Aa

Khu đô thị Văn Quán: "Biết thế từ đầu đã chẳng mua nhà ở đây"

Thứ Tư, 12/08/2020 - 13:20

Tại khu đô thị Văn Quán (Hà Đông), nhiều diện tích cây xanh cho cư dân địa phương đã bị chiếm dụng làm nhà hàng, bãi gửi xe... khiến người dân phải thốt rằng: "Biết thế từ đầu đã chẳng mua nhà ở đây"

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Công viên cây xanh hóa nhà hàng, bãi gửi xe

Theo người dân phản ánh, Lô đất cây xanh kí hiệu L3 thuộc KĐT Văn Quán, Hà Đông bỗng xuất hiện các nhà hàng, quán ăn khiến không gian thư giãn, thể thao của người dân bị thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, tình trạng này đã được phản ánh nhiều lần tới chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết khiến người dân vô cùng bức xúc.

Ông N.N.B - sinh sống tại KĐT Văn Quán chia sẻ: “Từ cuối 2019 đầu 2019, không hiểu sao khi lô L3 đang là công viên cây xanh tươi mát đang phát triển bình thường nhưng đột nhiên bị quây tôn kín xung quanh rồi chặt hạ hết khiến mọi người vô cùng bức xúc. Ngay khi phát hiện xe đất, cát, xi măng vào để san mặt bằng vườn hoa, người dân đã báo lên phường luôn nhưng phường trả lời là chủ đầu tư chưa bàn giao cho phường nên phường không giải quyết được”.

Khảo sát thực tế, khu đất L3 có diện tích khoảng 200m2 thì một nửa diện tích này đang hiện hữu quán phở bò Phi Hùng, một nhà hàng tên Ăn Vặt được dựng tạm bợ bằng tôn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Một nửa phần đất không được sử dụng để dựng quán cũng đã bị đổ bê tông, tạo thành một mặt bằng rộng khoảng 100m2.

Phần đất cây xanh nay lại trở thành quán Ăn Vặt

Diện tích cây xanh phía sau cũng đã biến thành sân bê tông.

Cách đó không xa, bên cạnh bãi tập kết VLXD Thúy Hiền thuộc HTX Yên Phúc là một bãi gửi xe ô tô lớn, kiêm nhà hàng ăn uống. Đáng nói là khu vực này cũng là đất cây xanh thuộc lô L2, L4 KĐT Văn Quán, giờ đây đã trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu vì chẳng còn ai đoái hoài. Bằng mắt thường có thể thấy rõ một dải chân tường gạch được xây đè lên cỏ, cắt ngang một phần khuôn viên cây xanh.

Bà T.T.X cho biết: “Trước người dân cũng hay ra đây tập thể dục với ngồi hóng mát, nhưng từ khi xuất hiện bãi gửi xe này và một số rác thải như cây gãy, đổ với chỗ gửi xe chăn thả gà, chó phóng uế bừa bãi bốc mùi hôi thối thì ít người lui tới hơn. Giờ vẫn có người quét dọn đấy, nhưng nhìn kiểu gì cũng không sạch được. Mà bức xúc nhất là khuôn viên cây xanh bị chiếm hết, biết thế từ đầu đã chẳng mua nhà ở đây.”

Có thể nói, tình trạng thiếu hụt các công trình công cộng, chỗ vui chơi cho trẻ em, người cao tuổi tại KĐT Văn Quán đang diễn ra một cách trầm trọng. 

Bên cạnh đó, vấn đề bến, bãi đỗ ô tô tại khu đô thị này cũng là yêu cầu cấp thiết, nhưng các bãi gửi xe được cấp phép hoạt động còn ít, diện tích cũng nhỏ dẫn đến việc xuất hiện hàng loạt các bãi xe trái phép mọc lên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường.

Bãi trông giữ xe tại L2, L4 KĐT Văn Quán

Không những thế, ngoài các bãi gửi xe này thì loạt các nhà, xưởng lớn hoạt động trái phép và bãi tập kết VLXD Thúy Hiền cũng khiến cư dân KĐT Văn Quán vô cùng bức xúc khi hằng ngày phải sống với tiếng ồn và đất cát rơi vãi.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương

Theo quy định pháp luật, những trường hợp không cần xin Giấy phép và cũng không cần thông báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm:

Công trình xây dựng trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ và những lĩnh vực khác theo quy định pháp luật mà phải bảo đảm bí mật theo yêu cầu của Nhà nước khi hoạt động đầu tư xây dựng; công trình được xây dựng có diện tích đất thuộc hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên theo yêu cầu xây dựng khẩn cấp.

Công trình xây dựng tạm thời để nhằm mục đích phục vụ thi công cho một công trình khác là công trình chính – công trình đã được cấp giấy phép xây dựng, có quy mô và công năng là yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư của dự án.

Công trình xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đáp ứng được tất cả những tiêu chí sau đây: nằm trong dự án phát triển đô thị hoặc nằm trong dự án phát triển nhà ở có quy mô theo quy định (nhà ở không quá 7 tầng, tổng diện tích sàn không được lớn hơn 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500).

Công trình chỉ tiến hành sửa chữa, cải tạo hoặc lắp đặt các thiết bị nằm trong công trình. Việc thay đổi những nội dung này không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, không làm biến đổi công dụng công trình, không làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và an toàn cho chính công trình đó. Tóm lại so với bản vẽ thiết kế cũ thì việc sửa chữa, thay đổi công trình không được làm thay đổi cơ bản kết cấu cũ của ngôi nhà.

Công trình chỉ tiến hành sửa chữa, cải tạo có làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài so với bản vẽ thiết kế công trình trước tuy nhiên bề mặt có thay đổi này không nằm tiếp giáp với đường trong đô thị mà ở khu vực đó có quy định cần phải quản lý kiến trúc.

Công trình xây dựng tại vùng nông thôn và phải là vùng chưa có quy hoạch để phát triển thành đô thị và đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt.

Nhà ở riêng lẻ của người dân tại nông thôn, trừ những nhà ở riêng lẻ nằm trên phần diện tích đất thuộc khu vực mà Nhà nước xác định hoặc có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa.

Nhà hàng kiếm bãi giữ xe tại KĐT Văn Quán không thuộc trường hợp xây dựng không cần Giấy phép

Có thể thấy rằng các công trình đang hiện hữu tại KĐT Văn Quán không thuộc danh mục những trường hợp không cần xin Giấy phép và cũng không cần thông báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mức xử lý đối với những hành vi xây dựng trái phép, sai phép này được căn cứ tại Khoản 3, 4, 5 Điều 53 Nghị định 139/2017/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị;

b) Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định;

c) Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

d) Sử dụng các công trình trong công viên không đúng mục đích;

đ) Làm hư hỏng các công trình văn hóa, dịch vụ, công trình công cộng trong công viên, vườn hoa;

e) Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;

g) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 2, điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 3 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 3 Điều này.

Lấn chiếm đất cây xanh khiến mất mỹ quan đô thị và lá phổi xanh của khu vực

Bên cạnh đó, Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm."

Điều 207 Luật Đất đai 2013 quy định về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:

"1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;"

Được biết, các diện tích đất bị vi phạm thuộc địa bàn quản lý của UBND phường Phúc Xá (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Để phán ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân khu vực, PV đã nhiều lần liên hệ UBND phường Phúc Xá nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền sở tại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top