Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã đánh giá thị trường, điều tra khảo sát nhu cầu người dân. Bộ nhận thấy, hiện, cung - cầu nhà ở trên thị trường bất động sản có nhiều bất cập. Phân khúc nhà ở cao cấp phục vụ một số nhỏ đối tượng đang trong cảnh cung vượt quá cầu.
Trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ diện tích dưới 70m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2 phục vụ đại đa số người dân còn hạn chế, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu người dân.
Theo ông Phấn, ở giai đoạn thị trường bất động sản vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, càng cho thấy sự cần thiết phải phát triển phân khúc nhà ở giá thấp.
Theo đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra hàng loạt các ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng như: Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án); được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng (2 năm) kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất… Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất Chính phủ xem xét cho những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp được ưu đãi về vốn, lãi suất 7 - 8%.
Trên thực tế, các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp nhanh chóng nhất có thể, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011 - 2020, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, riêng TP.HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn...
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM trong năm 2018, toàn thành phố có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10 m2/người. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đã thực hiện khảo sát mẫu (với đối tượng và địa bàn điều tra chưa phủ đầy đủ) thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, cán bộ công chức 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo 39.000; lao động trong khu công nghiệp 17.000. Hầu hết các nhóm đối tượng đều có xu hướng chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65 - 94%.
Tại Hà Nội, theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội của TP.Hà Nội giai đoạn 2015 - 2018 được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho thấy, tính đến hết 2018, Hà Nội chỉ đạt 14% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đặt ra.
Đáng chú ý, nếu tính cả 10 dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội mới đạt được 38% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2014.
Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa cập nhật điều chỉnh kế hoạch hàng năm, xác định rõ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội để cho thuê vào kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo, hầu hết các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2020 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 đều bị chậm tiến độ. Thậm chí, một số dự án còn chưa có thông tin tiến độ hoặc không thực hiện.
Dù nhu cầu rất lớn, nhưng số lượng nhà ở xã hội hoàn thành không đáng là bao khi đến nay chương trình phát triển nhà ở xã hội trên cả nước mới hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn. Như vậy, sau nhiều năm triển khai, đến nay chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đã đề ra.