Aa

Cấp bách gói hỗ trợ lần hai

Thứ Ba, 20/10/2020 - 10:30

“Sức khỏe” của doanh nghiệp đang bị bào mòn nghiêm trọng vì dịch bệnh và nếu dịch kéo dài, số doanh nghiệp “ốm, chết” sẽ tăng lên nhanh chóng, từ đó ảnh hưởng tới việc làm và an sinh xã hội.

Bởi vậy, giới chuyên gia và cả cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cần có gói hỗ trợ lần hai để cứu doanh nghiệp.

Tài khóa song hành tiền tệ

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, không có dòng tiền để trả lương người lao động, thậm chí phải đóng cửa ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nhanh chóng triển khai hai gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch. Trong đó, đối với gói hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng cam kết triển khai gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với thời điểm trước dịch. Hiện số lượng vốn mà các ngân hàng cam kết tham gia gói hỗ trợ tín dụng này đã lên tới hơn 600.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số 250.000 tỷ đồng được đưa ra trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch.

Doanh nghiệp đóng cửa, cho thuê lại mặt bằng.

Trong khi với gói hỗ trợ tài khóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất thêm 05 tháng đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh. Song song với đó, Chính phủ đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động với quy mô gói 16.000 tỷ đồng, giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Chưa hết, Chính phủ còn triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội với tổng trị giá lên tới 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng chính sách và người lao động bị tạm thời mất việc.

Theo các chuyên gia, mặc dù quy mô các gói hỗ trợ này chưa thể sánh được với nhiều quốc gia trong khu vực, chứ chưa nói gì đến các nước phát triển, song trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nó đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ nói trên vẫn chưa đem lại hiệu quả cao do điều kiện tiếp cận khắt khe, quá sức đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cũng mới chỉ giải ngân được 11.000 tỷ đồng; gói 16.000 tỷ đồng vẫn hầu như dẫm chân tại chỗ… Trong khi nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng.

Một doanh nghiệp cho thuê bớt phần diện tích tầng hầm để giảm khó khăn. Ảnh: Huân Cao

Cần thêm biện pháp hỗ trợ

Mặc dù dịch bệnh trong nước đã tạm thời được kiểm soát, nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp chưa phải đã hết do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới vốn là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU…

Khó khăn của doanh nghiệp được thể hiện rõ qua kết quả khảo sát về tác động tác động của làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tới doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện mới đây. Theo đó, chỉ có 2% số doanh nghiệp cho biết tạm thời chưa bị ảnh hưởng, trong khi 20% số doanh nghiệp được hỏi đã dừng hoạt động, 76% số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu - chi và có 2% số doanh nghiệp đã giải thể.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia đề nghị, bên cạnh việc chỉnh sửa lại các gói hỗ trợ lần thứ nhất theo hướng mở rộng đối tượng và nới điều kiện, Chính phủ cần có gói hỗ trợ lần hai với các giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Phía doanh nghiệp cũng thẳng thắn đề nghị nên giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng năm nay. Vì mọi doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực của COVID-19 không phân biệt quy mô doanh thu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kịch cầu tiêu dùng sau dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, và năm 2021 vì đây là dòng tiền rất lớn trong cơ cấu chi của doanh nghiệp. “Miễn đóng phí công đoàn năm 2020 và 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng là biện pháp hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp duy trì dòng vốn”, lãnh đạo một doanh nghiệp kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt và xây dựng các giải pháp mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn thì rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng dương. “Nếu có được các giải pháp mạnh hơn, trong đó có gói hỗ trợ thứ 2 thì ước tính kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 có thể đạt khoảng 2,12%”, ông Dũng cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top