Aa

Kích hoạt gói hỗ trợ thứ hai: Mở rộng đối tượng, đơn giản hóa điều kiện

Chủ Nhật, 25/10/2020 - 11:00

Chính phủ đã khởi động gói hỗ trợ thứ 2 nhằm giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng và đơn giản hóa điều kiện được nhận hỗ trợ.

Điều kiện vay đơn giản hơn

Theo Quyết định 32/2020/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động chỉ cần bảo đảm điều kiện là có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên từ ngày 1/4/2020, đến hết ngày 31/12/2020; doanh nghiệp có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019, hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hỗ trợ.

Như vậy, so với quy định tại Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, điều kiện để doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 được vay vốn với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động đơn giản hơn rất nhiều. Chính những quy định ngặt nghèo của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg khiến gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trị giá 62.000 tỷ đồng có hiệu quả rất thấp, đặc biệt chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.

Đánh giá cao các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, chỉ có khoảng 179.250 doanh nghiệp được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trị giá 53.645 tỷ đồng, thay vì trên 600.000 doanh nghiệp với số tiền gia hạn dự tính ban đầu là 182.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội cũng mới chỉ giải ngân được khoảng 12.900 tỷ đồng và chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào được vay vốn để trả lương cho người lao động.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để đối phó với Covid-19, tất cả các nước trên thế giới đều tung ra các gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ để cứu vớt doanh nghiệp và người dân với quy mô rất lớn. “Gói hỗ trợ của các nước phát triển tương đương 15 - 20% GDP; các nền kinh tế mới nổi ít hơn, nhưng cũng tương đương 12% GDP. Còn khu vực ASEAN, gói hỗ trợ cả tài khóa lẫn tiền tệ mà chính phủ các nước tung ra để giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vào khoảng 5 - 7% GDP. Tại Việt Nam, nếu cộng dồn lại thì cũng lớn, nhưng thực ra chỉ vào khoảng 3% GDP”, ông Lực tính toán.

Theo các chuyên gia, không nên hỗ trợ tràn lan, cào bằng, mà chỉ tập trung cho doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh qua đi.

Theo ông Lực, gói hỗ trợ chưa hiệu quả vì rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không có doanh thu, cũng không được thuê đất của Nhà nước nên không phải nộp thuế và tiền thuê đất, vì thế gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất không có ý nghĩa. Nhiều doanh nghiệp có lãi, có doanh thu, nhưng đã nộp thuế trong quý I, nên việc gia hạn cũng không còn nhiều ý nghĩa.

“Để được nhận hỗ trợ, doanh nghiệp và người dân phải thực hiện rất nhiều thủ tục, chưa kể một số điều kiện để được nhận hỗ trợ không sát với thực tế, nên gói hỗ trợ lần thứ nhất đạt hiệu quả rất thấp”, ông Lực bình luận.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng tồn tại

TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, nếu có nhanh thì phải sang năm 2022, kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng mới có thể bước vào giai đoạn phục hồi. 

“Bên cạnh việc chưa có vắc-xin chữa trị Covid-19, thì kinh tế thế giới hiện nay rất khó lường, rất bất định vì cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ với Trung Quốc, giữa EU với Trung Quốc. Vì thế, mặc dù năm nay kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2 - 3%, năm 2022 có thể tăng trưởng 6 - 8%, thì chúng ta cũng đừng quá mơ mộng, nên việc Chính phủ tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ lần thứ hai là cần thiết”, ông Thành phát biểu.

Theo các chuyên gia, không nên hỗ trợ tràn lan, cào bằng, mà chỉ tập trung cho doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Nếu hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động, thì họ cũng không vượt qua được khó khăn, gây lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ phải cam kết không sa thải lao động, nếu có cũng khống chế tỷ lệ sa thải lao động, nếu không thì gói hỗ trợ không đến được với người lao động.

Cũng theo ông Thành, thực ra thì ngân sách nhà nước năm 2020 hầu như chưa bỏ ra đồng nào để thực hiện gói hỗ trợ lần 1, mặc dù trên thực tế gói này ước vào khoảng 3 - 3,5% GDP. Vì năm 2019, ngân sách nhà nước vượt thu 10% (139.770 tỷ đồng), cộng với số tiền tiết kiệm chi thường xuyên 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiết kiệm từ việc đi công tác nước ngoài, lễ tân, khánh tiết, lễ kỷ niệm… năm nay cũng được một gói nữa. 

Toàn bộ số tiền này được sử dụng cho việc chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nên tính ra ngân sách nhà nước năm 2020 chưa chi bao nhiêu cho gói hỗ trợ lần 1. Còn tiền gia hạn, giãn nợ tiền thuê đất, tiền thuế, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng không được tính vào gói hỗ trợ vì hết thời gian gia hạn, giãn nợ, doanh nghiệp, người dân vẫn phải trả.

Vì vậy, theo ông Thành, cần phải sớm đưa ra gói hỗ trợ thứ 2, bên cạnh tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lần 1 như việc mở rộng đối tượng, giảm điều kiện, thủ tục hỗ trợ an sinh xã hội theo Quyết định 32/2020/QĐ-TTg.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, từ kinh nghiệm của gói hỗ trợ lần 1, gói hỗ trợ lần 2 phải thiết kế để tập trung 3 mũi giáp công.

Thứ nhất, phải tức thời, thực hiện càng sớm càng tốt vì giải cứu doanh nghiệp là mục tiêu đầu tiên.

Thứ hai, phải giúp được doanh nghiệp phục hồi, ít nhất là cầm cự trong bối cảnh dịch bệnh vẫn rình rập do Covid-19 đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, liều lượng hỗ trợ, thời gian hỗ trợ phải làm sao giúp doanh nghiệp tăng được khả năng chống chịu lâu dài, chứ không phải hỗ trợ là xong, vì Covid-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top