Aa

Không dùng ngân sách mà phải thông qua cơ chế chính sách để “cứu” thị trường bất động sản

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 20/12/2022 - 06:14

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, Nhà nước không nên dùng ngân sách mà phải thông qua các cơ chế chính sách để điều chỉnh thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững.

“Cứu” thị trường thông qua cơ chế chính sách

Trong thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản rơi vào thời kỳ suy giảm, phông nền chung trầm lắng, mọi giao dịch đều ngưng trệ, thanh khoản sản phẩm thấp, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: “Liệu đã đến lúc Nhà nước cần ra tay ‘cứu’ thị trường địa ốc”? 

Câu hỏi đã làm dấy lên nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên, mọi đích đến đều mong muốn thị trường bất động sản được điều chỉnh theo hướng lành mạnh và phát triển bền vững. 

Chia sẻ với Reatimes, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn chồng chéo. Tình trạng lệch pha cung - cầu ở phân khúc thị trường nhà ở khi phân khúc cao cấp chiếm phần lớn trong khi rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Thêm nữa, giá nhà và đất nền vẫn ở mức cao mặc dù giao dịch trên thị trường đã chững lại, một số địa bàn không xuất hiện giao dịch. Nguồn vốn tín dụng trong thị trường bất động sản bị lệch pha, hệ quả hiện nay là nguồn vốn tín dụng bị hạn chế.

Những khó khăn này đã đưa thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn suy giảm có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ khủng hoảng năm 2012. Nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thị trường bất động sản sẽ khó để khởi sắc và chuyển biến tích cực. 

Vì vậy, theo ông Đỗ Viết Chiến, giai đoạn này thị trường rất cần sự can thiệp nhanh chóng của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách hợp lý để từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “vực dậy”. 

“Chúng ta không nên nói Nhà nước “cứu hay không cứu” thị trường bất động sản. Bởi thực chất, Nhà nước muốn “cứu” cũng không thể “cứu” được mà phải là doanh nghiệp bất động sản thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước để tự “cứu” lấy mình. 

Doanh nghiệp nào có năng lực thật sự, biết cách ứng phó với những biến động của thị trường, sức cạnh tranh mạnh, doanh nghiệp đó sẽ vượt qua khó khăn còn vai trò của Nhà nước lúc này là vai trò hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở”, ông Chiến bày tỏ. 

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, loạt các động thái mới đây của Nhà nước như thành lập Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ để rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản; Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5 - 2%... cùng việc đẩy mạnh lấy ý kiến góp ý sửa đổi các luật liên quan đến bất động sản không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản. 

Nhà nước chỉ đang hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết và chính cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, Nhà nước không dùng ngân sách để “giải cứu” thị trường bất động sản vì đây là câu chuyện của thị trường, Nhà nước chỉ tạo cơ chế.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực đã kiến nghị 3 nhóm giải pháp trong ngắn hạn.

Nhóm giải pháp thứ nhất là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trước hết là phải minh bạch thông tin và thông điệp mạnh mẽ. Tiếp đến là sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.

Nhóm giải pháp thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ rào cản pháp lý và vốn cho nền kinh tế.

Ông Lực kiến nghị Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế Trung ương tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

Theo chuyên gia này, cần đảm bảo 4 cân bằng: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp người dân; cân bằng giữa vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.

Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khơi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước. Cùng với đó, khơi thông nhanh dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường vốn tăng trưởng xanh.

Nhóm giải pháp thứ ba là đảm bảo thanh khoản của thị trường, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng.

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thời gian tới, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

“Đây là các chỉ thị rất quyết liệt, đúng và trúng, cần được tích cực thực hiện”, ông Lực nhấn mạnh.

Động lực nào cho thị trường bất động sản 2023?

Trước thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, thị trường bất động sản đang nhận nhiều tín hiệu tích cực từ loạt các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Những động thái này đã khiến nhiều quan điểm nhận định về “sức khoẻ” của thị trường bất động sản 2023 có sự thay đổi. Theo đó, phần lớn ý kiến cho rằng, cơ hội để thị trường địa ốc hồi phục trong năm tới vẫn có. Điều quan trọng là các doanh nghiệp đã rút ra cho mình được bài học gì trong thời gian vừa qua để không lặp lại trong năm mới, tận dụng những hỗ trợ từ phía Nhà nước như thế nào để tăng cường “sức đề kháng”, khả năng cạnh tranh.

Thị trường chắc chắn sẽ còn nhiều chuyển biến trong năm 2023. (Ảnh minh hoạ)

“Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ rất tích cực cho thị trường bất động sản trong thời gian gần đây cho thấy, Nhà nước đang nhận ra những khó khăn mà thị trường này gặp phải cũng như vai trò to lớn của thị trường địa ốc trong sự phát triển của nền kinh tế. Đây là những động lực quan trọng, tạo cơ sở để hy vọng thị trường bất động sản năm 2023 có cơ hội hồi phục và chuyển biến tốt hơn năm 2022. 

Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu. Cùng với việc ban hành chính sách thì việc thực thi, triển khai chính sách như thế nào cũng rất quan trọng. Chỉ khi các chính sách này được thể hiện một cách rõ ràng thông qua các giải pháp và đi vào thực tế thì mới có thể tác động hiệu quả đến thị trường bất động sản. Cùng với các chính sách được triển khai thì doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm bắt cơ hội, tái cấu trúc sản phẩm, dự án. Doanh nghiệp phải tự thanh lọc bộ máy của mình, cơ cấu lại dòng vốn, hướng đến các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực. Có như vậy, doanh nghiệp mới đủ khả năng chống chịu, vượt qua những thách thức trong năm 2023, giúp thị trường bất động sản hồi phục trở lại” ông Đỗ Viết Chiến chia sẻ. 

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, bức tranh năm 2023 dù khó khăn nhưng cũng đã và đang hé lộ những triển vọng tích cực. Thị trường chắc chắn sẽ còn nhiều chuyển biến, nhưng cuối cùng sẽ hướng đến minh bạch, chuyên nghiệp, bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top