Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra nhiều sự cố cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và của, nhưng hiện nay, ở nhiều khu tập thể, hệ thống PCCC vẫn không được đảm bảo, thậm chí không có. Bên cạnh đó, ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình trước việc “bà hoả” ghé thăm của người dân cũng chưa được nâng cao.
Khu tập thể Khương Thượng, cũng như những khu tập thể khác, một thời là biểu trưng cho bộ mặt và nếp sống hiện đại đầy tự hào của Hà Nội. Theo tìm hiểu của PV Reatimes, thực tế đang diễn ra ở đây cho thấy nguy cơ cháy nổ cao, cũng như các biện pháp để xử lý khi có sự cố xảy ra, hoàn toàn là không có.
Đây được đánh giá là một trong những khu tập thể đông đúc, nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội. Bởi ở đây không chỉ có người dân sinh sống mà còn hội tụ đủ các loại hình kinh doanh như thời trang, quán cà phê, đồ ăn,… Liệu những toà nhà cũ kỹ, xuống cấp lại được vận hành hết “công suất” như thế này có tiềm tàng những nguy cơ cháy nổ? Và nếu sự cố xảy ra thì người dân sẽ phải ứng phó như thế nào khi không có hệ thống PCCC?
Khu tập thể Văn Chương gồm các dãy nhà 2 tầng và 5 tầng lợp mái ngói được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, tại đây có khoảng 4 ngàn nhân khẩu.
Do diện tích chật hẹp, nhân khẩu mỗi ngày một tăng, nhiều hộ gia đình phải cơi nới thêm không gian để phục vụ cuộc sống nên hiện nay, hầu hết các khu nhà đều đã xuống cấp trầm trọng, chưa kể khá nguy hiểm. Điều đáng nói hơn, chính là việc dù cư dân đông đúc, ở đây vẫn không được trang bị hệ thống PCCC.
Bên cạnh đó, mặc dù sinh sống trong những khu tập thể đã cũ, không có biện pháp bảo vệ, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nhưng nhiều hộ dân tại khu tập thể Văn Chương vẫn còn rất chủ quan đối với việc xử lý các tình huống khi sự cố cháy nổ xảy ra. Ông N.V. Chung cho biết: “Bao nhiêu năm rồi tôi thấy cũng không sao”.
Trái lại với ý kiến của ông Chung, bà Hương, cũng là cư dân ở đây bày tỏ quan ngại: “Tôi rất lo lắng vì không có hệ thống PCCC. Nếu sự cố xảy ra tại đây bà con chúng tôi không biết làm thế nào”.
Khu tập thể Trung Tự cũng không thoát khỏi cảnh nguy hiểm luôn thường trực bởi ở đây có tìm “mỏi mắt”, cũng chẳng thể thấy các thiết bị PCCC.
Ngoài ra, phần lớn các căn hộ từ tầng 2 trở lên tại các tòa nhà của khu tập thể đều diễn ra tình trạng chủ hộ làm các “chuồng cọp” để mở rộng diện tích sử dụng và chống trộm. Nếu có sự cố hoả hoạn xảy ra, những chiếc lồng sắt này sẽ gây cản trở việc tháo chạy của người dân. Bên cạnh đó, lực lượng PCCC sẽ rất khó có thể tiếp cận cứu người khi cửa sổ, ban công đã bị bịt kín, chỉ còn một lối thoát hiểm duy nhất bằng cầu thang bộ.
Nhưng theo quan sát của PV, kết cấu cầu thang của các tòa nhà tại khu tập thể rất nhỏ hẹp, chỉ có chiều rộng khoảng 1m2. Trong trường hợp khẩn cấp, sẽ rất khó khăn để cho tất cả mọi người trong tòa nhà cùng thoát nạn.
Bên cạnh tình trạng một số người dân tỏ vẻ “thờ ơ”, không quan trọng việc có hệ thống PCCC hay không, thì đa số mọi người đều rất lo lắng, bất an. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều khu tập thể không có hệ thống PCCC khiến tính mạng người dân bị đe doạ nhưng chính quyền chưa có phương án giải quyết.
TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Chính quyền sở tại và các Phòng cảnh sát PCCC nên lập hồ sơ theo dõi và xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác PCCC với các hộ gia đình. Bên cạnh đó, cũng phải thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kiến thức, cũng như kỹ năng thực hành PCCC cho người dân."
Việc nâng cao ý thức, cũng như kỹ năng PCCC cho các hộ dân là việc vô cùng cần thiết. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không nên để “nước đến chân rồi mới nhảy”.