Aa

Không chỉ những DN yếu mà cả những DN khỏe, lớn cũng cần phải có hỗ trợ

Thứ Hai, 01/06/2020 - 06:00

Những cơ chế chính sách, đặc biệt vấn đề thời hạn giãn hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn cho DN cũng như tạo điều kiện cho DN tiếp cận các khoản vay mới là 1 trong những nội dung thông suốt và sẽ được nghiên cứu.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP.HCM mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, lường trước được dịch bệnh có thể tác động đối với nhiều lĩnh vực, trên cơ sở NQ11 và CT11 của Chính phủ, NHNN đã kịp thời ban hành TT01 ngày 13/3 tạo cơ sở pháp lý quan trọng để TCTD thực hiện nhiệm vụ cấp bách ngay lúc đó đến thời điểm này, thậm chí có thể kéo dài đến hết năm nay đó là hoãn, giãn các khoản nợ/lãi đến hạn của doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, tại Chỉ thị 02, NHNN yêu cầu toàn ngành phải chia sẻ đồng hành những khó khăn của DN bằng chính tiềm lực của mình. 

Theo Phó thống đốc, ở nước ta, có thể nói có nhiều chính sách rất nhân văn, nhưng hỗ trợ DN, khôi phục nền kinh tế sau dịch, chúng ta không thể chờ hết dịch nên rất cần sự phối hợp các chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ, chính sách thuế, ... Trong đó, chính sách hoãn, giãn nợ cũng rất trực tiếp, đồng thời chia sẻ lãi suất cho vay bằng cách giảm lợi nhuận của chính NH.

Ông nói thêm, nguồn hỗ trợ từ phía ngân hàng (NH) không phải từ gói nào cả, mà từ sự huy động của chính các NHTM hiện nay, huy động từ gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán,... Còn gói lãi suất từ 1 - 2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận thậm chí là tiền lương của nhân viên NH. Đối với các NHTM cổ phần nhà nước với vai trò chủ lực, NHNN cũng chỉ đạo giảm lợi nhuận, phê duyệt lại kế hoạch kinh doanh đến cuối năm. Đó là sự chia sẻ, đồng hành từ các NH, và cũng cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ phía hai bên. 

Do đó, theo Phó thống đốc, đây cũng là dịp cơ cấu tổng thể nền kinh tế đối với hệ thống các doanh nghiệp và chính các NH, trong đó hệ thống NH cũng phải cơ cấu lại trong tình hình hiện nay, phải chấp nhận 1 cuộc chơi cạnh tranh, thể hiện sức mạnh, thương hiệu của mình, NH phải làm tốt để giữ niềm tin của người dân và có quan hệ tốt với các DN. Về phía các DN cũng cần cơ cấu lại, NHTM nhìn vào đầy đủ hơn vào năng lực tài chính, có nguồn trả nợ, sinh sôi nảy nợ, thực sự là DN thủy chung với ngành NH.

Ảnh minh họa.

Việc điều hành của NHNN thông qua các công cụ điều hành, thông qua giảm lãi suất cho các TCTD tạo giá vốn lớn hơn, khả năng thanh khoản lớn hơn,... giúp cho NH có điều kiện để giảm lãi suất cho khách hàng. Qua hội nghị lần này, NHNN cũng sẽ xem nếu còn vấn đề gì liên quan đến cơ chế chính sách sẽ được có bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý.

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị, Phó Thống đốc cho biết thêm, các Hiệp hội, các DN, NHTM đã có đề xuất rất nhiều ở các góc độ khác nhau. Những khó khăn của DN sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung. Những cơ chế chính sách, đặc biệt vấn đề thời hạn giãn hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn cho DN cũng như tạo điều kiện cho DN tiếp cận các khoản vay mới là 1 trong những nội dung thông suốt và sẽ được nghiên cứu xem xét để xử lý tích cực hơn, thực hiện thông thoáng hơn nữa cho DN, cho ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo hành lang pháp lý, không để nợ xấu tái diễn cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc khẳng định, chúng ta không phải chỉ quan tâm đến những DN khó khăn, yếu kém mà ngay cả những DN khỏe có khả năng bứt phá để phát triển nhưng vướng mắc trong vấn đề thị trường, trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chưa có dòng tiền. 

"Làm thế nào để dòng tiền đó vẫn tiếp tục lưu thông được, làm thế nào để DN chỉ cần sự hỗ trợ bằng vốn tín dụng hay các nguồn lực cơ chế chính sách khác là có thể vượt qua được mấp mô mà bánh xe sẵn sàng vượt qua, chỉ cần 1 lực tác động nhỏ là vượt qua được thì cũng cần suy nghĩ chứ không phải chỉ quan tâm đến DN quá yếu kém, quá khó khăn. Đây là những nội dung cũng nằm trong chủ trương, chính sách của nhà nước làm sao để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất", ông nói về việc hỗ trợ doanh nghiệp. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top