Aa

Không tiêm vắc xin ComBE Five cho trẻ trong những trường hợp nào?

Chủ Nhật, 30/12/2018 - 04:12

Để phòng ngừa các nguy cơ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five, Bộ Y tế khuyến cáo không tiêm chủng vắc xin cho trẻ trong một số trường hợp.

Cuối tháng 12/2018, Bộ Y tế bắt đầu cho triển khai vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) thay thế vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên, những ngày qua đã có nhiều thông tin trên mạng xã hội chia sẻ về tình trạng trẻ phản ứng sau tiêm chủng đặc biệt nhiều trẻ phải nhập viện sau tiêm chủng do tím tái và cả tử vong.

Ngày 28/12, Bộ Y tế đã có kết luận 2 trường hợp trẻ tử vong ở Nam Định không liên quan với vắc xin ComBE Five.

Theo ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin cơ bản là an toàn nhưng không thể tuyệt đối. Khi tiêm vắc xin, trẻ có phản ứng sốt, quấy khóc, da đỏ và đau nhưng sẽ tự khỏi trong vòng từ 24 - 48h. Tuy nhiên có những trường hợp cơ thể gặp những phản ứng quá mẫn sẽ gây ra sốc phản vệ, nếu cấp cứu kịp thời sẽ qua khỏi.

Cũng theo ông Dương, vắc xin ComBE Five không sử dụng cho trẻ sơ sinh mà được tiêm cho trẻ vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.

Không tiêm vắc xin ComBE Five cho trẻ trong những trường hợp nào?

Tiêm vắc xin cho trẻ tại một trung tâm tiêm chủng

Để phòng ngừa các nguy cơ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five, Bộ Y tế khuyến cáo không tiêm chủng vắc xin cho một số trường hợp sau:

- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib lần tiêm chủng trước hoặc vắc xin có thành phần DPT, viêm gan B, Hib.

- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như: hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan.

Ngoài ra, có một số trường hợp cần hoãn tiêm vắc xin ComBe Five, gồm:

- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

- Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).

- Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng.

- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.

- Trẻ có cân nặng dưới 2.000 gram...

Khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác.

Sau khi tiêm chủng cho trẻ, cha mẹ cần cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

Khi đưa trẻ về nhà, phụ huynh cũng phải theo dõi ít nhất 24h sau tiêm chủng. Cha mẹ cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm… thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm, không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.

Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe của trẻ thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý.

ComBE Five là vắc xin phối hợp “5 trong 1” phòng 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm não Hib) do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất và được Bộ Y tế sử dụng thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu) trong 2 tháng 10 - 11/2018 có 17.356 trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five, tỷ lệ tiêm chủng đạt 75,7%. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường thường là sốt <39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm,trẻkhó chịu, quấy khóc...

Có 3 trường hợp phản ứng phải nhập viện điều trị đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủngvàkết luận: 2 trường hợp phản ứng phản vệ, 1 trường hợp sốt cao/co giật được xử trí ban đầu và cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Đặc biệt, không có trường hợp trẻ thiệt mạng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top