Không phải là xu hướng "sớm nở tối tàn", sống xanh đang trở thành một lựa chọn hàng đầu mà nhiều người hướng tới. Trong những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm đến việc phát triển các công trình xanh với sự tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư kỹ lưỡng. Nhiều tòa nhà được xây dựng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, được bố trí không gian, ánh sáng và khoảng không hợp lý, được đầu tư hệ thống cây xanh bài bản...Tuy nhiên điều đó đã đủ để kiến tạo một cuộc sống xanh? Theo đuổi triết lý sống này, điều gì mới là cội nguồn để tạo nên sự bền vững?
Để hiểu rõ về câu chuyện này, Cà phê cuối tuần xin giới thiệu KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam; chuyên gia văn hoá giáo dục PGS. TS Phạm Ngọc Trung; chuyên gia quản lý toà nhà ông Nguyễn Minh Sơn, thạc sĩ quản lý - Southern Leyte State University.
Muốn có đô thị xanh phải là sự tổng hòa, sự cố gắng của nhiều bên trong việc dung hòa những va đập xã hội, va đập văn hóa giữa những người mua để họ cùng thấu hiểu và nâng cao nhận thức về phát triển công trình xanh nói riêng, đô thị xanh nói chung.
Để tạo ra các thành phố xanh, đô thị xanh, chung cư xanh ngay từ quản trị đô thị thì người quản lý đã phải có tư duy xanh, rồi bắt đầu đến xây dựng con người xanh rồi mới đến công trình xanh. Bởi công trình cũng là do con người sáng tạo ra. Không có con người xanh có nghĩa là không có khái niệm sống thân thiện với môi trường. Không biết trân trọng thiên nhiên, không biết yêu thiên nhiên thì không thể tạo ra được một công trình xanh hay một đô thị xanh.
Trước tiên phải bắt đầu từ ý thức, văn minh lịch sự. Chúng ta cũng biết, sống ở chung cư là người đến từ nhiều vùng miền, thành phần, lứa tuổi… tạo nên một cộng đồng cư dân đa dạng về khẩu ngữ, thói quen, lối sống. Sống trong chung cư thì sự riêng - chung được phân định rất rạch ròi, thậm chí đến nghiệt ngã. Không thể tùy tiện coi cái thang máy là của riêng mình để chở đồ đạc, hay chạy lên chạy xuống một cách tùy tiện bất chấp người khác trong tòa nhà cần di chuyển. Không thể coi hành lang chung là cái sân riêng của nhà mình để đốt vàng mã ngày rằm, mồng một hay chiếm dụng một góc nào đó, kể cả đó là nơi cửa thoát hiểm phòng khi cháy nổ để chứa đồ.
Không thể tùy tiện đập phá, cơi nới, thay đổi công năng căn hộ. Không thể khạc nhổ, vứt rác nơi hành lang, trong buồng thang máy. Người ở tầng trên đi lại phải nhẹ nhàng, không được chạy nhảy làm ảnh hưởng đến người ở tầng dưới. Không được mở nhạc quá to hay làm ồn ảnh hưởng đến gia đình bên cạnh.
Đối với kiến trúc sư, nhà quy hoạch, khi thiết kế quy hoạch một dự án phải tuân thủ quy định, quy chuẩn của Nhà nước và dù hiện đại, kiểu cách đến đâu, nhưng kiến trúc cũng phải phù hợp với khí hậu, văn hóa và con người Việt Nam, để người đến ở thấy an toàn, thoải mái và thuận tiện. Một đồ án quy hoạch kiến trúc tốt sẽ tạo ra một không gian sống tốt, một môi trường sống xanh, thân thiện với con người, với thiên nhiên, tạo cho cư dân sự hứng khởi, niềm tin bền vững vào cuộc sống nơi họ sẽ đến ở.
Đã có nhiều khu đô thị mới hiện nay đang được coi là hình mẫu cho một không gian sống xanh an toàn, đầy thân thiện, là nơi đáng sống theo đúng nghĩa tốt đẹp của nó do các nhà đầu tư lớn có uy tín xây dựng tại Hà Nội. Ở đó mối quan hệ giữa nhà đầu tư với cư dân được xây dựng trên sự bình đẳng, tôn trọng và tin cậy. Ở đó, cư dân hầu hết là người có tri thức, biết ứng xử, tạo nên một cộng đồng cư dân có lối sống, nếp sống văn hóa và văn minh.
Người Việt Nam có câu ngạn ngữ rất hay: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đó cũng là lời của tiền nhân nhắc nhở chúng ta về một lối sống, nếp sống, cách sống sao cho có văn hóa, từ đó hình thành những con người tử tế trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Để kiến tạo cuộc sống xanh, phải bắt đầu tư văn hoá xanh. Đó là văn hoá ứng xử giữa con người với môi trường, thiên nhiên và văn hoá ứng xử giữa người với người trong cộng đồng.
Quá trình đô thị hóa nhanh như vũ bão, mỗi ngày chúng ta đều chứng kiến sự đổi thay diện mạo các thành phố. Nhiều con đường mới được mở ra, các khu đô thị hiện đại được dựng lên, nhiều khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng được hình thành. Nhưng những điều đẹp đẽ đó không song hành với sự phát triển của văn hóa, hay nói chính xác hơn là lối sống và nhận thức của con người.
Hãy nhìn những dòng sông chết do chất đầy rác và "ngộ độc" bởi hệ thống xả thải, phố phường ô nhiễm và đâu đâu cũng ngập rác để thấy cách con người ứng xử với thiên nhiên.
