Aa

Khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản

Thứ Bảy, 24/09/2022 - 06:16

Tại diễn đàn “Bất động sản Nam Trung Bộ: Điểm sáng đầu tư” diễn ra tại TP. Nha Trang ngày 22/9, các chuyên gia đã thảo luận nhiều nội dung về biến động thị trường bất động sản, sức hút từ các dự án nghỉ dưỡng.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, tình hình thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây (từ năm 2019 đến nay) đang có những dấu hiệu không tốt. Theo đó, năm 2018, có hơn 200.000 sản phẩm mới từ các dự án bất động sản được đưa vào thị trường để giao dịch. Tuy nhiên, đến năm 2019 thì sụt giảm gần một nửa, còn hơn 100.000 sản phẩm mới. Năm 2020 - 2021, là hai năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn cung mới trên thị trường tiếp tục sụt giảm và trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ còn hơn 30.000 sản phẩm mới được tung ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Ông Đính cho biết: “Lượng hàng hoá và giao dịch đi xuống rất mạnh. Mặc dù cung ít, khan hiếm, cầu mạnh nhưng giao dịch vẫn giảm. Đó là một nghịch lý. Có hai vấn đề, thứ nhất là rào cản pháp lý để cho các dự án bất động sản có thể đủ điều kiện tham gia vào thị trường, thứ hai là tín dụng bất động sản hiện nay đang được quản lý chặt hơn, khiến dòng tiền chảy vào bất động sản khan hiếm”.

Ngoài ưu thế ven biển, bất động sản Nam Trung Bộ còn được đánh giá cao bởi nơi đây có những trung tâm du lịch lớn, thu hút đảo du khách trong và ngoài nước, làm tiền đề để phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt ở phân khúc du lịch nghỉ dưỡng.

Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay giá bất động sản tăng mạnh, khoảng 30% so với năm 2021 và 50% so với năm 2021. Có những khu vực, những phân khúc tăng trên 100% trong vòng 2 - 3 năm. Đây là một trong những sự biến động rất mạnh của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thực trạng nói chung số lượng dự án vẫn đang còn hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện.

“Nhu cầu về nhà ở rất cao, tuy nhiên lượng cung hiện nay đã yếu, đã thiếu mà lại còn không cân đối. Những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thì hiếm, còn những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu đầu tư, đầu cơ thì lại nhiều. Thậm chí, các sản phẩm ở phân khúc du lịch nghỉ dưỡng cũng đang có sự mất cân đối trên thị trường bất động sản”, ông Đính cho hay.

Những khó khăn từ thị trường vốn, "dòng tiền dễ" phục vụ các hoạt động đầu tư thứ cấp và đầu cơ đất nền sẽ là nguyên nhân gây bong bóng bất động sản. Việc kiểm soát tín dụng dẫn đến nguồn vốn khó khăn sẽ là các nguyên nhân dẫn ảnh hưởng tiêu cực đến nhà phát triển, chủ đầu tư, các nhóm ngành nghề liên quan, khách hàng, ngân hàng, Nhà nước. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị trong thời gian ngắn hạn, các chính sách cần cấp bách phê duyệt dự án cấp thiết cho xã hội, tăng nguồn cung mới, giảm giá nhà ở. Ngoài ra, cần khơi thông dòng vốn, thúc đẩy dòng vốn tín dụng có kiểm soát vào các dự án bất động sản trọng yếu, phù hợp nhu cầu xã hội, thị trường, người lao động. Đối với lĩnh vực nhà ở xã hội nên được đẩy mạnh tháo gỡ. Chính quyền địa phương cũng nên quyết liệt hơn công tác phê duyệt dự án.

TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần một tổ chức chuyên biệt về phát triển nhà ở. Đơn cử như tiết kiệm nhà ở hay là tổ chức phát triển nhà ở như Singapore. Ông Lực cũng đề xuất cần có lộ trình để đảm bảo công bằng giúp doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cũng như vốn từ trái phiếu.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh có 6 vấn đề tác động lớn đến thị trường bất động sản gồm: Kinh tế vĩ mô; pháp lý và điều tiết quản lý; quan hệ cung cầu của thị trường; tài chính bất động sản; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; thông tin, dữ liệu có tính minh bạch của thị trường.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ rằng các doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác (phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, từ quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…); hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết. Bên cạnh đó,  việc huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể và quan tâm quản lý rủi ro tài chính.

Nói riêng về thị trường bất động sản Nam Trung Bộ, các đại biểu tham dự diễn đàn đều chung nhận định đây là thị trường có rất tiềm năng phát triển. Không chỉ hút khách ở phân khúc nghỉ dưỡng, khu vực này còn gây chú ý ở nhiều phân khác khác như: Biệt thự, nhà phố, chung cư cao cấp… Ngoài ưu thế ven biển, bất động sản Nam Trung Bộ còn được đánh giá cao bởi nơi đây có những trung tâm du lịch lớn, thu hút đảo du khách trong và ngoài nước. Với lượng khách du lịch tăng không ngừng, tạo nên nhu cầu sở hữu bất động sản tăng mạnh, làm tiền đề để phát triển các dự án bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính cho biết kể cả trong những năm bị ảnh hưởng của Covid-19, khu vực Nam Trung Bộ vẫn trở thành những điểm sáng. Có thể kể đến các thị trường như Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận… Trong khi đó, Khánh Hòa là một trong những thị trường có tiềm năng lớn nhất, là trung tâm của vùng Nam Trung Bộ. Có thể kể đến các khu vực như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh. Đặc biệt Khánh Hòa có nhiều lợi thế về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng so với nhiều nơi khác.

Tại diễn đàn nói trên, các đại biểu còn thảo luận nhiều nội dung đáng chú ý như: Dự báo biến động thị trường bất động sản dưới tác động từ chính sách: Kiểm soát tín dụng, siết trái phiếu doanh nghiệp; diễn biến thị trường 2022 - 2023, triển vọng các phân khúc; giải pháp khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản; nhu cầu tìm kiếm bất động sản miền Trung tăng vọt; sức hút từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top