Thăng Long, Hà Nội
Thi công đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Định rõ ưu đãi để hút “đại bàng”

Vẫn dựa trên nguyên tắc tăng phân cấp, phân quyền, nhưng ở đây là thẩm quyền với việc chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Trước nay, thẩm quyền này thuộc Thủ tướng Chính phủ. Chưa kể, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp phải theo quy hoạch.

Nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong phát triển quỹ đất để thu hút cả “đại bàng” lẫn “chim sẻ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trao thẩm quyền cho các địa phương trong chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, dựa trên việc xem xét, thẩm định các vấn đề về đất đai, môi trường…

Thời gian qua, khi làn sóng đầu tư dịch chuyển mạnh về Việt Nam, nhiều địa phương, nhất là ở các “điểm nóng” đầu tư than phiền khá nhiều về các quy định cứng, trong đó có quy định về tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khiến họ khó khăn trong mở các khu công nghiệp mới. Nếu quyền được trao nhiều hơn cho địa phương, thì sẽ là cơ hội để địa phương nhanh chóng mở rộng quỹ đất, tăng cường thu hút đầu tư.

Tất nhiên, việc xây dựng các khu công nghiệp tới đây vẫn sẽ có “vòng kim cô”, bởi theo quy định của Luật Quy hoạch, sẽ tích hợp định hướng xây dựng khu công nghiệp vào quy hoạch vùng và tích hợp phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp vào quy hoạch tỉnh. Thủ tướng Chính phủ vẫn là người phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Do đó, Chính phủ vẫn sẽ “nắm” quyền quyết định và giám sát ở trên.

Để thu hút đầu tư, đặc biệt với các “đại bàng”, các đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… cũng đã được đề cập. Theo đó, sẽ bổ sung ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Chưa kể, một bổ sung quan trọng khác là bổ sung ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp, dự án hoạt động tại các cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Theo quy định tại Luật Đầu tư, các trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là đối tượng được ưu đãi đầu tư, song doanh nghiệp, dự án tại đây thì chưa. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chưa đề cập chuyện này. Trong khi đó, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định “đổi mới sáng tạo” là lĩnh vực được ưu tiên đặc biệt. Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, để quy tụ được nhà đầu tư lớn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW, việc bổ sung đối tượng được ưu đãi đầu tư là cần thiết.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Các quy định trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần cấp bách sửa đổi để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top