Aa

Không loại trừ Ngân hàng Nhà nước có kịch bản hành động mới với tỷ giá, lãi suất

Chủ Nhật, 29/10/2023 - 17:06

Tỷ giá vẫn tiếp tục tăng sau 1 tháng Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại. Rất có thể cơ quan này đưa ra kịch bản hành động mới nếu tỷ giá hoặc lãi suất biến động mạnh hơn.

Lãi suất liên ngân hàng đã tiệm cận lãi suất huy động trên thị trường 1

Sau hơn 1 tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có động thái can thiệp vào thanh khoản của thị trường liên ngân hàng thông qua hoạt động phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh và đang tiệm cận dần với mức lãi suất huy động thị trường 1.
 Từ đó, chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục đà tăng.

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, thực trạng hiện tại đang là một điểm cân bằng mới, tuy nhiên khá mong manh.

“Bất kỳ một sự biến động tăng nào của một trong hai yếu tố tỷ giá và lãi suất, cũng có thể dẫn tới kịch bản hành động mới của Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia công ty chứng khoán này nhận định.

Áp lực tỷ giá hiện đang đến từ 2 yếu tố chính: tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VND kéo dài từ tháng 5/2023 và sự tăng giá của chỉ số đồng đô la (DXY). 

Trước bối cảnh đó đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng về, nhằm mục đích tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường này. Từ đó, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp lại, khiến các ngân hàng không có động lực đầu cơ USD ở trạng thái lớn. Kết quả là, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng có thể hạ nhiệt hoặc ổn định phần nào.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng áp dụng phương án này, số dư tín phiếu tại ngày 24/10 đang là 233.000 tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh (kỳ hạn qua đêm: từ 0,14% lên 2,10%, kỳ hạn 1 tháng từ 1,03% lên 3,00%), nhưng tỷ giá USD/VND cũng tiếp tục xu hướng tăng, với tỷ giá bán USD tại VCB đạt 24.735 tại ngày 24/10/2023 (tăng 4,24% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,12% so với tháng trước).

Thực tế là, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu tiệm cận lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1 - 3 tháng trên thị trường 1.

Nếu mức lãi suất này tăng thêm nữa, và duy trì một thời gian, sẽ có thể thúc đẩy các ngân hàng quay trở lại tăng lãi suất huy động tiết kiệm. Từ đó tạo ra hiệu ứng domino trên hệ thống. Trong khi đó, tỷ giá đã tăng mạnh trong thời gian qua (tăng 1,12%) và chỉ còn cách đỉnh 24.888 năm 2022 không xa. Do vậy, bất kỳ một sự biến động tăng nào của lãi suất hoặc tỷ giá trong những ngày tới, cũng có thể dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng thêm các chính sách mới nhằm đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng. 

NHNN đủ lực ổn định tỷ giá và lãi suất

Mặc dù rủi ro với tỷ giá và lãi suất là có, song ACBS cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất. Đó là nguồn cung tương đối dồi dào từ các hoạt động xuất nhập khẩu, FDI, FII và kiều hối. Trong khi đó, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thặng dư 21,6 tỷ USD, dịch vụ thâm hụt 6,7 tỷ USD, vốn FDI giải ngân 15,9 tỷ USD, lượng kiều hối 9 - 10 tỷ USD. 

Theo chuyên gia phân tích, Ngân hàng Nhà nước sẽ có 2 giải pháp trong ngắn hạn.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ để số dư tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng. Từ đó, thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Mục đích cuối cùng đó là lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 các kỳ hạn 1 - 3 tháng, nhưng không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.

Thứ hai, trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng, và lãi suất vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.

Các giải pháp trên đây có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý IV này. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh OMO./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top