Dân khổ sở vì thiếu trường học, lãnh đạo Hà Nội có biết không?

Dân khổ sở vì thiếu trường học, lãnh đạo Hà Nội có biết không?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 03/12/2021 - 06:00

Sau Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị định, nhưng tới nay nhiều khu đô thị (KĐT) tại Hà Nội không có trường học, hoặc làm dở dang, bỏ mặc cỏ mặc nhiều năm trời. 

LTS: Hà Nội ngày càng rơi vào tình trạng thiếu trường học trầm trọng, nguyên nhân được xác định là do chủ đầu tư các KĐT mới thực hiện không đúng quy hoạch được phê duyệt, trong khi việc kiểm tra, giám sát từ chính quyền thành phố cho tới các sở, ngành, quận, huyện thì lỏng lẻo. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và vai trò giám sát từ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, truy xét trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Hà Nội cũng như trách nhiệm của các chủ đầu tư KĐT. 

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Nhiều khu đô thị ở Hà Nội "quên" trường học, ai chịu trách nhiệm?

Bài 1: Dân khổ sở vì thiếu trường học, lãnh đạo Hà Nội có biết không?

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

BÁN NHÀ THU LỢI LỚN, NHƯNG VẪN KHÔNG XÂY TRƯỜNG HỌC

KĐT Đoàn Ngoại giao (quy mô 62,8 héc-ta, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư là cái tên mới nhất bị điền vào danh sách những KĐT quảng cáo "đáng sống", nhưng khi hàng nghìn hộ dân chuyển về đây sinh sống thì những lô đất quy hoạch xây trường học vẫn bỏ trống và không biết tới khi nào mới hoàn thành?

Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 đã có quy định bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các KĐT. Các quy định được cụ thể hóa hơn ở Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng...

Các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.

Tuy vậy, thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các KĐT thì chưa đúng với quy định của pháp luật, tình trạng “quên” xây trường học diễn ra rất phổ biến tại Hà Nội. Trong số này phải kể đến KĐT Xuân Phương Viglacera do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư có tổng diện tích 14,6 héc-ta bao gồm nhà phố kinh doanh, hơn 300 nhà biệt thự, nhà liền kề xen kẽ trong những khu ở cao tầng. Điều kỳ lạ là một dự án lớn như vậy nhưng khi đưa vào sử dụng cũng không có trường học, dù khi triển khai và bán sản phẩm thì quảng cáo là hạ tầng đồng bộ, trường học hiện đại.

KĐT Xuân Phương Viglacera do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư cũng bị điểm tên "quên" xây trường học.

KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh có tổng diện tích 24.8 héc-ta và dự kiến phục vụ 3.734 cư dân do Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Dịch vụ Nhà Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án gồm cụm công trình cao tầng OCT1 đến OCT5 cao từ 9 đến 29 tầng, với khu nhà ở, biệt thự, trường học, nhà trẻ, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, vườn hoa cây xanh... bàn giao cho dân về sử dụng từ năm 2015 nhưng chưa xây trường học.

KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (Tổng HUD thuộc Bộ Xây dựng) xây dựng từ năm 2002 có tổng diện tích 50,3882 héc-ta; trong đó có gần 7 héc-ta xây dựng: 1 trường THPT, 1 trường tiểu học và THCS, 3 nhà trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, đến nay dự án mới chỉ có 1 trường mẫu giáo được hoành thành và đưa vào sử dụng, 5 ô đất xây trường còn lại đang để hoang hóa, làm bãi đỗ xe trái quy định.

KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm cũng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ xây dựng (HUD) triển khai, quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học được đưa vào sử dụng, 5 lô đất còn lại quy hoạch xây dựng trường học chưa triển khai, trong đó 2 ô đất (NT1 và TH1) đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát; 2 ô đất (NT2, TH2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Cũng chính HUD là đơn vị triển khai dự án KĐT Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) từ 2005, sau khi hoàn thành và bán cho dân về ở thì cho tới nay chỉ có 1 trường tiểu học hoàn thành, nhiều ô đất khác để xây trường học đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát và vẫn không xây trường.

Dự án KĐT Thành phố giao lưu với quy mô rộng 95 héc-ta, với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD có vị trí đắc địa trên mặt đường Phạm Văn Đồng được đầu tư bởi liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế VIGEBA, Bảo Việt, Geleximco. Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt từ năm 2006 của UBND TP. Hà Nội, ngoài các khu chung cư, biệt thự liền kề, thì khu đô thị sở hữu khu đất để xây hệ thống trường học từ nhà trẻ tới THPT. Tuy nhiên, khi đã có hàng nghìn căn hộ được bán cho người dân chuyển về ở thì chủ đầu tư vẫn “quên” xây trường học.

Khu nhà ở xã hội tại Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 (Vinaconex 3) làm chủ đầu tư, trong đó có diện tích 15.169m2 dành để xây dựng trường học từ mầm non đến THCS. Sau gần 20 năm, các hạng mục cơ sở hạ tầng, nhà thương mại, chung cư cao tầng... cơ bản đã hoàn thành, người dân về ở đông đúc, nhưng khu đất xây dựng trường mầm non khoảng 3.000m2 bị bỏ hoang hoá, bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe trái phép.

Khu nhà ở Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai) có hạng mục nhà tái định cư do Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội làm chủ đầu tư. Tổng diện tích xây dựng toàn khu này là 55.978 m2, được bàn giao từ năm 2015, nhưng không có trường học.

KĐT mới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu Tư và Phát Triển Nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư, với quy mô 215.650 m2. Nhiều căn biệt thự xây dựng xong đang để hoang nhiều năm nay, đất quy hoạch xây trường cũng để cho thuê sử dụng sai mục đích.

