Aa

Kích thích dòng tiền đổ vào bất động sản bằng cách nào?

Thứ Tư, 12/07/2023 - 14:01

Đứng trước nền kinh tế có nhiều bất ổn, đa số người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng thay vì luân chuyển dòng tiền vào bất động sản khiến cho lượng giao dịch giảm sút, doanh nghiệp càng thiếu vốn trầm trọng.

Dòng tiền gửi ngân hàng tăng cao

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền từ của người dân vẫn đang tiếp tục đổ về các tổ chức tín dụng. Trong đó, lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng đạt 6,332 triệu tỷ đồng (tính đến cuối tháng 4/2023), tương đương với mức tăng 7,6% so với cuối năm 2022 (tăng hơn 467.000 tỷ đồng).

Anh Ngô Xuân Bắc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, bối cảnh tình hình nền kinh tế khó khăn đã kéo dài gần một năm qua, do vậy nếu tập trung đầu tư kinh doanh trong tại thời điểm này sẽ khó tránh khỏi rủi ro, thua lỗ.

“Lạm phát tăng, nên ai có tiền mặt là vua. Trước đây, nếu có sẵn tiền mặt thì tôi sẽ lựa chọn bất động sản để đầu tư và cất trữ tiền là chủ yếu, sau đó mới chuyển sang đầu tư kinh doanh sau. Thế nhưng, tại thời điểm này bối cảnh đã thay đổi, nếu tiếp tục giữ tiền vào đất thì sẽ phải mất khoảng thời gian dài hay thậm chí phải đợi một chu kỳ mới thì mới có lãi. Do vậy, tôi vẫn ưu tiên gửi tiền ngân hàng với kỳ hạn 6 – 12 tháng một để tiếp tục theo dõi tình hình thị trường”, anh Bắc chia sẻ.

Gửi tiền tiết kiệm
Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)

Không chỉ riêng anh Bắc mà đây được xem là tâm lý chung của những người đang có sẵn tiền mặt hiện nay. Khi mà những khó khăn về kinh tế, bối cảnh chính trị được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài thì đa phần người dân đều không dám đầu tư mạo hiểm mà chỉ đang quan sát, chờ đợi cơ hội.

Theo TS. Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế, tài chính, bất động sản Dat Xanh Services (FERI), lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao đến 10% đã giúp cho kênh gửi tiền tiết kiệm trở thành nơi thu hút dòng tiền mạnh. Lý do được cho nền kinh tế đang gặp phải nhiều bất ổn, do đó đa số người dân lựa chọn bỏ tiền vào ngân hàng thay vì đầu tư các kênh khác như chứng khoán, bất động sản,…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, xuất phát từ vấn đề tài chính trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng khá cao, đặc biệt là lãi suất cho vay bất động sản trên dưới 12% và lãi suất huy động trên dưới 8% cho kỳ hạn 3 tháng trở lên. Chính vì thế mà dòng tiền người dân đổ vào kênh gửi ngân hàng vẫn đang ở mức rất cao.

Ông Nguyễn Anh Quê
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6, Ủy viên Hiệp hội bất động sản Việt Nam (Ảnh minh họa: UEB Media)

“Đây là một trong những cản trở dòng tiền đổ vào kênh bất động sản dù Đảng và Nhà nước đã liên tục đề xuất các chủ trương, giải pháp nhằm kích cầu, phá băng thị trường bất động sản tuy nhiên, đến hiện nay những biện pháp này vẫn chưa tác động được nhiều, hay làm thay đổi được cục diện của thị trường”, ông Quê nhận định.

Hơn nữa, các doanh nghiệp bất động sản đều đang gặp khó khăn về vốn. Nhất là khi lãi suất tăng cao, kiểm duyệt hồ sơ lâu khiến các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn được. Còn nếu muốn chuyển sang ngành nghề khác thì vẫn gặp tình trạng thiếu vốn hay muốn bán dự án cho các doanh nghiệp khác cũng rất chật vật vì tình trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay đều thiếu vốn. Do vậy, nguồn tiền trong dân được kỳ vọng sẽ nhanh chóng giúp giải quyết vấn đề vốn cho các doanh nghiệp.

Giải pháp để kích thích thị trường bất động sản

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn khá ảm đảm, để thu hút dòng tiền của các khách hàng, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã tung ra các chính sách ưu đãi khủng nhằm kích cầu thị trường bất động sản, tuy nhiên để bán được hàng lúc này không hề đơn giản, thanh khoản vẫn tương đối chậm.

Bất động sản
Các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Ông Nguyễn Anh Quê nhận định, nhà nước đang hơi muốn hai mục tiêu, vừa muốn làm cho thị trường bất động sản sôi động trở lại vừa muốn thị trường bất động sản ổn định đã dẫn đến việc kiềm chế thị trường như trong thời gian qua. Đặc biệt trong vấn đề tài chính, vừa kiểm soát tài chính chặt chẽ, vừa muốn bất động sản sôi động lại ngay rất khó có thể làm được.

“Hiện nay các ngân hàng định giá tài sản rất thấp, đưa ra các điều kiện cho vay gắt gao khiến cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay không tiếp cận được do lãi suất cao và phía ngân hàng có tiền cũng không cho vay được. Trong giai đoạn này, bắt buộc phải lựa chọn một trong hai nhiệm vụ trên nhưng phải đảm bảo thị trường bất động sản không diễn ra nóng sốt, đảm bảo an toàn kinh tế”, ông Quê nói.

Ông Quê chia sẻ thêm, hiện nay các doanh nghiệp đều đang bị bịt cả hai đầu, khi nguồn tiền từ ngân hàng thì lãi suất cao, hạn chế "room" tín dụng còn nguồn tiền từ trong dân bị chặn bởi lãi suất huy động cao. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn. Do đó, thời điểm này việc giảm lãi suất huy động còn quan trọng hơn giảm lãi suất cho vay, bởi khi đó, người dân sẽ tự động rút tiền ra khỏi ngân hàng để chuyển sang đầu tư các hoạt động kinh doanh sản xuất.

bất động sản
Kỳ vọng nguồn tiền đáo hạn ngân hàng sẽ sớm quay lại thị trường bất động sản vào cuối năm nay. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Bên cạnh đó, để giải cứu thị trường bất động sản cần có những giải pháp phù hợp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn. Trong đó, cần chú trọng việc kiềm chế giá bất động sản, cố gắng đẩy mức thu nhập người lao động cao lên giúp khả năng tiếp cận nhà ở người dân dễ dàng hơn.

“Ngoài ra, cần có các chính sách củng cố, hiệu quả để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho những người có thu nhập thấp, khi ấy sẽ giải quyết được các vấn đề tồn đọng của nhà ở hiện nay. Đối với những khu công nghiệp, cũng cần có những chính sách ưu đãi riêng để phát triển vì đây là phân khúc tiềm năng”, ông Quê chia sẻ.

Tương tự, TS. Phạm Anh Khôi cũng cho rằng, nguồn tiền có thể quay trở lại thị trường nếu lãi suất huy động giảm xuống mức 6 – 7% vào thời điểm cuối năm nay. Nhất là đến thời điểm tiền gửi đáo hạn, sẽ có một lượng tiền lớn của người dân chuyển hướng tìm đến các kênh đầu tư khác đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm. Nhìn lại quá khứ của những lần khủng hoảng kinh tế trước đây, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó đến thị trường bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top