Nhờ biện pháp này mà sau ba năm, gia đình chị Loan vừa có nhà vừa sở hữu thêm một cuốn sổ tiết kiệm 180 triệu. Chị thừa nhận, nếu để vợ chồng chị chủ động tiết kiệm thì họ không bao giờ có được kết quả tốt như thế. Dưới đây là chia sẻ của chị Phương Loan, 35 tuổi, hiện sống tại TP HCM:
Chúng tôi cưới nhau đầu năm 2011. Tổng thu nhập hồi mới cưới của hai vợ chồng khoảng 16 triệu/tháng. Sau 5 năm, tổng thu nhập bây giờ cũng chỉ khoảng 22 triệu/tháng. Số tiền vừa đủ cho gia đình chúng tôi gồm 3 người (2 vợ chồng và một cậu con trai sinh cuối năm 2011) sống tạm ổn ở TP HCM.
Suốt 5 năm về sống với nhau, chúng tôi gần như không sắm được thứ gì có giá trị. Trong thời gian ấy, chúng tôi có hai khoản tiêu lớn nhất là một lần con nằm viện mất 30 triệu, một lần sửa nhà mất 50 triệu. Ngoài ra, chúng tôi mua được một bộ bàn ghế 10 triệu, một lò vi sóng 3 triệu, một bếp ga 4 triệu. Sửa nhà và con nằm viện, chúng tôi phải đi vay tiền bạn bè và họ hàng rồi trả dần. Mua ba món đồ kia thì tôi dùng thẻ tín dụng. Chúng tôi không đổi xe trong suốt mấy năm. Tôi đổi điện thoại một lần, chồng đổi điện thoại hai lần, đều vào dịp Tết, khi chúng tôi có lương tháng 13.
Hai vợ chồng, đặc biệt chồng tôi thuộc dạng tiêu hoang. Tôi không hiểu anh tiêu kiểu gì mà tốn thế: vài chầu bia với bạn bè, vài ly cà phê mỗi sáng, thỉnh thoảng mua thứ này thứ kia về nhà ăn... mà sau khi đưa vợ 2 triệu là lương tháng nào anh tiêu hết tháng đó. Lương anh khoảng 12 triệu, mấy năm vẫn thế.
Tôi cũng có ý thức tiết kiệm, vì làm trong văn phòng, giờ hành chính tôi không chạy ra ngoài được nên tôi lập sổ tiết kiệm trực tuyến. Tuy nhiên, qua ngân hàng trực tuyến, gửi tiền dễ, lấy tiền ra cũng dễ nên tôi thường xuyên tất toán để lấy tiền ra tiêu. Tiết kiệm trong tài khoản trực tuyến của tôi chưa bao giờ được đến 10 triệu.
Chúng tôi may mắn không phải đi ở thuê. Chồng tôi có sẵn một ngôi nhà ở Gò Vấp, mua bằng tiền bố mẹ anh cho từ trước khi lấy vợ. Đầu năm 2013, lúc con trai được hơn một tuổi, một phần vì không thích ngôi nhà ở gần một con rạch, thường có mùi khó chịu mỗi khi thủy triều xuống, một phần vì chán cảnh đi làm xa khoảng 10 km (cả hai cùng làm ở quận Nhất) đưa đón con bất tiện, chúng tôi quyết định cho người khác thuê nhà, đi thuê nhà ở quận 7, gần nhà chị gái tôi. Từ đây đến chỗ làm của chúng tôi chỉ 6 km, đi xe máy khoảng 30 phút.
Chúng tôi ở nhà thuê một thời gian thấy khá ưng nên quyết định bán nhà ở Gò Vấp và mua nhà ở quận 7. Từng trải qua cảnh thiếu tiền khi con nằm viện một tháng, tôi bàn với chồng, sau khi bán nhà bỏ ra 200 triệu cất đi đề phòng trường hợp ốm đau bệnh tật thì vẫn có sẵn tiền trong nhà. Chồng tôi đồng ý. Tuy nhiên, nhà ở Gò Vấp chúng tôi bán được 1,5 tỷ mà nhà định mua ở quận 7 cũng 1,5 tỷ.
Vậy là chúng tôi làm thủ tục vay tiền ngân hàng để mua nhà. Ban đầu chúng tôi cũng định vay 200 triệu nhưng sợ khó cân đối chi tiêu hàng tháng nên cuối cùng quyết định chỉ vay 150 triệu trong ba năm. Thời điểm chúng tôi vay là tháng 5/2013. Chúng tôi chọn ngân hàng cho vay lãi thấp nhất, lãi suất chúng tôi phải chịu là 12%/năm. Còn 150 triệu của mình, chúng tôi đem gửi ngân hàng khác, chọn ngân hàng có lãi suất cao nhất để gửi, lãi suất tiền gửi được 9%/năm. Lãi suất tiền gửi mỗi năm mỗi thay đổi nhưng không nhiều. Tôi làm sổ gửi kỳ hạn một năm để hạn chế chi tiêu.
Vay tiền, mỗi tháng chúng tôi phải trả tiền gốc là hơn 4 triệu, lãi tháng cao nhất là 1,5 triệu. Chồng tôi nhận phần trả lãi ngân hàng. Từ khi có khoản vay này, anh chi tiêu tiết kiệm hơn hẳn. Còn lương của tôi dùng để chi tiêu hàng ngày cho gia đình và nuôi con.
Tính ra, tổng tiền lãi mà chúng tôi phải trả cho ngân hàng trong 3 năm vay tiền là khoảng 27 triệu, do dư nợ giảm dần nên tiền lãi hàng tháng cũng giảm. Trong khi đó, 3 năm gửi tiết kiệm số tiền lãi chúng tôi thu về cũng được khoảng 30 triệu.
Tuần vừa rồi, chúng tôi đã trả xong khoản nợ ngân hàng, lấy sổ đỏ về nhà. May mắn làm sao, khoản tiết kiệm gửi ngân hàng kia vẫn còn nguyên, chúng tôi chưa phải dùng đến lần nào.
Vậy là nhờ biện pháp đi vay này mà vợ chồng tôi có một khoản tiết kiệm 180 triệu sau ba năm, do bắt buộc mình phải thắt chặt chi tiêu. Nếu để chúng tôi chủ động tiết kiệm, với cách tiêu hoang phí trước đó, chắc sẽ không bao giờ thành công. Chúng tôi đều xác định sẽ không tiêu vào khoản tiền này, dành đề phòng trường hợp khẩn cấp hoặc sau này có điều kiện sẽ đầu tư làm ăn.