Ám ảnh kinh hoàng
Sông Cầu Đá bắt nguồn từ hồ Tây, chạy qua các phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) rồi đổ ra sông Nhuệ.
Theo người dân sống bên bờ sông kể lại, khoảng hơn 10 năm trước, sông Cầu Đá vẫn còn rất sạch, nhưng theo thời gian, đoạn sông ngày càng trở nên ô nhiễm và hôi thối vì phải hứng chịu nguồn nước thải của các hộ dân tại hai phường Cổ Nhuế 1 và Xuân Đỉnh. Theo tìm hiểu của PV Reatimes, tại ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng, ngõ 488 Trần Cung, nơi có sông Cầu Đá chảy qua, tình trạng ô nhiễm đang rất nặng nề. Cả đoạn sông dài có màu đen kịt, trên mặt sông lềnh bềnh rác thải, bốc mùi hôi thối đến ngạt thở.
Ông Dương Văn Khôi (một người dân sống trong ngõ 579 Phạm Văn Đồng) cho biết, đoạn sông ở ngõ này là cuối nhánh nên phải hứng chịu toàn bộ nước bẩn, rác thải dồn ứ lại. Nước sông lúc có màu đen, khi màu vàng chính là nước thải sinh hoạt và nước thải từ các làng nghề ở Xuân Đỉnh.
Khi nào có mưa, nước sông bị pha loãng thì tình trạng ô nhiễm đỡ phần nào, còn vào mùa hanh khô, trong lòng sông chủ yếu là nước thải nên luôn bốc mùi hôi thối khó chịu. Để hạn chế mùi hôi thối từ con sông, người dân đã làm đủ mọi cách từ căng bạt, lắp cửa kính, dán băng dính vào các khe hở của cửa sổ,… nhưng tất cả đều không mấy hiệu quả. Dọc hai bên bờ, nhiều đường ống thoát nước được lắp đặt nối tiếp nhau từ nhà này qua nhà khác, xả trực tiếp xuống sông. Những bọt nước trắng cùng dòng nước thải xối liên tục mỗi ngày khiến cho con sông thêm ô nhiễm nặng nề. Sống trong bầu không khí ô nhiễm như vậy, ruồi muỗi bay khắp nơi cũng là nỗi khiếp sợ cho các hộ gia đình.
Mệt mỏi đợi ngày cống hóa
Được biết, người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương sớm cống hoá sông Cầu Đá đoạn chảy qua khu vực dân cư để sớm thoát khỏi tình trạng ô nhiễm, lấy lại được bình yên.
Trên thực tế, ngày 14/5/2010, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 2148/QĐ-UBND, về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Xây dựng tuyến đường số 3 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Theo đó, sông Cầu Đá sẽ được cống hóa và làm đường, vỉa hè bên trên. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn đang trong giai đoạn… tiến hành. Cụ thể, đoạn sông Cầu Đá (từ đường Phạm Văn Đồng đổ về sông Nhuệ) đã thực hiện xong. Đoạn sông từ ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng đến Hồ Tây dài gần 3km vẫn đang chờ giải phóng mặt bằng, chưa biết đến bao giờ... về đích.
Theo bà Nguyễn Thị Vinh, tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Cổ Nhuế 1: "Khoảng 20 năm trở lại đây, do các chất phế thải đều đổ dồn ra đoạn sông nên ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Trong các cuộc họp tổ dân phố, mọi người cũng kiến nghị về đoạn sông rất nhiều, có phản ánh tới UBND phường và mong phường cùng cơ quan chức năng sớm có phương án giải quyết triệt để nhưng chưa thấy có tiến triển gì”.
Ông Chu Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 cho biết, con sông này chảy qua nhiều địa bàn phường như Xuân La, Xuân Đỉnh, đến Cổ Nhuế 1 rồi đổ về sông Nhuệ. Vì nằm ở đoạn cuối nhánh sông, phải hứng chịu toàn bộ nước thải dồn ứ lại nên đoạn chảy qua địa bàn Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế 1 luôn thường trực ô nhiễm. Hiện tại, sông Cầu Đá do Xí nghiệp Thoát nước số 2 (Công ty Thoát nước Hà Nội) quản lý. Nhân dân trên địa bàn phường thường xuyên có kiến nghị về việc ô nhiễm tại các cuộc tiếp xúc cử tri. UBND phường Cổ Nhuế 1 cũng đã nhiều lần đề nghị và Xí nghiệp Thoát nước số 2 nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng đây đều là những biện pháp tạm thời và không giải quyết triệt để tình trạng hôi thối, ô nhiễm.
Tháng 6/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU "Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo", có chủ trương từng bước làm "sống lại" các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ. Như vậy, giải pháp cơ bản đã có, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại là gần hết tháng 7, người dân vẫn đang phải sống “khổ sở” từng ngày trong cảnh bẩn thỉu và hôi thối từ con sông Cầu Đá.
Một số hình ảnh PV Reatimes ghi nhận tại đoạn sông Cầu Đá: