Aa

Khu phố cổ Dadaocheng - bài học bảo tồn và quản lý di sản của Đài Loan

Thứ Năm, 06/07/2017 - 16:26

Dadaocheng là một trong những khu vực đô thị lâu đời nhất thành phố Đài Bắc với một lịch sử phát triển hơn 150 năm. Đài Bắc trở thành một thị trấn vào năm 1683 nhưng mãi cho tới năm 1709 mới thực sự bắt đầu phát triển và thu hút người nhập cư từ phía nam Đài Loan và từ Trung quốc lục địa.

Châu Á là một lục địa có lịch sử phát triển lâu đời với quỹ di sản di tích đô thị rất phong phú và giàu bản sắc. Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của những con rồng Châu Á và sự phát triển không gian vượt bậc ở nhiều thành phố, là nguy cơ và mối đe dọa về sự biến mất của các di sản, di tích cùng những giá trị thuộc về quá khứ. Bảo tồn di sản hiện nay đã được nhận thức như một quyết sách cho sự phát triển.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động còn là một câu chuyện khá dài. Với công tác bảo tồn, mỗi quốc gia, mỗi địa phương lại có những cách thức thúc đẩy và thực hiện khác nhau, tính hiệu quả ở mỗi nơi cũng rất khác nhau. Để có thể có cái nhìn rõ hơn về chủ đề này, bài viết này xin giới thiệu kinh nghiệm bảo tồn di sản của thành phố Đài Bắc, Thủ đô của Đài Loan, trong đó tập trung vào kinh nghiệm quản lý và bảo tồn khu phố cổ Dadaocheng.

Bài viết gồm ba phần chính: Phần thứ nhất giới thiệu về thành phố Đài Bắc và lịch sử hình thành phát triển khu vực Dadaocheng.

Phần thứ hai giới thiệu những kinh nghiệm cụ thể rất hiệu quả để thúc đẩy công tác bảo tồn và phục dựng di sản di tích ở Dadaocheng, nhờ đó ‘bảo tồn’ không chỉ là một khẩu hiệu mà đã thực sự đi vào cuộc sống, hồi sinh ‘vóc dáng’ và ‘sức sống’ của một khu vực lịch sử hơn 150 năm tuổi đúng như thờ vàng son của nó.

Phần cuối chia sẻ những suy ngẫm của tác giả về những gì được đọc, được nghe và được nhìn thấy trực tiếp ở Dadaocheng, về những khó khăn trong toàn bộ quá trình và những thành quả đạt được trong nỗ lực bảo tồn di sản ở Đài Loan, với rất nhiều những bài học thú vị và hữu ích có thể xem xét áp dụng cho công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam, đặc biệt là cho khu phố cổ Hà Nội.

"Khu vực đô thị lịch sử" Dadaocheng – từ hiện thực đến sự công nhận chính thức

Dadaocheng là một trong những khu vực đô thị lâu đời nhất thành phố Đài bắc với một lịch sử phát triển hơn 150 năm. Đài Bắc trở thành một thị trấn vào năm 1683 nhưng mãi cho tới năm 1709 mới thực sự bắt đầu phát triển và thu hút người nhập cư từ phía nam Đài Loan và từ Trung quốc lục địa.

Sự phát triển đầu tiên tập trung ở Manga, một tâm điểm giao thương bằng đường thủy nằm trên sông Tamsui, liên kết toàn bộ phía bắc Đài Loan. Năm 1853, do tranh chấp lãnh thổ nội bộ mà một số người đã phải rời khu vực Manga tới định cư ở Dadaocheng, cách Manga khoảng 1,5 km về phía bắc. ‘Dadaocheng’ - nghĩa là ‘cánh đồng rộng lớn’, nằm ở phía Tây của thành phố Đài Bắc hiện đại, và nằm sát sông Tamsui.

Năm 1858, Triều đại Nhà Thanh (Ching Dynasty) đã ký kết hiệp ước Thiên Tân (Tienjin) với các quốc gia Tây phương, trong đó có Anh Quốc, Pháp, Mỹ, Nga đồng ý mở thêm 5 thương cảng giữa Trung Quốc Đại lục, Đài Loan với phương Tây, thiết lập hệ thống thuế quan, thẩm quyền lãnh sự cũng như quyền truyền giáo.

Từ đó Manga trên dòng Tamsui của Đài Bắc đã trở thành một phần của mạng lưới thương mại thế giới. Tuy nhiên, do khu vực Manga dần dần trở nên khó hoạt động vì hiện tượng bồi lắng tự nhiên, nên vai trò thương cảng quốc tế được chuyển tới Dadaocheng vào năm 1862, và ngay sau đó, Dadacheng trở thành một khu vực giao thương tập nập thu hút rất đông thương gia trong nước và quốc tế, chủ yếu là bán buôn trà và các mặt hàng khác.

