Ngày 29/2, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị công bố đồ án quy hoạch chung TP Phú Quốc đến năm 2040. Quy hoạch yêu cầu phải phù hợp, tuân thủ quy định pháp luật, đưa Phú Quốc trở thành viên "ngọc sáng" trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Theo đó, định hướng Quy hoạch chung TP Phú Quốc đến năm 2040, đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 thông qua chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng. TP Phú Quốc có tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với điều kiện thực tiễn, đúng quy định pháp luật; bảo đảm khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong trường hợp hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và tách xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu) thành huyện đảo riêng.
TP Phú Quốc được định hướng phát triển trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Về cơ sở pháp lý để quản lý, thu hút đầu tư và triển khai, lập kế hoạch và thực hiện quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung thành phố Phú Quốc.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu vào năm 2005. Qua hơn 15 năm thực hiện quy hoạch chung, từ một huyện đảo hoang sơ, ít người biết đến, Phú Quốc đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới; nhiều năm liền trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư; nhiều công trình, dự án có quy mô lớn được triển khai, đã làm thay đổi diện mạo đô thị Phú Quốc ngày càng hiện đại hơn…
Theo ông Lê Quốc Anh, tăng trưởng kinh tế, du lịch của Phú Quốc đóng góp quan trọng vào tăng trưởng cho tỉnh Kiên Giang và cả nước. Đặc biệt, ngày 09/12/2020, huyện Phú Quốc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận công nhận là TP Phú Quốc tại Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu năm 2025 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633 năm 2010, sau hơn 13 năm thực hiện quy hoạch đã phát huy tác dụng là cơ sở để đầu tư xây dựng, nâng cao trình độ phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáng kể cho đô thị Phú Quốc. Đến nay, đảo Phú Quốc là đã đạt tiêu chí đô thị loại II, trở thành một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Tây Nam Bộ.
Kinh tế - xã hội Phú Quốc có bước tăng trưởng vượt bậc. Hàng năm, tổng thu Ngân sách của Phú Quốc đạt hơn 7.000 tỷ đồng (tăng 260 lần so với năm 2004), chiếm gần 50% thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt hơn 3.100 USD tăng hơn 20 lần so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, quy hoạch và phát triển đô thị Thành phố Phú Quốc cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần điều chỉnh như: kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định và chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao. Chất lượng hạ tầng chưa đồng đều, đã xuất hiện các hiện tượng quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị như ngập úng cục bộ, cấp điện, cấp nước, khả năng xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải… còn nhiều bất cập.
Ông Phạm Thanh Nghị chia sẻ, đồ án quy hoạch lần này cũng xác định Phú Quốc phát triển gắn với 4 chiến lược: (1) Bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên và giá trị nhân văn đặc thù biển đảo Phú Quốc; (2) Phát huy giá trị biển đảo, xây dựng Phú Quốc trở thành cực tăng trưởng kinh tế biển Vùng đồng bằng sông Cửu Long; (3) Phát triển đô thị biển đảo đặc sắc; và (4) Phát triển Khu du lịch quốc gia Phú Quốc.
Với định hướng phát triển không gian theo mô hình đa trung tâm, hình thành chuỗi đô thị tập trung với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; tổ chức không gian, sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan đối với từng khu vực phát triển; định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các yêu cầu bảo vệ môi trường, đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới, quy hoạch chung thành phố Phú quốc lần này là cơ sở pháp lý rất quan trọng để tỉnh Kiên Giang quản lý, thu hút đầu tư và triển khai các chương trình phát triển đô thị, lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, hình thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn thành phố Phú Quốc và triển khai thu hút đầu tư./.