Aa

Không nên đưa trẻ đến tuyến cuối khi bệnh ở thể nhẹ vì dễ bị lây chéo

Thứ Bảy, 13/10/2018 - 07:45

Ngày 12/10, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thông qua “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018,” ngành y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, các cấp, các ngành, địa phương lưu ý đến công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để mỗi người dân có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.

Ngành y tế và ngành giáo dục-đào tạo đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo như rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), tiêm chủng vắcxin phòng bệnh… nhằm thay đổi hành vi và tạo thói quen của từng người dân và cộng đồng.

Empty

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ phát động.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, tại Việt Nam, thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi ở một số địa bàn, nơi tập trung đông dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao.

“Thời gian tới, dịch bệnh còn có diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn bùng phát cục bộ”, Bộ trưởng Tiến nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, hoạt động phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như việc giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch chưa triệt để. Hay tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, chưa quyết liệt trong các hoạt động dự phòng và người dân ý thức chưa cao, chưa chủ động, xem thường dịch bệnh… cũng là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tăng cao thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khuyên, người dân không nên đưa trẻ đến tuyến cuối khi bệnh không nặng vì nơi này tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo, bội nhiễm. Không khéo lại khiến trẻ từ mắc sởi lại nhiễm thêm tay chân miệng hay sốt xuất huyết và nhiều thể bệnh nặng khác. Do đó, bác sỹ phải là người phải tỉnh táo để phân loại, lọc bệnh và cách ly các bệnh nhân để giúp họ mau ra viện cũng như giảm thiểu được số ca tử vong.

Empty

Sau khi dự lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác tiêm phòng tại Trạm Y tế phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 21.322 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong bốn tuần qua, số ca mắc bệnh lại tăng gấp 2 lần so với trước đó. Hiện đã có 24/24 quận, huyện xuất hiện ca bệnh.

Đối với dịch bệnh sởi, toàn thành phố đã có 146 ca dương tính với bệnh này, trong đó số ca mắc bệnh sởi đã xuất hiện tại 22/24 quận, huyện. Hầu hết, ca bệnh không có liên hệ dịch tễ với nhau và không ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng, tuy nhiên gần đây đã phát hiện một số trường hợp lây nhiễm trong gia đình bệnh nhân.

Hiện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm vét vắc xin sởi để đảm bảo đạt tỷ lệ miễn. Tuy nhiên, trên thực tế công tác phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn tại những khu vực có mật độ tập trung dân cao và di biến động dân cư lớn, khu vực vùng xa của thành phố.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top