Aa

Không đi một mình, nông nghiệp Việt Nam cần gì để bứt phá?

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 05/06/2019 - 06:01

Trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn. Tuy nhiên, đang có không ít rào cản kìm hãm khiến nông nghiệp Việt không thể "cất cánh".

Nhiều tiềm năng... 

Ở Việt Nam, nông nghiệp đang là nguồn sinh kế chính của hơn 60% dân số cả nước, có ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 2/3 hộ gia đình làm nông nghiệp trong đó có 44% số hộ thuộc diện khó khăn và có nguy cơ tiềm ẩn tái nghèo.

Với vị trí quan trọng như vậy nông nghiệp là chìa khoá của sự ổn định và phát triển đối với người dân. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về phát triển nông nghiệp nhiệt đới với điều kiện sinh thái đa dạng, số giờ nắng nhiều, nguồn nước dồi dào. Nông dân có kỹ năng, cần cù, chịu khó...

Trong giai đoạn 1986 - 2017, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng mức trung bình 3,5%/năm. Năng suất lúa gạo cao nhất trong khu vực Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ. Năng suất cà phê đạt 2,6 tấn nhân xô/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia. Năng suất hồ tiêu đạt 2,6 tấn/ha, gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ. Năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, có ao nuôi đạt 300 - 400 tấn/ha, cao nhất thế giới. Năng suất tôm sú đạt 0,45 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng đạt 3,91 tấn/ha, cao hơn so với Ấn Độ (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,5 tấn/ha) và Thái Lan (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,6 tấn/ha).

Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số, đô thị hóa, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong nước tăng lên rõ rệt đối với hầu hết các nông sản. Khoảng gần một thập kỷ trở lại đây, thị trường thực phẩm của Việt Nam ngày càng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao. Từ nay đến năm 2020, thị trường tiêu dùng thực phẩm của Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực.

Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là các sản phẩm chế biến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Việt Nam cũng chú trọng đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là trong ngành rau củ quả. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đưa ngành nông nghiệp vào top 15 nước phát triển nhất thế giới trong 10 năm tới.

 

Doanh nghiệp đầu tư

Nếu so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế thì số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít, quy mô còn hạn chế.

... nhưng cũng lắm bủa vây

Trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp nước ta có thể có thêm nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có không ít những tác động ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực...

Theo giới chuyên gia, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển mình để khẳng định vị thế xuất khẩu nông sản trên thế giới. Tuy nhiên vẫn còn những rào cản hạn chế. Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán, nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, điệp khúc được mùa mất giá lặp đi lặp lại. Những mối liên kết còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn hạn chế. Vai trò chính yếu của Nhà nước trong chuỗi giá trị vẫn còn hết sức mờ nhạt.

Chính các yếu tố này đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương và kém sức cạnh tranh. Đó là còn chưa kể đến thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Hơn nữa hiện tại cả nước có khoảng 48% dân số làm nông nghiệp, thế nhưng số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, toàn ngành chỉ đóng góp được 14,5% GDP. Sau hơn 30 năm đổi mới, cũng chỉ có 42.000 doanh nghiệp (nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản và thương mại hàng lương thực thực phẩm), chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, đầu tư vào ngành này. Trong đó, có đến 92% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chưa tới 6%. Nếu so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế thì số lượng doanh nghiệp này còn quá ít, quy mô còn hạn chế.

Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với khoảng 500 doanh nghiệp nông nghiệp năm 2017 cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp này đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng (chiếm 55%), tiếp đến là khó khăn về nguồn vốn (51%) và khó khăn do biến động thị trường (chiếm 40%). Liên quan đến tiếp cận đất đai, có 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng họ gặp phải khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong nhiều năm qua.

Tại kì họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV mới đây, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, chủ trương của ngành nông nghiệp chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy sản xuất kinh tế, nhưng nội hàm kinh tế chưa được nhận thức một cách đầy đủ, hiện có “một khoảng cách” khá xa giữa công tác hoạch định chính sách các nội hàm kinh tế với hàng chục triệu nông dân.  

Ông Phạm Văn Hoà nhấn mạnh: “Những thay đổi cung cầu trong ngành nông nghiệp với xu thế thị trường giảm về mặt hàng gạo và chủ trương chuyển đổi sang ngành hàng khác, song chủ yếu là tự phát và điều này có thể chuyển những rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang ngành hàng khác. Hay, việc thay đổi trong hoạt động xuất - nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc thì càng khó khăn hơn (giảm tiểu ngạch, tăng chính ngạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm) khi chưa có thông tin đầy đủ và kịp thời để định hướng sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc thiếu đi các kế hoạch thích ứng trong dài hạn”.

