Để đầu tư cho một công trình đáp ứng các tiêu chuẩn LEED khá tốn kém như áp dụng hệ thống nhà thép tiền chế sử dụng thép từ những nguồn tái chế; mái nhà làm bằng vật liệu phản xạ mặt trời, có thể giảm 15% mức tiêu thụ làm mát hàng năm. Bên cạnh đó, nhà máy còn xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt và thu gom nước mưa thành nước sinh hoạt, tưới tiêu. Hệ thống năng lượng mặt trời, gió được lắp đặt để tái tạo nguồn điện, giảm tối đa chi phí và bảo vệ môi trường…
LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) là chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ ra đời năm 1995 tại Mỹ. Đây là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong về vấn đề xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người.
Để nhận được chứng nhận LEED, các công trình xây dựng cần tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng và tạo ra một môi trường xanh như tăng hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải, nâng cao chất lượng môi trường sống, tăng khả năng thích ứng của công trình với sự thay đổi của môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo một cách tối ưu. Ngoài ra, để đạt được chứng chỉ với các cấp độ khác nhau như chứng chỉ Silver (Bạc), Gold (Vàng) hay Platinum (Bạch Kim), các dự án công trình cần tích lũy thêm nhiều điểm tương ứng với các tiêu chí của hệ thống đánh giá LEED mà các đơn vị đã chọn cho công trình của mình.
Hiện thế giới có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh, như LEED, EDGE, Green Mark…, nhưng LEED của USGBC được xem là hệ thống tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh uy tín và được nhiều quốc gia áp dụng phổ biến nhất.
Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (US Green Building Council - USGBC) vào tháng 9/2017, đã chính thức trao 2 chứng nhận công trình xanh cho ATAD Đồng Nai, gồm: Chứng nhận nhà máy đạt chuẩn LEED Gold và chứng nhận khu văn phòng đạt chuẩn LEED PLATINUM. Như vậy, ATAD là doanh nghiệp đầu tiên tại châu Á có công trình nhà máy kết cấu thép đạt chuẩn LEED Gold, và cũng là công ty đầu tiên tại Việt Nam có văn phòng nhà máy được chứng nhận LEED PLATINUM, cấp độ cao nhất của chuẩn LEED.
Khác biệt của nhà máy đạt chuẩn LEED không phải là thiết kế kiến trúc, mà là thiết kế đạt các tiêu chuẩn về kỹ thuật: an toàn, sử dụng nước và điện hiệu quả, năng lượng tái tạo, cảnh quan xanh, tỉ lệ không gian xanh. Tương tự, vận hành 1 nhà máy LEED đòi hỏi nhiều nỗ lực để duy trì các tiêu chuẩn “xanh”, như: kiểm soát chất lượng không khí, năng lượng hoạt động của nhà máy, đảm bảo không gian xanh được duy trì và phát triển, cũng như ứng dụng thêm các công nghệ xanh mới.
Mặc dù trở ngại lớn nhất là sự hiểu biết và kinh nghiệm khá hạn chế của người Việt về xây dựng nhà máy LEED, nhưng ATAD Đồng Nai là nhà máy được thiết kế, thi công và tư vấn công trình LEED bởi người Việt Nam. Đây là nhà máy LEED đầu tiên ở châu Á được xây dựng và đầu tư hoàn toàn bằng nguồn lực 100% Việt Nam.
Việt Nam đang hội nhập rất nhanh. Người Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều đến môi trường, an toàn, sức khỏe. Nhà máy LEED không chỉ giúp cải thiện môi trường làm việc của nhân viên mà còn truyền cảm hứng cho nhân viên có hành xử thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Trong thời gian tới, xu hướng LEED sẽ tạo nên làn sóng thiết kế, xây dựng các công trình thân thiện môi trường tại Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghiệp xây dựng và ngành hàng tiêu dùng. Bởi các công ty nước ngoài ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn về “tiêu chuẩn xanh” với các đối tác xây dựng.
Được biết, ATAD cũng vừa chính thức khánh thành nhà máy kết cấu thép thứ 2 - ATAD Đồng Nai tại KCN Long Khánh, Đồng Nai. Với tổng diện tích 8 héc ta, công suất 8.500 tấn mỗi tháng, đây là nhà máy hiện đại và lớn nhất trong ngành kết cấu thép tại Việt Nam.