Aa

Kiến nghị bỏ 2% phí bảo trì chung cư

Thứ Sáu, 08/03/2019 - 06:00

Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng việc thu 2% phí bảo trì chung cư tạo ra nhiều vấn đề phức tạp.

Tại hội thảo Vận hành nhà chung cư do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7/3, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, khi sửa luật Nhà ở, nên bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì nhà chung cư như hiện nay. Thay vào đó, cần đưa ra những chế tài liên quan đến trách nhiệm của cư dân khi phát sinh những vấn đề cần đến phí bảo trì nhà chung cư.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM lập luận phí bảo trì 2% sẽ chỉ dùng được trong một khoảng thời gian nhất định, từ 5 đến 10 năm. Sau đó, khi chung cư cũ đi, nhiều vấn đề khác phát sinh thì cư dân vẫn là người phải tiếp tục đóng phí. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng việc đưa ra mức phí 2% phí bảo trì cũng hàm chứa nhiều bất cập. Chẳng hạn, khi chủ đầu tư và ban quản trị nảy sinh những tranh chấp về sở hữu quỹ bảo trì, yếu tố nào là căn cứ để xác định 2% tương đương với bao nhiêu tiền. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Thực tế, một dự án chung cư được bán trong nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn tương ứng với một giá bán khác nhau, những căn hộ khác nhau lại có giá khác nhau. Chủ đầu tư không thông tin, ban quản trị không đủ chuyên môn nghiệp vụ đi kiểm tra từng căn hộ, sổ sách, kế toán, thì rất khó để để lấy lại chính xác số tiền tương ứng 2%.

“Chúng ta đưa ra quy định 2% phí bảo trì nhà chung cư là vì muốn có sẵn tiền ở đó, khi phát sinh là có tiền sửa luôn. Nhưng nhà nước và chủ đầu tư đâu có lo mãi cho cư dân được? Phí bảo trì cũng là nguồn quỹ có hạn sử dụng, thông thường chỉ khoảng 5-10 năm thì cũng sẽ hết. Vậy sau khi hết 2% phí bảo trì nhà chung cư nộp khi mua nhà thì sao ? Tôi cho rằng, quy định pháp luật cho giai đoạn này mới là quan trọng, tính toán phát sinh rất nhiều vấn đề. Lúc đó, ai sẽ nộp? Vẫn là người dân nộp chứ nhà nước hay chủ đầu tư cũng đâu có lo mãi được?”, ông Hải nói.

Thứ hai, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng nếu chưa thể bỏ được quỹ bào trì chung cư thì trước mắt, những tranh chấp liên quan đến mức phí này nên quy thành những vấn đề dân sự. Bởi, theo ông, 2% phí bảo trì là tiền của cư dân đóng, là tài sản của cư dân, nếu bị chiếm thì cư dân có quyền kiện ra toà, toà để toà án đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

Ngoài ra, theo ông, khung giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư nên giao do hội nghị nhà chung cư quyết định. Còn khung giá UBND TP đưa ra chỉ nên áp dụng cho những dự án nhà chung cư thuộc quyền sở hữu nhà nước.

Nhiều chuyên gia tại Hội thảo cũng đồng tình cho rằng, việc quy định nộp 2% phí bảo trì như hiện nay sẽ tạo ra nguồn tiền khá lớn, ít cũng vài tỉ đồng, ở những dự án lớn có thể lên đến cả trăm tỉ đồng, rất khó khăn trong việc quản lý, sử dụng, nhất là trong bối cảnh Ban quản trị nhà chung cư chưa chuẩn hóa được về tiêu chuẩn, thiếu năng lực chuyên môn....

Theo đó, để có kinh phí bảo trì nhà chung cư, cần tính toán theo kế hoạch từng năm rồi cụ thể hóa, thu theo năm. Căn hộ nào không nộp có thể chế tài cắt điện, cắt nước. Hội nghị nhà chung cư hoặc Ban quản trị sẽ quyết định phê duyệt kế hoạch bảo trì nhà chung cư mỗi năm, từ đó sẽ quyết định thu mức phí bảo trì theo kế hoạch...

Một vấn đề khác được đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho là bất cập liên quan đến thời điểm ban quản trị nhà chung cư được hoạt động.

“Khoản 5, điều 22, Thông tư 02 nói rằng ban quản trị chung cư có nhiều chủ sở hữu được hoạt động kể từ khi có con dấu. Điều này dẫn đến trường hợp, một số chủ đầu tư khi được hỏi vì sao không bàn giao phí bảo trì, thì giải thích răng do ban quan trị chưa có con dấu nên chưa thể bàn giao hàng chục tỷ đồng được”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Thanh Hải cũng kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về những vấn đề liên quan đến việc xác định tài sản chung, riêng; phạt ban quản trị chung cư như thế nào cho hợp lý; cấm ban quản trị chung cư trực tiếp thu tiền của cư dân; đơn giản hoá thủ tục hành chính khi chủ sở hữu uỷ quyền cho người sử dụng nhà chung cư tham gia các hội nghị nhà chung cư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top