Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 vừa được thông qua ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phải tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan, bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Nghị quyết nêu rõ: “Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm”.
Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là cấp thiết, là sự mong mỏi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã giúp quản lý nhà nước về đất đai chặt chẽ hơn ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã, bước đầu hình thành được thị trường bất động sản. Thế nhưng đến nay đã bộc lộ những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Sau rất nhiều lần lùi hoãn, Quốc hội đã quyết định đưa Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, và dự kiến sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 tới.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong lần sửa đổi này sẽ quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, trong lần sửa đổi này sẽ quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Qua sơ bộ tính toán có hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai được xác định có các nội dung còn chồng chéo, thiếu thống nhất để sửa đổi lần này. Theo đánh giá của Thiếu tướng Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, vấn đề quan trọng trong lần sửa đổi lần này cần giải quyết về thu hồi đất; quy định giá đất trong bồi thường tái định cư; xử lý tranh chấp về đất đai xem có nên giao cho Tòa án xử lý toàn bộ không hay vẫn để cơ quan hành chính giải quyết trong khi cơ quan này vừa là cơ quan giải quyết khiếu nại mà lại giải quyết khiếu nại của dân về đất đai thì liệu có công bằng? “Đây là vấn đề lớn cần suy nghĩ xem có nên giao cho Tòa án trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Bản chất của Tòa án là cơ quan xử lý tranh chấp xã hội trong đó có tranh chấp đất đai. Về bản chất nên giao cho Tòa án, và đẩy mạnh vai trò của Tòa án trong việc xử lý những tranh chấp. Nó còn liên quan đến câu chuyện độc lập của Tòa án, nhất là độc lập trong việc xét xử những vụ án hành chính” - ông Bộ cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Bộ, về vấn đề giá đất hiện nay người dân đang bị thiệt thòi phần lợi tức. Cho nên có việc tình trạng sân sau, suất “ngoại giao” trong khu đô thị, khu chung cư. Ông Bộ phân tích: “Tổng thể xây dựng 1 tòa nhà là 400 căn hộ, mang “cho không” quan chức 10 căn thì giá thành phải chia cho 390 căn còn lại. Họ không bỏ vốn ra mà lấy tiền của người mua căn hộ. Đó là một dạng tham nhũng tinh vi”.
Ông Phạm Trường Dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, ĐBQH khóa XIII cho rằng, trong quy hoạch sử dụng đất phải làm sao không để xảy ra quy hoạch treo. Như vậy làm ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bởi hiện nay đất nằm trong quy hoạch diễn ra ở nhiều tỉnh, thành, với số lượng lớn. “Quy hoạch phải gắn với sử dụng. Tức là từ khi quy hoạch cho đến khi sử dụng là bao nhiêu lâu. Không được đền bù giải phóng mặt bằng lúc giá cả thấp xong để đất nằm dài trong khi mỗi năm đất lại lên giá. Có nhiều nơi quy hoạch 20 năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng. Như vậy là lãng phí, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân" - ông Dân cho hay và đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này cần chặt chẽ, khi đã hết thời gian quy hoạch sử dụng đất thì phải thu hồi, không được gia hạn thêm thời gian quy hoạch.
Bên cạnh đó, ông Dân cho rằng, luật cũng cần siết chặt những quy định trong đấu giá đất tránh trường hợp xảy ra như đất Thủ Thiêm. Phải tính toán làm sao để việc đấu giá đất sát với thị trường, tránh tình trạng quân xanh-quân đỏ gây thất thoát tài sản nhà nước. Tránh việc người đi đấu giá và người tổ chức đấu giá tìm mọi cách thông đồng gây thất thoát cho nhà nước. Rút kinh nghiệm từ vụ đất Thủ Thiêm thì sau khi trúng thầu phải yêu cầu nộp tiền giá trị đất. Tránh để thời gian mấy tháng như vừa qua, trúng thầu xong rồi chờ cho giá đất xung quanh lên cao xong “bỏ cọc”.
“Đất đai là vấn đề sai phạm nhiều nhất trong các vụ án tham nhũng tiêu cực. Nhiều cán bộ Trung ương, bộ, ngành, địa phương bị xử có lý liên quan đến vấn đề đất đai. Do đó luật cần tính toán, “bịt” bằng các quy định, đừng để xảy ra cố ý làm trái, tham nhũng trong quản lý đất đai”, ông Dân cho hay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp thứ 9. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật, đề nghị rà soát, hoàn chỉnh thêm để bảo đảm khả thi khi tổ chức thực hiện. Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Tuy nhiên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ. Vì vậy đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này, nêu rõ sự cần thiết phải duy trì Quỹ này, hiệu quả sử dụng Quỹ thời gian qua, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo luật như hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.