Ẩn mình giữa lòng TP. HCM sôi động, khu vực đường Bàn Cờ thuộc quận 3 có một vị thế rất riêng. Đây là nơi duy nhất tại thành phố được quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ, một mô hình đô thị vuông vức, gọn gàng với các con đường cắt nhau vuông góc. Dù không rực rỡ ánh đèn như trung tâm quận 1, Bàn Cờ lại mang dáng dấp một đô thị cổ kính, trật tự, và không kém phần sôi động – nơi người dân sinh sống ken dày, bất động sản luôn giữ mức giá cao, thậm chí vượt mặt nhiều khu vực trung tâm.
Vào năm 1910, thành phố khi ấy được mở rộng về phía Tây. Khu đất phía trong đường Nguyễn Thiện Thuật được quy hoạch, xẻ ngang, vạch dọc như ô bàn cờ để phân cho người dân xây nhà. Vì vậy, người dân đặt đây là khu Bàn Cờ. Con đường chính băng qua khu này được gọi là đường Bàn Cờ.
Hiện tại, toàn bộ khu vực này trải rộng chưa đến 1km2, song lại đang “gánh” một mật độ dân cư lên tới gần 70.000 người – gấp khoảng 3 lần so với quận 1. Những con hẻm len lỏi như mạng lưới dày đặc, các mặt bằng thương mại, nhà ở, cửa hàng kinh doanh san sát, tạo nên một bức tranh nhộn nhịp, không bao giờ ngơi nghỉ. Đó không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi mưu sinh của hàng chục nghìn con người trong nhiều thế hệ.

Bàn Cờ nhìn từ trên cao
Lý do khiến giá nhà đất ở Bàn Cờ luôn duy trì ở mức cao ngất không chỉ đến từ vị trí trung tâm hay hạ tầng giao thông đã được đầu tư bài bản từ rất sớm. Điều đặc biệt nằm ở yếu tố "hiếm có khó tìm" – chính là quy hoạch dạng ô bàn cờ đã mang đến khả năng kết nối thông suốt, dễ tiếp cận và tiện lợi cho cư dân cũng như các nhà đầu tư.
Không nhiều khu vực tại TP. HCM có được sự quy củ như vậy. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh và manh mún, quy hoạch vuông vức, rõ ràng của Bàn Cờ trở thành tài sản vô hình, góp phần gia tăng giá trị bất động sản một cách bền vững.

Khu chợ Bàn Cờ. Ảnh: Internet
Giá đất trung bình tại khu vực này đang dao động quanh mức 200 triệu đồng/m2, có nơi chạm ngưỡng 250 triệu đồng/m2. Giá này được nhận định tăng khoảng 3,5% trong vòng 2 năm qua.
Trong khi các khu chung cư cao cấp ở quận 1, quận 2 đòi hỏi mức đầu tư lớn với thủ tục phức tạp, nhiều người lại chọn khu nhà phố tại Bàn Cờ vì tính tiện dụng, dễ mua bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng. Sự khan hiếm quỹ đất, cùng với đặc tính đa năng trong khai thác, khiến nơi đây trở thành “món hàng” luôn có người săn đón, kể cả trong thời kỳ thị trường trầm lắng.

Nguồn: Batdongsan.com
Ngoài giá trị bất động sản, Bàn Cờ còn mang trong mình chiều sâu lịch sử đô thị Sài Gòn. Đây từng là một phần của quy hoạch thời Pháp, với hệ thống đường thẳng tắp, chia ô rõ ràng. Trải qua thời gian, khu vực này gần như không bị xóa nhòa mà vẫn giữ nguyên hình thái ban đầu – một minh chứng cho tầm nhìn quy hoạch bài bản hiếm có từ hơn trăm năm trước.
Hạ tầng đồng bộ, tiện ích đầy đủ, từ bệnh viện, trường học, chợ, đến mạng lưới giao thông công cộng, khiến Bàn Cờ không chỉ là nơi “đáng sống” mà còn là nơi “đáng đầu tư”. Không quá phô trương, không đòi hỏi sự hào nhoáng, khu vực này phát triển theo cách riêng – âm thầm nhưng bền vững. Chính điều đó đã tạo nên một sức hút khó cưỡng, đủ khiến những ai từng đặt chân tới đây đều phải nhìn nhận lại khái niệm “vàng” trong bất động sản TP. HCM