Ông Hòa nhấn mạnh, trên thực tế, ngành nông nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc giảm chi phí, tăng chất lượng và đa đạng hóa chế biến, dẫn đến sức cạnh tranh kém và chủ yếu vẫn chỉ xuất khẩu nông sản thô. Gần đây, một số ngành hàng trái cây của Việt Nam đã xuất sang được các thị trường khó tính nhưng nhìn chung toàn ngành vẫn tồn tại sự không ổn định, do giá thành sản phẩm nông nghiệp còn cao, chất lượng bảo quản kém, hạ tầng kém, lỗ kế tiếp và đặc biệt là chi phí vận chuyển cao. 

Đại biểu A Long (Rơ Châm Long) (đoàn Kon Tum) cũng cho hay: “Người nông dân vẫn đang trong tình trạng tự bơi là chính và họ luôn bị trong tâm thế “may nhờ, rủi chịu”. Các hoạt động giải cứu diễn ra trong thời gian qua là cần thiết nhưng nếu cứ giải cứu mãi thì không ổn chút nào vì đó là biểu hiện của loay hoay, lúng túng và nếu cứ loay hoay, lúng túng như vậy thì chiến lược tăng nông bao giờ tới đích?”.

a

Thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Ngành nông nghiệp không chỉ đi một mình

Với những thách thức hiện tại, việc phát triển nông nghiệp trên quy mô lớn sẽ là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Cụ thể là thay đổi phương thức hoạt động manh mún nhỏ lẻ bằng cách thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tích tụ đất đai là cá nhân hoặc công ty có nhiều diện tích đất thông qua chuyển nhượng. Còn tập trung đất đai là việc một người hoặc công ty nông nghiệp thuê đất của nhiều người hay tập trung bằng hình thức nhận góp vốn bằng đất của các cổ đông.

Theo đó, người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn và thế chấp quyền sử dụng đất. Đây được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn.

Bên cạnh đó, nông nghiệp phải phát triển theo chuỗi giá trị bao gồm vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Ngành nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác: phân bón, thực phẩm, sức lao động…, Có thể còn là các ứng dụng trong lĩnh vực tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, cơ giới hóa cả quá trình, quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ,...Bởi mục tiêu đáp ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường thì một công ty nông nghiệp cần phải có một diện tích sản xuất nhất định để đầu tư máy móc, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng phù hợp yêu cầu khách hàng và phải có một lực lượng lao động tối thiểu. 

Theo giới phân tích, tái cơ cấu ngành nông nghiệp để xứng với tiềm năng cần có các giải pháp đồng bộ đi cùng với các chính sách ưu đãi hỗ trợ, động viên từ Nhà nước đến nhà nông, nhà doanh nghiệp.

Đặc biệt, liên quan đến đất đai, đã đến lúc Việt Nam cần hình thành thị trường bất động sản nông nghiệp. Trong đó, phát triển thị trường chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Giá cả chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất giữa các hộ với nhau, giữa các hộ với doanh nghiệp do thị trường xác định. Các hộ hay doanh nghiệp thuê đất công ích do thôn, xã quản lý thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc là thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp, cung cấp thông tin về thị trường đất đai (những người muốn thuê, muốn mua, những người muốn cho thuê, muốn bán quyền sử dụng đất, diện tích, vị trí các thửa đất, chất lượng đất, thu nhập do thửa đất đem lại…) và đóng vai trò trung gian trên thị trường đất nông nghiệp.

Việt Nam với diện tích đất nông nghiệp lớn, nếu biết cách quy hoạch tận dụng đất đai nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả thì việc trở thành cường quốc về nông nghiệp không phải là điều quá khó. 

Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi bài tiếp theo trong Chuyên đề "Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp Việt Nam" trên Reatimes.vn

Dưới sự bảo trợ của Hội Nông dân Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Báo Nông thôn ngày nay – Báo Dân Việt và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề: Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách.

Hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/6/2019 (thứ sáu); dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng; đồng thời có tham luận, bàn thảo của gần 30 diễn giả là các nhà quản lý, nhà tư vấn, chuyên gia kinh tế - bất động sản – nông nghiệp hàng đầu Việt Nam cùng chủ đầu tư các dự án bất động sản nông nghiệp lớn. Hội thảo cũng có sự tham dự của gần 200 đại biểu, đại diện lãnh đạo các địa phương, các cơ quan báo chí – truyền thông, các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm tới vấn đề này.

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung làm rõ những khái niệm “bất động sản nông nghiệp”, “thị trường bất động sản nông nghiệp”…; Đánh giá được thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và các địa bàn trọng điểm nói riêng; Làm rõ những vướng mắc pháp lý, chính sách và kiến nghị giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam…; Chỉ ra mô hình và kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp và khả năng áp dụng cho Việt Nam…

Sau Hội thảo; Ban Tổ chức sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan về các vấn đề được nêu trong Hội thảo; đặc biệt là định hướng xây dựng khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top