Aa

Kiểm soát chặt chẽ việc lợi dụng nhận quyền sử dụng đất trồng lúa để đầu cơ đất nông nghiệp

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 09/06/2023 - 14:19

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận tại Quốc hội, đặc biệt là nghiên cứu việc cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế.

Các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách. Để đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nhất khi thông qua dự thảo Luật, các ĐBQH cũng thống nhất đề nghị Chính phủ bám sát hơn nữa tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã quy định rõ. Nghiên cứu việc cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế

Cho ý kiến về đất trồng lúa, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được sắp xếp, bố cục phù hợp, logic, đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Thể chế hóa rõ 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, gắn với tính đồng bộ của các Luật liên quan từ vấn đề sử dụng đất, tài chính đất đai, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, đến đấu thầu đất đai, thanh tra đất đai, giải quyết tranh chấp đất đất đai và an ninh quốc phòng.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng đã kế thừa Luật Đất đai năm 2013 và tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm nhiều điều, nội dung, theo các góp ý của tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng đất với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn mới, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, hạn chế được các vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai thời gian vừa qua.

đại biểu quốc hội nguyễn thị lan
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Đóng góp ý kiến về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa được quy định tại Điều 46, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị chỉnh sửa quy định dự án Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách. Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận).

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn.

Đề cập về đất sử dụng đa mục đích, đại biểu Trần Việt Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sử dụng đất vào các mục đích cần đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực có các di tích, công trình văn hóa, tôn giáo.

Theo đó, việc thiết kế, bố trí đất để xây dựng, ưu tiên dành cho các công trình văn hóa, di tích, tôn giáo cần được thiết kế công bằng và khách quan hơn để không ảnh hưởng tới người dân sinh sống lâu năm tại khu vực này. Bởi việc xác định đất đai dành cho khu vực xây dựng, bảo tồn công trình văn hóa, tôn giáo, di tích rất khó.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra dự dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa (Điều 46): Đề nghị chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng.

Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận); nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top