Aa

Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025?

Thứ Tư, 20/01/2021 - 17:00

Sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, 2021 - 2025.

Kinh tế Việt Nam cần bứt tốc và phục hồi trong năm 2021

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025: Phục hồi và tăng tốc” diễn ra ngày 20/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho rằng, kinh tế Việt Nam và toàn cầu trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm năm 2020 và cho đến nay, nhiều nước vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh.

“Có thể nói đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009, trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc”, ông Phương nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 giảm còn 2,91% so với con số 6,5 - 7% được dự báo trước đại dịch. Mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 không hoàn thành.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Những ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại. Hai đợt khảo sát diện rộng của Tổng cục Thống kê với trên 130.000 doanh nghiệp (tháng 4 và tháng 9/2020) đều cho thấy, trên 83% số doanh nghiệp khẳng định chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, các cá nhân, hộ gia đình, nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương đang chịu nhiều tác động từ dịch bệnh Covid-19 mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã được cung cấp từ rất sớm.

Đánh giá về kịch bản cho nền kinh tế trong giai đoạn tới, ông Phương cho rằng, sự xuất hiện của Covid-19 trong năm 2020 mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, 2021 - 2025. Nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

“Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định, những thành công của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là việc hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa tăng trưởng kinh tế là nhờ vào sự lãnh đạo nhanh nhạy, tiên đoán của Chính phủ, đồng thời là sức mạnh huy động nỗ lực và tinh thần đổi mới của người dân cũng như quyết tâm tập trung vào phát triển, lấy con người làm trung tâm.

2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, quá trình phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 trên toàn cầu đặt sự phát triển của Việt Nam vào trong bối cảnh có nhiều thách thức lớn, với những biến động, không chắc chắn và phức tạp.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại.

TS. Đặng Đức Anh cũng đưa ra 2 kịch bản chính cho tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể, ở kịch bản cơ sở, nếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục và đại dịch Covid-19 dần được khống chế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17% và CPI trung bình khoảng 3,8%. Các hoạt động sản xuất trong nước sẽ dần hồi phục, đầu tư khu vực Nhà nước tăng trưởng ở mức 7%; đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp và giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Toàn cảnh hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025: Phục hồi và tăng tốc"

Một kịch bản lạc quan hơn được đưa ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Lúc ấy, tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt 6,72% và CPI trung bình khoảng 4,2%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm nay.

Việt Nam sẽ tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực Nhà nước có thể đạt 8% và các yếu tố khác sẽ duy trì, thậm chí tăng trưởng theo chiều hướng tích cực.

Liên quan đến giải pháp phục hồi nền kinh tế sau Covid-19, bà Caitlin Wiesen đã đề xuất 4 hành động chính để kinh tế Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ. Các đề xuất bao gồm:

Thứ nhất, đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất (và thu nhập).

Thứ hai, hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế (sản xuất và tiêu dùng) theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng.

Thứ ba, phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ tư, tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị ba AAA (Dự đoán, Thích ứng và Nhanh nhạy), tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của và do người dân và các tổ chức ở Việt Nam .

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top