Aa

Khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu cho một tương lai công nghiệp bền vững hơn

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Năm, 17/07/2025 - 06:00

Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu tất yếu của thời đại, mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn vẫn là một khoảng cách lớn cần được lấp đầy bằng khung pháp lý đồng bộ, cơ chế khuyến khích cụ thể và sự chuyển đổi tư duy trong quản lý lẫn đầu tư.

Đặt nền móng cho khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Từ sau Đại hội VIII, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, hình thành hệ thống KCN, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC), tạo nền tảng thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ.

Chỉ trong giai đoạn 1996 – 2000, hàng loạt chính sách đã được ban hành, tiêu biểu là Quyết định thành lập Ban Quản lý KCN Việt Nam (năm 1996) và Nghị định 36-CP về quy chế quản lý KCN, KCX, KCNC.

Tính đến tháng 7/2024, cả nước có 431 KCN và KCX được thành lập, tổng diện tích khoảng 132.300 ha, trong đó 301 khu đã đi vào hoạt động. Việt Nam hiện cũng có 5 KCNC lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Đồng Nai.

Khu vực công nghiệp – xây dựng hiện chiếm 37,64% GDP và đóng góp 45,17% vào mức tăng trưởng kinh tế 7,09% trong năm 2024, cho thấy vai trò ngày càng lớn của các KCN đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển bền vững và áp lực môi trường, mô hình KCNST đang trở thành xu hướng tất yếu. Từ những năm 1980, thế giới đã phát triển mô hình này gắn với chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tích hợp đô thị thông minh.

Ở Việt Nam, dù được nhấn mạnh trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP, KCNST vẫn còn khá mới mẻ. Đến nay, mới có một số khu đang triển khai thí điểm như Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), cùng một số khu tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.HCM, Cần Thơ và Đồng Nai.

Khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu cho một tương lai công nghiệp bền vững hơn- Ảnh 1.

Trước yêu cầu phát triển bền vững và áp lực môi trường, mô hình KCN sinh thái (KCNST) đang trở thành xu hướng tất yếu. (Ảnh minh hoạ - TTXVN)

Chia sẻ tại hội thảo khoa học "Đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam - tiềm năng, thách thức và tầm nhìn chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững" mới đây, PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho biết, sở dĩ KCNST chưa phát triển hoặc chưa thể phát triển ở Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến các vấn đề: Khung pháp lý chưa được hoàn thiện; thủ tục còn nhiều vướng mắc; Chi phí đầu tư ban đầu cao; Chuyển đổi công nghệ chậm; Thiếu nguồn lực tài chính; Liên kết vùng hạn chế; Nhận thức và sự hiểu biết chưa đầy đủ, ý chí và quyết tâm của chủ đầu tư chưa cao; Hiệu quả đầu tư cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn; Thiếu chính sách khuyến khích đầu tư.

Khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu cho một tương lai công nghiệp bền vững hơn- Ảnh 2.

PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng).

PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh cũng nhận định, mặc dù việc đầu tư và phát triển KCNST ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây là xu hướng tất yếu của thời đại, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững các địa phương và quốc gia.

Hoàn thiện khung pháp lý cho khu công nghiệp sinh thái: Đã rõ về chính sách, vẫn vướng thực thi

Theo ông Nguyễn Việt Hưng - Phòng Quản lý Khu Kinh tế (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua, hệ thống quy định pháp lý về khu công nghiệp sinh thái (KCNST) đã từng bước được hoàn thiện. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT là hai văn bản quan trọng, góp phần bổ sung khái niệm, tiêu chí xác định KCNST, chính sách hỗ trợ và ưu đãi liên quan.

Khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu cho một tương lai công nghiệp bền vững hơn- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Phòng Quản lý các khu kinh tế, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính).

Thông tư 05 đặc biệt nhấn mạnh tới các nội dung hướng dẫn kỹ thuật như cộng sinh công nghiệp, tuần hoàn nước và quy trình chứng nhận KCNST – những yếu tố nền tảng để xây dựng mô hình khu công nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả tài nguyên.

Cụ thể, Nghị định 35 quy định: để được công nhận là KCNST, chủ đầu tư hạ tầng phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, cung cấp các dịch vụ cơ bản, đồng thời tổ chức giám sát đầu vào/đầu ra và định kỳ báo cáo về hiệu quả sử dụng tài nguyên, áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn.

