Aa

Khủng hoảng niềm tin: BIDV là giọt nước tràn ly

Thứ Bảy, 12/08/2017 - 06:01

Thị trường chứng khoán “tối sầm” từ phiên giao dịch ngày 9/8, trùng đúng ngày có tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà – cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV. Dù không phải chỉ riêng BIDV là “tội đồ” nhưng đến thời điểm này, nhà đầu tư có lẽ quá sức chịu đựng trước thông tin mập mờ diễn ra trên thị trường tài chính và chứng khoán thời gian qua.

Một trong những nguyên nhân kéo sập thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch sáng cuối tuần (11/8) tiếp tục diễn biến khá xấu, số mã giảm trên cả hai sàn vẫn chiếm áp đảo. Nhóm cổ phiếu trụ cột cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại. Riêng cổ phiếu tâm điểm giữa những ngày qua - BIDV - vẫn tiếp đà giảm xuống áp sát 20.000 đồng/CP.

Chỉ vài ngày trước đó, dựa vào diễn biến tốt nửa đầu năm 2017, giới kinh tế đã dành nhiều kỳ vọng cho thị trường 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục có những diễn biến tích cực, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dù trải qua nhiều lần tăng giảm, nhưng từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là một trong các động lực chính đóng góp vào sự tăng điểm của chỉ số. Cổ phiếu nhiều ngân hàng đã tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm. Như BID, với mức giá 20.400 đồng/cp hiện tại, giá cổ phiếu này cũng đã tăng 38,9%. Tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm là lực đẩy chính hỗ trợ kết quả kinh doanh của ngành này.

Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định nhóm cổ phiếu này vẫn còn nhiều thông tin hỗ trợ tích cực như kỳ vọng xử lý nợ xấu khi Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8; Kế hoạch bán vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước; Kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn để nâng hệ số CAR thậm chí cả sự xuất hiện của những tân binh mới. 

Sau nhiều nỗ lực tiền gần sát mốc 800 điểm, phiên giao dịch ngày 9/8/2017,VN-Index đã ngược dòng giảm mạnh 17,91 điểm (-2,31%) xuống còn 773,66 điểm, về mức điểm hồi cuối tháng 7/2017. Toàn sàn có 77 mã tăng, 189 mã giảm và 58 mã đứng giá. Trên Sở GDCK Hà Nội, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 134 mã giảm, 71 mã tăng và 150 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,22 điểm (-1,19%) xuống 101,07 điểm.

Theo một nguồn thống kê cho thấy, 4/10 cổ phiếu "góp sức" nhiều nhất vào mức giảm của VN-Index là cổ phiếu ngân hàng. Chỉ riêng cổ phiếu BID đã "cuốn bay" của thị trường 7.521 tỷ đồng. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng đi xuống, cổ phiếu CTG của Vietinbank giảm 4,33% xuống còn 18.800 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của ngân hàng này "bốc hơi" 3.165 tỷ đồng trong phiên. Vốn hóa Vietcombank cũng giảm tới 2.158 tỷ đồng. 

Việc thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên vừa qua có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ những tin đồn liên quan tới ông Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch BIDV. Mặc dù đã có những thông tin bác bỏ về đồn đoán xoay quanh cựu chủ tịch BIDV nhưng cổ phiếu BID vẫn bị bán mạnh và giảm sàn xuống 20.400 đồng trong tình trạng “trắng bên mua”.

Tuy nhiên, TTCK giảm mạnh còn do chịu chịu ảnh hưởng từ căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như những vấn đề chênh lệch đang ở mức cao, TTCK phái sinh chuẩn bị đi vào vận hành, hiệu ứng kết quả kinh doanh quý II “nguội dần” cũng như sự thận trọng của giới đầu tư khi tháng 7 âm lịch đang cận kề.

Nhà đầu tư bắt đầu mất niềm tin

Tin đồn thường tác động không tốt đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, qua nhiều kinh nghiệm “chinh chiến”, các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường đã “bản lĩnh hơn” trước dư luận.

Câu hỏi đặt ra rằng, "Vì sao lần này, xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt thị trường lại chao đảo?". Phải chăng vì nhà đầu tư đã bắt đầu thất vọng với sự minh bạch và bắt đầu biểu hiện mất niềm tin với thị trường tài chính và chứng khoán, với doanh nghiệp, ngân hàng? 

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), tính từ năm 2014 tới nay có tới 19 phiên thị trường biến động giảm nhiều hơn 2%, tức trung bình khoảng 2 tháng lại có một phiên như vậy. Tuy nhiên, mức giảm của VnIndex trong phiên 9/8/2017 dù rất mạnh nhưng tác động của nó khó có thể xếp chung vào nhóm những sự kiện đã đi vào lịch sử thị trường như “giàn khoan biển Đông” (2014) hay “thay đổi tỷ giá” (2015). VDSC nhận định những tin đồn vừa qua chỉ là cái cớ để VnIndex giảm mạnh, khi đây vốn là các câu chuyện trong quá khứ và không ảnh hưởng đến nội tại của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, việc dòng tiền có dấu hiệu bị rút bớt ra trong tháng vừa qua và thiếu các thông tin hỗ trợ mới là lực cản chính với việc chỉ số chinh phục và duy trì trên mức 800 điểm.

Tuy có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan kéo tụt thị trường sau nửa năm nỗ lực tăng điểm. Nhưng khó có thể phủ nhận rằng, ảnh hưởng chính từ thông tin ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch BIDV bị bắt. Đây không phải lần đầu tiên có tin đồn xấu liên quan đến cá nhân ông Trần Bắc Hà. Năm 2013, thị trường chứng khoán cũng từng chao đảo khi có tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt vì liên quan đến khoản cho Southern Bank vay 5.000 tỷ đồng, TTCK Việt Nam khi đó cũng bị thổi bay khoảng 1,5 tỷ USD.

Hiện tại, tin đồn này tác động mạnh đến giới đầu tư khi liên tiếp trước đó họ phải chứng kiến nhiều tin đồn và thông tin thiếu minh bạch của các lãnh đạo ngân hàng. Đặc biệt, tin đồn ông Hà bị bắt nghi ngại liên quan đến đại án ngân hàng do ông Trầm Bê, Phạm Công Danh gây sai phạm, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng theo thông tin trước đó. Vụ án cũng không chỉ dừng lại tại Ngân hàng xây dựng mà còn liên đới đến hàng loạt sai phạm tại Sacombank, TPBank và BIDV.

Trước hoang mang của nhà đầu tư trên thị trường, tại Lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh ngày 10/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là chăm lo để phát triển thị trường vốn và thị trường chứng khoán trở thành công cụ hết sức quan trọng trong huy động vốn trong phát triển, đặc biệt là vốn trung và dài hạn.

Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các nhà đầu tư hãy bình tĩnh, luôn luôn yên tâm, luôn luôn tin tưởng vào sự công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ của Chính phủ, của UBCK, của Bộ Tài chính, các cơ quan bộ ngành có liên quan.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top