Ngoài ra còn một loạt những cái tên khác như: Khu chức năng đô thị Ao Sào (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở Thạch Bàn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị BQP; KĐT mới Vân Canh do HUD đầu tư; KĐT mới Phùng Khoang do Tập đoàn Nam Cường đầu tư… cũng rơi vào tình trạng “quên” xây trường học.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất” với mục tiêu đầu tư xây dựng đồng bộ nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng xây dựng và trình Quốc hội Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm từng bước hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật để quản lý phát triển đô thị, khu đô thị, khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị Quyết số 82/20019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông; tăng cường hướng dẫn, đốn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần thực hiện xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển các công trình hạ tầng xã hội đô thị, trong đó có cơ sở giáo dục; tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch.

NHIỀU LỚP "NHỒI NHÉT" HƠN 60 HỌC SINH, CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC BỊ ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG

Tình trạng chủ đầu tư “quên” xây trường học trong khi chính quyền địa phương và các sở ngành thiếu trách nhiệm đã dẫn tới hệ lụy rất nhiều trường học công lập giáp khu vực của những đô thị này bị quá tải, sĩ số lớp học thường vượt trên 55 học sinh, thậm chí nhiều trường lên tới trên 60 học sinh/1 lớp.

Tổng kết của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhiều năm nay đều chỉ rõ, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nhiều khu đô thị không có trường học nên nhiều trường chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh. Diện tích đất quy hoạch nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo quy định Điều 17 Điều lệ trường tiểu học ban hành thì “mỗi lớp học có không quá 35 học sinh”. Thế nhưng hiện nay, nhiều địa phương đang bố trí sĩ số học sinh trong một lớp học cao đến bất thường.

Điển hình nhất là Hà Nội, nhiều trường học sĩ số học sinh lớp 1 lên đến gần 70 học sinh/lớp và xảy ra khá nhiều ở các trường thuộc khu vực quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, có số học sinh từ 60 – 69 học sinh/1 lớp.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2020 - 2021, quy mô học sinh Thủ đô tăng khoảng 68.000 so với năm trước, đặt ra thách thức đối với nhiều trường công lập. Tại quận Hoàng Mai, số lượng học sinh vào lớp 1 tại một số trường khá lớn, thậm chí ngang bằng tổng sĩ số của một trường cỡ nhỏ, trong đó có Trường tiểu học Chu Văn An (gần 600 học sinh), Trường Tiểu học Hoàng Liệt (hơn 700 học sinh), Trường Tiểu học Đại Kim (trên 550 học sinh)…

Số lượng học sinh tuyển mới quá lớn khiến nhiều trường khối 1 phải học 2 buổi/ngày, khối 2, 3, 4, 5 học 10 buổi/tuần có luân phiên thứ 7. Tại quận Hoàng Mai, có những trường như Tiểu học Tân Mai, Tiểu học Vĩnh Hưng, Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Thúy Lĩnh…  phải học 2 ca/ngày, luân phiên cả vào thứ 7.

Rất ít chủ đầu tư quan tâm xây dựng đầy đủ hệ thống giáo dục trong KĐT như Vingroup.

Chia sẻ với Reatimes, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Thành viên tổ tư vấn Uỷ ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nhận định: “Chính phủ cần ban hành quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, không chỉ về chất lượng giáo dục, mà phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nơi nào cho xây dựng thêm chung cư, KĐT, thì phải cam kết có đủ chỗ học, phải có chế tài xử lý mạnh với cá nhân và tổ chức, chấm dứt ngay lập tức tình trạng xây chung cư làm tăng dân số nhưng không có trường học”.

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội, từ năm 2016 đến 2019, trên địa bàn thành phố có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trong số này có rất nhiều dự án KĐT mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Hà Nội chỉ rõ Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) chủ đầu tư “quên” xây trường nhiều nhất, trong đó phải kể tới các KĐT Việt Hưng, Khu Tây Linh Đàm, KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, KĐT Vân Canh... Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt. Việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ. Các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có KĐT chưa thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình đầu tư xây dựng trường học trong các KĐT trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao.

Trao đổi với Reatimes, ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH khóa XII, XIII), cho biết: “Tôi đã từng đi khảo sát thực địa ở nhiều nơi thì chỉ có những khu mà Vingroup xây dựng là làm tốt, còn lại hầu hết đều không quan tâm tới xây dựng trường học và không gian văn hóa chung. Khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, tôi đã nhiều lần đề cập tới vấn đề quy hoạch Hà Nội, chủ đầu tư triển khai các dự án xây KĐT nhưng không làm trường học, chỉ chú trọng tới việc xây nhà để bán.

Đây là khiếm khuyết rất lớn đối với các KĐT ở Hà Nội, cho thấy lãnh đạo thành phố cho tới lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở ngành chưa làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Tôi mong rằng các đồng chí khi phê duyệt dự án phải thật sự chú trọng tới vấn đề xây trường học, đừng ký xong rồi bỏ mặc cho chủ đầu tư muốn làm gì thì làm, như vậy là thiếu trách nhiệm với đời sống của nhân dân và tương lai của đất nước.

Ở tầm cao hơn, tôi mong Chính phủ sẽ có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết triệt để tình trạng này, bởi vì giáo dục là câu chuyện của quốc gia, không thể để kéo dài tình trạng này mãi. Về phía Quốc hội, tôi cũng mong các đại biểu tăng cường giám sát, góp phần giúp cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, các địa phương sớm giải quyết vấn đề này”.

Ngọc Quang
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top