Sự di dân từ nông thôn sang thành thị, từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ Bắc vào Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh việc học hỏi tiếp thu hoà nhập văn hoá để phát triển thì cũng ẩn chứa nhiều bất cập. Những khác biệt về văn hóa, lối sống dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong một "nồi lẩu thập cẩm" mang tên đô thị.
Trước sức ép về nhà ở và quỹ đất hạn hẹp, nhiều tòa chung cư, khu đô thị nhanh chóng mọc lên nhưng tận dụng tối đa diện tích, thiếu không gian xanh, không gian công cộng khiến tất cả co hẹp lại, ngột ngạt và bí bách. Những con người sống ở các vùng miền khác nhau, mang theo tính cách địa phương khác nhau, áp lực cuộc sống khác nhau cùng tập trung lại tạo nên những va đập, mâu thuẫn về văn hóa ứng xử. Chưa kể đến những phân hóa về khoảng cách giàu - nghèo, những chính sách phát triển chưa theo kịp để điều chỉnh...
Từ câu chuyện văn hoá ứng xử phải quay lại sự khởi nguồn bắt đầu từ giáo dục. Để kiến tạo cuộc sống xanh, phải chú trọng xây dựng giáo dục xanh. Việc đưa giáo dục xanh vào giáo dục nhà trường đang là xu thế trên thế giới. Họ nhận ra rằng, con người đã tàn phá, hủy hoại môi trường nên cả thế giới đang nỗ lực trả lại môi trường sống xanh, trong sạch. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi hệ thống giáo dục xanh đang được đưa vào các trường mầm non, tiểu học nhằm hình thành cho trẻ kỹ năng thói quen tốt. Giáo viên dạy cho trẻ bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ nhất như trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trường lớp đến việc có ý thức tiết kiệm năng lượng như điện và nước, khuyến khích học sinh có các ý tưởng sáng tạo tái chế rác,... đều là những hành động tích cực.
Bởi một đứa trẻ mới sinh ra chưa tự ý thức được bảo vệ môi trường nhưng nếu được giáo dục trong nền văn hoá tốt sẽ hình thành nên ý thức tự giác. Ví như, khi dạy cho bé quý trọng nguồn nước, bỏ rác đúng nơi quy định thì theo năm tháng nhận thức này vẫn đi cùng để trẻ biết ứng xử với thiên nhiên tốt hơn, biết bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh đó, mỗi trường học cũng phải đáp ứng được các yếu tố sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp để trẻ có thể thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo, học tập.
Tuy nhiên, chỉ giáo dục thôi cũng không đủ, giáo dục thế hệ trẻ, từ mầm non đi chỉ là bước đi đầu tiên. Bên cạnh đó phải có các chính sách, sự đầu tư về công nghệ thì giáo dục đó mới đi vào đời sống. Để con người hài hoà với thiên nhiên, kế hoạch phải tổng hợp từ nhận thức, giáo dục, điều kiện sống, điều kiện kỹ thuật, chính sách phải đồng bộ thì người dân mới thực hiện theo và sống yên ổn.
Tóm lại, văn hóa và giáo dục giúp điều chỉnh hành vi của con người, giúp con người sống và cư xử tốt đẹp thì con người cũng sẽ có nhận thức hơn và tự giác hơn về vai trò, trách nhiệm của chính bản thân mỗi người trong việc kiến tạo cuộc sống xanh.
Chủ đầu tư có vai trò tạo ra công trình xanh ở phần cứng, đó là việc lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng cho đến bán sản phẩm. Với vai trò của ban quản lý, nếu được tham gia, đơn vị quản lý sẽ tư vấn cho chủ đầu tư từ kinh nghiệm vận hành thực tiễn như: Hạ tầng cây xanh, cảnh quan, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cung cấp năng lượng với các tiêu chí công nghệ mới làm thế nào để bảo vệ môi trường hạn chế hiệu ứng nhà kính...
Tuy nhiên, khâu quan trọng chính là giai đoạn vận hành, làm thế nào để công trình đó khi đi vào hoạt động, đảm bảo đúng tiêu chí xanh. Trong quá trình này, ban quản lý có trách nhiệm vận hành đúng cách, hướng dẫn tuyên truyền cư dân cùng nhau có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian chung của tòa nhà như thực hiện đúng công năng, không xả rác bừa bãi, hạn chế khói thuốc, sử dụng điện, nước tiết kiệm và hợp lý...
Bên cạnh việc kêu gọi ý thức của cư dân, để xây dựng và tạo ra được môi trường xanh, ban quản lý, ban quản trị của tòa nhà phải thiết lập được một cộng đồng cư dân xanh. Lối sống chung cư rất khác với lối sống ở nhà riêng, tất cả cùng sinh hoạt trong một không gian, nhà này làm gì đều có thể ảnh hưởng đến nhà kia. Vì thế, mỗi chung cư cần phải có những quy định và chế tài chặt chẽ.
Ngoài ra, ban quan lý, ban quản trị cũng cần kết nối cộng đồng thông qua các chương trình hành động ngoại khóa để truyền tải thông tin đến cộng đồng như các hoạt động vẽ tranh tìm hiểu môi trường, ngày chủ nhật xanh.. để qua đó cộng đồng có trách nhiệm hơn cũng như giáo dục tới con em về ý thức bảo vệ môi trường.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Thiết kế: Đức Anh