Sachs Capri 1954 “chào đời” vào năm 1954 tại Đức. Đến ngày 22 tháng 10 năm 1955 chính thức được đăng ký lưu hành trên toàn thế giới. Không lâu sau đó, Sachs Capri 1954 có mặt tại Việt Nam trên một chuyến tàu biển.
Vào Sài Gòn, Sachs Capri 1954 chỉ phục vụ cho một nhân vật vô cùng đặc biệt - quyền lực và có tiếng tăm: Cha xứ
Sachs Capri 1954 đã trở thành một niềm kiêu hãnh của người sở hữu nó mỗi khi xuất hiện trên đường phố Sài Gòn thời đó.
Một chiếc Sachs Capri 1954 nguyên bản.
Sau nửa thế kỷ thăng trầm với đất nước con người Việt Nam, cuối cùng Sachs Capri 1954 cũng phải đành chi tay với chủ. Khoảng năm 2000, khi phong trào “tìm lại người xưa” được đẩy lên đỉnh điểm, Sachs Capri 1954 đã được một chàng thanh niên Sài Gòn tuổi đôi mươi mang tên Hiếu Bùi, dang tay rước về khi mà “duyên thắm đã lỡ thì” với cái giá không hề rẻ chút nào: 50 triệu đồng.
Vốn đã “thầm thương trộm nhớ” cô nàng từ lâu, chàng thanh niên ấy quyết định đưa nàng Sachs trở về thời hoàng kim.
Sachs Capri 1954 hiện tại - kiêu kỳ ngay ở mảnh đất Sài Gòn.
Sau khoảng thời gian 6 tháng, bằng nhiều nổ lực không mệt mỏi, Sachs Capri 1954 đã thực sự trở lại như chúng ta đã thấy.
“Kể từ ngày ‘cải lão hoàng đồng’, Sachs Capri 1954 với em như hình với bóng. Thỉnh thoảng em cùng ‘nàng’ dạo mát trên những tuyến phố quen thuộc để ôn lại kỷ niệm xưa, thời gian còn lại Sachs Capri 1954 chỉ ở trong nhà chứ em không dám giới thiệu với bạn bè vì… sợ mất”, anh Hiếu Bùi tâm sự.
Cũng vì “biết thân biết phận” và xuất thân có phần đặc biệt nên thông tin của Sachs Capri 1954 trên Internet khá ít. “Anh là người đầu tiên viết về ‘người tình’ của em đấy!”, anh Hiếu Bùi khẳng định.
Theo anh Hiếu, “Hiện nay ở Sài Gòn chỉ còn lại 4 chiếc gần giống như thế, nhưng đặc biệt như Sachs Capri 1954 của anh thì chỉ có một”.
Điều đặc biệt đầu tiên là nước da màu Rượu chát không lẫn đi đâu được. Các xe máy thời nay khó kiếm ra một màu như thế. Đây còn là màu sắc mang lại may mắn theo người Việt quan niệm, thế nên cũng là màu sắc chủ đạo của các dòng xe được nhập vào Việt Nam từ thập niên 1950.
Chúng ta dễ dàng thấy được những đường cong mềm mại trên phần thân của Sachs Capri 1954. Không hề thô một chút nào. Tất cả được thiết kế liền mạch và nguyên khối, không khác gì đường cong của cô gái người mẫu tuổi mười tám.
Không chỉ có thân, gắp xe cũng thiết kế nguyên khối gắn liền vời phần sườn cùng đường chỉ cate trông cứng cáp và mạnh mẽ.
Nếu ngắm từ trên xuống, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là mình sườn hình con cá trông hết sức quyến rũ.
Một chi tiết đặc biệt nữa phải kể đến đó là bình xăng của Sachs Capri 1954. Không giống như Puch, Mobilette, Goebel và một số mẫu xe khác của Đức thời xưa, Sachs Capri 1954 có bình xăng được thiết kế nằm ngay dưới sườn xe và kéo dài xuống tận xương sống. Nó có thể chứa được 4,6 lít nhiên liệu.
Toàn khung xe được làm bằng thép không gỉ dựa trên công nghệ hàn đặc biệt của Đức, nên rất bền bỉ và chắc chắn.
Theo thiết kế, Sachs Capri 1954 là mẫu xe 2 thì 50 phân khối, sở hữu xi-xanh 47cc, công suất 1.25 mã lực ở khoảng 4100 vòng/phút.
Xe khởi động bằng giò đạp, di chuyển bởi hộp số 2 tốc độ điều khiển bằng tay.
Tốc độ tối đa có thể đạt tới 40 – 45 km/h trên đường trường. Tiêu hao 1,4 lít nhiên liệu trên 100km
Xe có trọng lượng 33kg khi trong tình trạng bình rỗng xăng.
Cũng như nhiều dòng xe 2 thì, Sachs Capri 1954 sử dụng thắng đùm.
Cặp lốp của thương hiệu Continental vẫn còn nguyên ‘zin’.
Nói đến Sachs Capri 1954 không thể bỏ qua nét đặc trưng đến từ bộ phận giảm sóc trước và sau. Nếu như phuộc sau đặc chỉ sử dụng phuộc lùn...
...thì phía trước dùng phuộc giò gà.
Ngoài khung sườn bằng thép thì các chi tiết khác như đùm xe, phuộc, giò khởi động được mạ Crôm.
Chỉ sườn, chỉ bảo vệ ghi-đông, nắp bình xăng, chỉ cate được làm bằng nhôm.
Một chi tiết đặc biệt nữa ở Sachs Capri 1954 là việc thiết kế cùng lúc 2 chiếc đồng hồ công-tơ-mét trên mặt ghi-đông nhằm mục đích tăng tính thẩm mỹ cho dòng xe này.
“Toàn bộ các chi tiết trên Sachs Capri 1954 đều là hàng ‘zin’, kể cả ốc vít, bugi, công tắt đèn, còi, bi-đan, …”, anh Hiếu tiết lộ thêm.
Cận cảnh ống pô còn mới toanh vì được giữ gìn như báu vật
Anh Hiếu còn cho biết, “Dòng chữ Luxumette trên thân máy là minh chứng cho mẫu xe này hiếm có như thế nào. Những chiếc xe bình thường chỉ có chữ ‘S’ nằm giữa như ta thấy”
Còn đây là công tắc đèn trước.
Thật không uổng công cho công sức 10 năm đam mê sưu tầm chiếc Sachs Capri 1954 của anh Hiếu Bùi. Nếu có cơ hội một lần chiêm ngưỡng ngoài đời thực, tôi chắc chắn là bạn cũng sẽ bị “thôi miên” giống như tôi từng đối mặt.