Dadaocheng nhanh chóng trở thành đô thị lớn thứ hai của Đài Loan. Đến năm 1885, Nhà Thanh chính thức tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, và bổ nhiệm thống đốc đầu tiên, người đã cống hiến nhiều tâm sức để hiện đại hóa Dadaocheng với những công trình như đường tàu hỏa, khu ở cho người nước ngoài, bưu điện, trường học, cục hải quan.

Trà vẫn là thương phẩm chính của Dadaocheng cũng những mặt hàng đồ khô khác như thuốc bắc, vải lụa, long não. Dadaocheng trở thành trung tâm giao thương quan trọng nhất. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi và nổi bật nhất Đài Loan đã khởi nghiệp từ Dadaocheng và đến nay vẫn còn nhà và cửa hiệu ở khu vực này.

Từ thế kỷ 19 cho tới nay, trong suốt thời kỳ Nhật thuộc (1895 – 1945) Dadaocheng vẫn là thương cảng sầm uất nhất Đài Loan, nơi tụ hội và lập nghiệp của nhiều thương gia giàu có. Rất nhiều thương gia đã sao chép những chi tiết kiến trúc từ Nhật bản và Châu Âu cho ngôi nhà phố kết hợp của hàng của mình.

Thời kỳ hậu chiến (sau 1945), Đài Bắc bước vào giai đoạn gia tăng dân số chóng mặt và thành phố được mở rộng mạnh mẽ ra các phía, xuất hiện những trung tâm đô thị mới nằm bên ngoài đô thị lõi. Dadaocheng lúc này, dù vẫn là khu vực thương mại bán buôn trà, đồ khô và thuốc bắc, nhưng không còn là trung tâm chính của thành phố nữa.

ị trí của Dadaocheng trong lịch sử hình thành và phát triển thành phố Đài Bắc

Vị trí của Dadaocheng trong lịch sử hình thành và phát triển thành phố Đài Bắc

Với hơn 150 năm lịch sử, Dadaocheng tập trung một số lượng lớn các công trình kiến trúc cổ và đa dạng, gồm nhà phố dạng ống, văn phòng và các công trình tín ngưỡng. Nhà phố truyền thống ở Dadaocheng có nhiều điểm tương đồng với nhà ống ở Khu Phố cổ Hà Nội: nhà thường cũng có hình ống với mặt tiền ngắn hơn hẳn chiều dài thửa đất; nhà cũng thường gồm 3 lớp nhà với 2 đến 3 sân trong.

Lớp trước thường là của hàng và nơi tiếp khách, có gác lửng để cất đồ đạc hàng hóa khi có lụt lội; lớp thứ hai là không gian ở chính của chủ nhà và lớp nhà sau cùng thường là bến, ăn và kho chứa đồ.

Tuy nhiên, nhà ống ở Dadaocheng thường rộng dài, đường bệ hơn nhà ống ở Khu phố cổ Hà Nội, và điểm khác nhau lớn nhất là có hai lối tiếp cận. Một thửa đất của nhà ống Dadaocheng có đường lớn phía trước và đường phụ phía sau nên về mặt sử dụng thì thông thoáng và tiện lợi hơn.

Thông qua mô típ kiến trúc đặc trưng cho mỗi thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể đọc được câu chuyện lịch sử Đài Bắc khi quan sát cảnh quan phố xá. Cơ bản có các phong cách chính như sau: Min-nan, Phương Tây (Western), Barốc (Baroque), và Hiện đại (Modernism).

Cấu trúc điển hình nhà hàng phố truyền thống ở Dadaocheng: nhà dạng ống, với 3 lớp nhà, 2 sân trong và 2 hướng tiếp cận trước sau.
Cấu trúc điển hình nhà hàng phố truyền thống ở Dadaocheng: nhà dạng ống, với 3 lớp nhà, 2 sân trong và 2 hướng tiếp cận trước sau.

Cấu trúc điển hình nhà hàng phố truyền thống ở Dadaocheng: nhà dạng ống, với 3 lớp nhà, 2 sân trong và 2 hướng tiếp cận trước sau.

