Aa

"Không để tình trạng "đất vàng", dự án "trùm mền" ngay trung tâm"

Chủ Nhật, 04/06/2017 - 21:00

Đó là quan điểm của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi nhắc đến những dự án, công trình đang tạo nên hình ảnh xấu xí cho bộ mặt đô thị TP.HCM

Sáng 3/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đô thị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết buổi gặp gỡ nhằm gắn kết giữa lãnh đạo TP với các DN, góp phần chung tay xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng TP ngày càng đồng bộ, văn minh hiện đại, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP và phúc lợi của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, dù được xem là trung tâm kinh tế của cả nước, song với nguồn lực có hạn, nền tảng kết cấu hạ tầng trước đây đã lạc hậu, xuống cấp cùng với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học nhanh nên nhìn chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật TP hiện nay đứng trước nhiều áp lực lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển gây bức xúc trong nhân dân, nhất là vấn đề ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…

"Lãnh đạo TP nhận thức rằng chỉ có thể giải quyết các tồn tại trên bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được người dân và DN đồng tâm hiệp lực và chung sức giải quyết. Trên cơ sở đó, lãnh đạo TP mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp thẳng thắn của DN và cam kết đồng hành cùng DN"- ông Khoa nói.

Để cải tạo được một dự án chung cư cũ là quá "chua"

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Bé, đại diện công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt nêu bức xúc quanh việc xây lại chung cư cũ sắp sập ở phường 2, quận 10. Đề án xây dựng chung cư này có từ 2010 nhưng đến nay đã 7 năm nhưng các sở ngành của TP vẫn chưa thông qua.

Công ty này đã đưa ra phương án hoán đổi nếu người dân ở chung cư sắp sập là 30m2, công ty sẽ xây dựng chung cư mới với diện tích 45m2 giao cho người dân.

Chung cư cũ ở TP.HCM

Chung cư cũ ở TP.HCM

“Chúng tôi đề xuất phương án nhà nước không bỏ tiền. Trên cơ sở quỹ nhà, quỹ đất của người dân chúng tôi đề xuất xây dựng lại mới tiêu chuẩn rộng hơn, hiện đại hơn... giao cho người dân rồi lấy quỹ đất mà dôi dư hoàn vốn cho doanh nghiệp”- ông Bé nói với điều kiện nếu làm phải di dời người dân đi tạm cư và sẽ lấy Qũy đất ở quận 10 diện tích khoảng 2ha đất trống đề xuất xây dựng 2.000 căn hộ trong 4 năm cho toàn bộ dân phường 2 của quận 10.

Ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng Giám đốc tập đoàn SSG thì đề nghị giải pháp, nếu sở hữu 100m2 chung cư cũ thì được nhận 80m2 chung cư mới với tiện nghi đầy đủ dịch vụ tốt hơn, có tầng hầm để xe, thang máy…

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết, vấn đề chung cư cũ UBND TP đã quyết, đối với nhà hợp pháp người dân sẽ đổi lại một nhà mới theo tỷ lệ 1/1, chỉ khi diện tích lớn hơn mới trả thêm tiền.

Trao đổi bên lề buổi làm việc, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) đang thực hiện dự án chung cư cũ bức xúc nói rằng, để cải tạo được một dự án chung cư cũ là quá "chua" vì ngoài thủ tục hành chính nhiêu khê, mất nhiều thời gian thì vấn đề giải phóng mặt bằng cực kỳ nan giải.

Tại hầu hết các chung cư cũ phần lớn nhà dân có diện tích rất nhỏ, nhiều nhà tình trạng pháp lý mù mờ nên không có cơ sở để bồi thường, tái định cư, trong khi dân vẫn cố bám trụ không chịu nhận tiền di dời. Một dự án chung cư DN này đã làm gần 10 năm rồi vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng khi chỉ còn vài hộ dân. “Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã chết DN rồi”, ông nói.

Giãn dân bằng các khu đô thị vệ tinh

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, tại khu vực trung tâm TP hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là việc có nhiều dự án, công trình cần phải tập trung xử lý nhanh. “Như ngôi nhà đang làm xấu TP là 34 Tôn Đức Thắng kéo dài quá lâu, hiện đang chỉ đạo quyết liệt cho các ngành để xử lý. Khu tháp kim cương ngay Trung tâm thương mại quốc tế cũ cũng kéo dài rất lâu.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Nguồn ảnh: Vietnamnet

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Nguồn ảnh: Vietnamnet

Cái thứ ba là khu đất 812 Lê Duẩn”, ông Phong chỉ đích danh. Ông yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại tất cả dự án, công trình hiện đang xây dựng, cái nào đang dở dang thì tập trung xử lý nhanh, cái nào chưa khởi công thì tập trung xem lại cụ thể, không để tình trạng đất vàng, dự án “trùm mền” ngay khu trung tâm, làm TP xấu xí và gây lãng phí.

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong thông tin đến doanh nghiệp việc TP đang phát triển không gian ngầm ở công viên ven cảng Bạch Đằng.

Hướng phát triển của TP tập trung phát triển các TP vệ tinh, không thể nén dân số bằng xây dựng nhà cao tầng.

Cụ thể, tập trung phát triển TP về phía nam để xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước, phía tây bắc với việc xây dựng khu đô thị Tây Bắc, phía đông bắc với dự án khu Thanh Đa, phát triển về phía đông với khu đô thị mới Thủ Thiêm...

“Phát triển đô thị vệ tinh để hạn chế sự dịch chuyển dân cư từ bên ngoài vào và ở đó sẽ xây dựng các trung tâm dịch vụ, mua sắm. Chúng tôi quan tâm đến việc tổ chức xây dựng hệ thống không gian ngầm, trong điều kiện TP không thể mở rộng. Tôi đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tính toán nhưng không phát triển đơn lẻ, mà phải phát triển đồng bộ hệ thống không gian ngầm”, Chủ tịch TP cho biết.

Nguồn vốn từ nay đến năm 2020 TP cần để quy hoạch đô thị, theo ông Phong là khoảng 500.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP lo được 34,8%, hơn 60% còn lại nhờ vào nguồn lực các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia vào thực hiện các chương trình. “TP sẽ nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa kêu gọi đầu tư, giảm tối đa thủ tục cho nhà đầu tư. Tôi mong các DN chung sức phát triển TP”, ông Phong kêu gọi.

Theo đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP, mô hình phát triển TP tập trung đa cực. Khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và các trung tâm cấp TP tại 4 cực phát triển, cụ thể: hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là hướng Tây Bắc và hướng Tây, Tây Nam.

Không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi. Vùng phát triển đô thị: 13 quận nội thành hiện hữu (khu nội thành cũ) và 6 quận mới (khu nội thành phát triển), thị trấn thuộc huyện, các đô thị mới phát triển.

Vùng phát triển công nghệ: tại các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Vùng sinh thái, du lịch: Phát triển dọc theo sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai, khu sinh thái rừng ngặp mặn Cần Giờ…

Vùng nông nghiệp kết hợp với vành đai sinh thái: tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ. Các khu dân cư nông thôn tại các xã nông thôn. Vùng bảo tồn thiên nhiên: Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng đặc dụng phòng hộ tại huyện Củ Chi, Bình Chánh...

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm vấn đề TP cần làm: UBND TP rà soát quy hoạch về phân vùng và sử dụng đất, có doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia; Công khai quy hoạch, kế hoạch các dự án; Đẩy mạnh hợp tác công tư tạo nguồn vốn cho TP phát triển; Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao môi trường đầu tư, phải coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc; Sẵn sàng về quỹ đất cho các nhà đầu tư và công nghiệp dịch vụ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top