Với các doanh nghiệp trong khu, ít nhất 20% số doanh nghiệp thuê đất phải thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch, đồng thời có ít nhất một hoạt động cộng sinh công nghiệp. Mô hình KCNST cũng cần đảm bảo tối thiểu 25% tổng diện tích quy hoạch dành cho hệ thống cây xanh, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và xã hội dùng chung; đồng thời bố trí nhà ở và công trình xã hội phục vụ người lao động.

Về mặt chính sách, các KCNST và doanh nghiệp phát triển mô hình này được hưởng hàng loạt ưu đãi như: miễn tiền thuê đất, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nằm trong danh mục dự án được khuyến khích đầu tư và có thể vay vốn từ các quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ đổi mới công nghệ, ngân hàng phát triển, cũng như các nguồn quỹ trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, điểm nghẽn lớn hiện nay là việc triển khai các ưu đãi trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Dù đã có quy định rõ ràng về chính sách, nhưng Luật hiện vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa các ưu đãi này. Điều này khiến chi phí đầu tư ban đầu vào KCNST cao, trong khi nhà đầu tư và doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được các hỗ trợ thiết thực, làm chậm quá trình chuyển đổi mô hình khu công nghiệp theo hướng sinh thái.

Chuyển đổi sang KCN sinh thái: Hơn 900 cơ hội, tiết kiệm 2,6 triệu USD mỗi năm

Theo TS. Nguyễn Trâm Anh – Quản lý Dự án Quốc gia, Chương trình GEIPP Việt Nam (do SECO tài trợ và UNIDO phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư trước đây nay là Bộ Tài chính thực hiện): "Chuyển đổi sang mô hình KCNST đang mang lại những tác động tích cực đối với ngành công nghiệp Việt Nam".

Khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu cho một tương lai công nghiệp bền vững hơn- Ảnh 4.

TS. Nguyễn Trâm Anh – Quản lý Dự án Quốc gia, Chương trình GEIPP Việt Nam.

Bà Trâm Anh cũng cho biết thêm, sau bốn năm triển khai, chương trình GEIPP Việt Nam đã xác định hơn 900 cơ hội KCNST tại 90 doanh nghiệp, trong đó trên 400 cơ hội đã được thực hiện và hơn 200 cơ hội đang trong quá trình lên kế hoạch. Những giải pháp này giúp tiết kiệm tới 2,6 triệu USD mỗi năm thông qua việc giảm đáng kể mức tiêu thụ tài nguyên và nguyên vật liệu. Hiện có 6 khu công nghiệp đang được GEIPP Việt Nam hỗ trợ chuyển đổi theo mô hình KCNST, gồm: Amata, DEEP C, Nam Cầu Kiền, VSIP, Hiệp Phước và Tân Đô.

Không chỉ là mô hình, mà là chiến lược phát triển dài hạn

Trước những thách thức hiện hữu, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn hiện hữu trong việc phát triển khu công nghiệp sinh thái hiện nay. Cụ thể:

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, thống nhất – tạo nền tảng rõ ràng để triển khai mô hình KCNST trên diện rộng. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho các khu công nghiệp sinh thái là điều cấp thiết để bảo đảm tính minh bạch, khả thi và hiệu quả trong đánh giá, công nhận.

Tiếp theo, cần trao quyền thực chất cho các nhà đầu tư, đi kèm với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, tín dụng xanh, ưu đãi thuế và tiếp cận công nghệ hiện đại. Chính phủ và chính quyền địa phương cũng được khuyến nghị chuyển đổi tư duy quản lý – từ mô hình hành chính, kiểm soát sang mô hình đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dự án sinh thái.

Một điểm nhấn quan trọng khác là việc nâng cao nhận thức xã hội về mô hình công nghiệp sinh thái – không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp, mà còn trong các cấp hoạch định chính sách và người dân, nhằm tạo sự đồng thuận và nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi.

Từ những chia sẻ, dẫn chứng và kiến nghị cụ thể của các chuyên gia, có thể khẳng định rằng: phát triển KCNST không chỉ là một mô hình kỹ thuật – mà là một chiến lược kinh tế – xã hội – môi trường mang tính sống còn. Nó không chỉ giúp ngành công nghiệp Việt Nam duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh quốc tế đang siết chặt tiêu chuẩn xanh, mà còn tạo nền tảng cho một nền sản xuất thông minh, tuần hoàn và nhân văn hơn, phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top