Cho đến những năm 1980, Chính quyền thành phố Đài Bắc dự kiến thực hiện một cuộc đổi mới về quy hoạch đô thị, trong đó phố Dihua – tuyến phố chính của khu vực Dadaocheng sẽ được mở rộng từ 7,8m thành 20m. Kế hoạch đền bù đã bắt đầu được áp dụng từ năm 1987 và ngay sau đó trong khu vực đô thị lịch sử này đã xuất hiện khá nhiều các công trình hiện đại, cao tầng, thậm chí có công trình còn được xây ngay bên cạnh một ngôi đền cổ.

Nhận thức được nguy cơ phá hủy một khu vực đô thị lịch sử lâu đời của Đài Bắc, đã có nhiều ý kiến phản đối kế hoạch mở đường, đặc biệt phải kể đến vai trò đấu tranh, vận động của một tổ chức Phi chính phủ có tên là Quỹ Văn hóa Yaoshan.

 Kế hoạch mở rộng phố cổ DiHua thuộc Dadaocheng từ 7,8m lên 20m.

Kế hoạch mở rộng phố cổ DiHua thuộc Dadaocheng từ 7,8m lên 20m.

Ở Đài Loan, Luật Di sản văn hóa ra đời khá muộn vào năm 1982. Thời kỳ đầu, ở Đài Loan cũng rất thiếu các cơ quan chuyên môn để tiến hành nghiên cứu và đào tạo bài bản về lĩnh vực này, vì vậy, những hoạt động bảo tồn đầu tiên được khởi xướng bởi các nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật hay các kiến trúc sư quan tâm đến những công trình cổ, cũ. Mọi thứ đều là những thử nghiệm ban đầu.

Cuối những năm 1990, chính quyền Trung ương Đài Loan chuyển giao trách nhiệm đánh giá và xác định di sản cho các chính quyền địa phương, và chính quyền Đài Bắc – thành phố Thủ đô, lần đầu tiên đã thành lập Cục phát triển đô thị và văn hóa, nơi công tác của nhiều trí thức trẻ đi du học từ nhiều nơi trên thế giới. Một làn sóng mới cho phong trào bảo tồn đô thị lịch sử và cải tạo đô thị đã bắt đầu.

Vào ngày 1/2/2000, chính quyền thành phố Đài Bắc đã phê chuẩn ‘Điều lệ Quy hoạch Đô thị’, trong đó, lần đầu tiên Dadaocheng được chính thức xác định là ‘khu vực đô thị lịch sử đặc biệt’, và được bảo vệ bằng các cở sở pháp lý rõ rệt.

Chỉ một bước tiến nhỏ như vậy thôi trong quá trình chuyển từ nhận thức về bảo tồn sang hành động bảo tồn đối với trường hợp Dadaocheng đã mất 14 năm, đi qua đã tới 4 kỳ Thị trưởng và trong suốt thời gian đó Quỹ Văn hóa Yaosan đã vận động và đấu tranh không hề mệt mỏi và ngừng nghỉ.

Điều lệ Quy hoạch Đô thị Đài Bắc cũng quy định Khu đô thị lịch sử đặc biệt Dadaocheng được quản lý dưới Sở Quy hoạch đô thị Đài Bắc (Taipei Department of Urban Planning) và được bảo tồn thông qua các nội dung chính như sau:

1. Bảo tồn cảnh quan đường phố lịch sử bằng quy chế thiết kế đô thị
2. Lập danh mục bảo vệ và khôi phục nhà và công trình cổ
3. Cải thiện giao thông
4. Cải thiện môi trường
5. Ngăn ngừa thảm họa
6. Kế hoạch tái thiết hoạt động kinh doanh và xã hội
7. Tổ chức các workshop cộng đồng
8. Quản lý sử dụng đất bằng công cụ ‘zonning’
9. Nhượng quyền phát triển

Trong 9 mục trên, mục 1 và 2 tập trung vào việc bảo tồn vỏ không gian kiến trúc cảnh quan lịch sử của toàn khu vực và của các ngôi nhà cụ thể. Mục 3, 4, 5 tập trung vào các giải pháp cải thiện hạ tầng và môi trường đô thị. Mục 6, 7 tập trung vào các giải pháp kinh tế xã hội nhằm phát triển tinh thần cộng đồng và thúc đẩy kinh tế khu vực.

Cuối cùng, hai mục 8 và 9 là những nội dung liên quan đến quy hoạch đô thị và có tác dụng điều tiết (thông qua quy hoạch) ở cả cấp độ vi mô lẫn vĩ mô, có tác động to lớn như một ‘bàn đạp’ thúc đẩy toàn bộ guồng máy bảo tồn. Hai mục cuối này sẽ được giải thích và phân tích kỹ hơn ở ngay phần sau.

(Còn nữa)

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - Viện Kiến trúc Quốc gia

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top