Bài báo đầu tiên của tôi được in trên báo là vào năm 1979. Thời đó, các trang báo còn được mi bằng bát chữ xếp thủ công bằng tay, sắp xếp từ các con chữ đúc sẵn bằng chì, rồi dập trên giấy để người ta đọc bản bông, từ đó sửa lại cho chuẩn và xếp thành trang báo. Một bài báo, từ lúc viết tay trên giấy xong, gửi tới tòa soạn, qua các công đoạn duyệt, được đánh máy, xuống nhà in sắp chữ, qua nhiều thao tác, đến khi xuất hiện trên tờ báo phát hành, phải mất cả tuần. Rồi từ đó, qua hệ thống bưu điện, có khi phải cả một tuần sau, mới đến tay bạn đọc.
Sau giai đoạn đó, là đến thời tờ báo được thiết kế trên máy tính, in ra bông trên giấy, rồi thành bản in trên giấy can, cắt xén để bình bản, vào nhà in, mất độ hai, ba ngày mới thành tờ báo, được gửi bằng đường hàng không đi đến các nơi, trong những năm 90 của thế kỷ trước. Thế là đã nhanh lắm rồi.
Cho đến thời nay, thì đã là… báo điện tử. Một bài báo viết xong, có thể chỉ vài phút sau, đã được xuất bản, và bạn đọc khắp nơi trên cả thế giới đều có thể đọc được ngay, thông qua một thiết bị cầm tay nhỏ gọn, chả phải chờ đợi vất vả gì.
Báo chí chỉ trong chừng nửa thế kỷ qua, đã thay đổi ghê gớm, đến không lường hết được. Báo chí đã thay đổi rất nhanh. Ban đầu là information (đơn thuần là thông tin), magazine (tạp chí, tức là tạp ghi mọi việc), đến journal (hàng ngày), tiến đến press (nhanh nhất), rồi là news (mới nhất). Bây giờ thì không chỉ là mới nhất, nhanh nhất mà phải là media, là communication, change communition. Không biết sắp tới sẽ là gì? Liệu có phải là social media, social communication không?
Báo chí ngày trước là tìm cách phản ánh nhanh nhất “cái đã xảy ra”. Còn báo chí bây giờ thì phải phản ánh “cái đang xảy ra”, “cái sẽ xảy ra”.
Ngày trước, người đọc đi tìm thông tin. Ngày nay, thông tin đi tìm bạn đọc, phải chiếm lấy bạn đọc. Thông tin không tìm được bạn đọc, bạn đọc không cần đến, là thông tin vô ích, không có giá trị.
Vậy nhà báo có phải thay đổi gì trong quá trình thay đổi ghê gớm đến không thể lường hết của báo chí như đã nói ở trên? Ngoài kỹ năng, sự cập nhật công nghệ, thì nhà báo còn phải thay đổi rất nhiều để trụ lại, để vượt qua được những thử thách mới mẻ và căng thẳng của thời công nghệ.
Chưa bao giờ, các nhà báo lại phải đối diện với nhiều thách thức rất nặng nề và không dễ đoán định về sự thay đổi của truyền thông và mạng xã hội như thời đại hiện nay. Chưa bao giờ truyền thông lại phong phú và vây bủa chúng ta như thế này. Xung quanh chúng ta là dày đặc các phương tiện và loại hình truyền thông.
Truyền thông phát triển với tốc độ chóng mặt, gây nên sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn thế giới. Thế giới đã bước vào kỷ nguyên truyền thông, hầu như tất cả mọi người đều được tiếp cận, hơn nữa, trở thành đồng sáng tạo và đóng góp cho truyền thông. Thông tin được truyền đi với những cách thức rất mới mẻ, tạo ra những hiệu ứng và hậu quả không thể đoán định trước được.
Nhưng dù thông tin có gấp gáp đến thế nào, có sống động và căng thẳng đến đâu, thì cái đích của nhà báo vẫn là phải hướng đến con người, sự phát triển và tiến bộ.
Hạt gạo ta trân quý phải được hình thành từ lúc gieo vãi, mọc lên thành mạ rồi thành cây lúa trên đồng, qua bao mưa nắng mới đơm bông. Quả vải ngọt ngào ta ăn phải qua bao nhọc nhằn từ khi ươm cây giống xuống đất đồi, qua bao nhiêu ngày tháng phập phồng mới kết hạt. Con lợn trong chuồng phải qua quá trình chăm sóc nâng niu, mãi mới nên được thành phẩm xuất chuồng…
Báo chí có sống động và nhanh đến đâu, tranh cướp độc giả đến thế nào, cũng chẳng rút ngắn được quá trình làm cho cây mạ thành cánh đồng vàng, cây vải đơm hoa kết quả và chú lợn sữa thành con lợn xuất chuồng…
Vì thế, dù báo chí và truyền thông xã hội có thay đổi chóng mặt đến như thế nào, có sống động quay quắt đến đâu đi nữa, thì nhà báo vẫn phải bình tĩnh và kiên định, từ cái gốc nhân văn và tâm huyết, vì cộng đồng và phát triển, thì mới đạt đến mục tiêu và còn được bạn đọc tin cậy.