Aa

Phát triển đô thị xanh cần “bà đỡ” chính sách

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 15/11/2018 - 06:01

“Nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư xanh thì ưu tiên cho bên đó trước tiên về chính sách vay vốn, hình thức vay… cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư”, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư Ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Hỗ trợ phát triển xanh thiếu và yếu

Nhìn nhận từ thực tế cho thấy, phát triển công trình xanh đã và đang là xu hướng mang tính toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, cho dù Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh nhưng đánh giá một cách chuẩn xác nhất thì do hành lang pháp lý còn thiếu và chính sách thúc đẩy, khuyến khích, tạo bệ phóng cho công trình xanh thực sự vẫn là vấn đề cần bàn.

Quy trình triển khai các văn bản trên vẫn khá chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể, địa phương còn lúng túng, cộng đồng vẫn chưa quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh việc tạo lập xu hướng phát triển dự án theo tiêu chuẩn xanh là cả một quá trình, không thể một sớm một chiều.

Ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Capital House chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn phát triển công trình xanh, mang đến lợi ích cho khách hàng của mình. Nhưng trong quá trình phát triển, chúng tôi thấy mình lầm lũi vì quá khó khăn. Không chỉ chúng tôi mà nhiều công ty ở phía Nam cũng gặp phải tình huống tương tự. Doanh nghiệp mong muốn làm công trình xanh rộng rãi hơn nữa, bởi 1 tòa nhà chưa thể làm xanh cả thành phố, cũng như một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân”.

Dự án Flora Kikyo gồm 224 căn hộ, 15 tầng nằm tại Phước Long B, quận 9, TP.HCM đạt Chứng nhận công trình xanh EDGE của Tổ chức IFC (Ngân hàng Thế giới)

Dự án Flora Kikyo nằm tại Phước Long B, quận 9, TP.HCM đạt Chứng nhận công trình xanh EDGE của Tổ chức IFC (Ngân hàng Thế giới)

Đồng quan điểm, nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị Đỗ Việt Chiến nhấn mạnh: “Nhà đầu tư công trình xanh hiện có rất nhiều áp lực từ vốn, chính sách,... Tôi cho rằng, nếu làm công trình xanh sẽ được rất nhiều lợi ích và cộng đồng sẽ được hưởng lợi ích đó. Từ đó, cần có nhiều chính sách khuyến khích, cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư xây dựng công trình xanh. Nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư xanh thì ưu tiên cho bên đó trước tiên về chính sách vay vốn, hình thức vay… cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, pháp luật cũng phải bắt buộc, có những khu vực cấp cho 20ha chẳng hạn, quy định 5 - 7% xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh. Không phải thích thì xây, không thích thì thôi”.

Bên cạnh đó, ông Chiến cho hay, chúng ta cần sớm có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào công trình xanh. Phải có nhiều công trình xanh mới có đô thị xanh. Quyết định 403 cũng đã đề cập, nhưng rất tiếc việc tuyên truyền còn khiêm tốn nên xây dựng công trình xanh đến nay còn khá chậm.

Nhìn ra thế giới mà thèm “đỏ mắt”

Phát triển công trình xanh, đô thị xanh là mục tiêu hướng đến của các nhà quản lý đô thị, chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay. Song để phát triển đô thị xanh thực sự cần kinh phí lớn không chỉ trông chờ vào riêng ngân sách của Nhà nước. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển... cho thấy các nhà đầu tư tư nhân có rất nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ Nhà nước xây dựng đô thị xanh. Theo đó, không ít quốc gia đã có chính sách ưu đãi mạnh mẽ đầu tư phát triển công trình xanh để hình thành đô thị xanh.

Điển hình phải kể đến tại Trung Quốc, các đơn vị từ sản xuất vật liệu xây dựng xanh đến đầu tư phát triển công trình xanh đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất,... Chính phủ nước này còn ban hành chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua nhà trong các dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Tương tự như Singapore, Malaysia ban hành các chính sách chặt chẽ hơn, buộc các nhà đầu tư phát triển dự án theo hướng xanh hóa, quy định cụ thể các khu vực nào chỉ được phép phát triển công trình xanh.

Ngoài ra, một số nước tập trung vào từng lĩnh vực xanh cụ thể như phát triển nông nghiệp nông thôn (Ấn Độ, Uganda), rừng (Nepal), hoặc phát triển năng lượng sạch, tái sinh (Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico)… Nhờ đó, diện tích phủ xanh ở các quốc gia ngày càng tăng trong khi ở Việt Nam lại khó khăn và sau bao năm vẫn ở giai đoạn “chập chững” làm xanh.

Theo giới phân tích, có lẽ Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 hay Thông tư 01/2018/TT-BXD quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh vẫn ở dạng “hô khẩu hiệu”. Tức là chính sách vẫn đang là tuyên truyền, phổ biến chủ trương và định hướng về phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong khi đó thiếu những chính sách có tính áp dụng thực tiễn. Câu hỏi đặt ra là tại sao không “vừa hô khẩu hiệu vừa làm”?

Thực tế đã có không ít những cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp hợp lý, hiệu quả nhằm thúc đẩy việc xây dựng và quản lý đô thị tăng trưởng xanh nhưng cuối cùng những gì thu được vẫn “rất chung chung”. Cuối cùng, động lực tham gia phát triển công trình xanh tại Việt Nam đa phần dựa vào nhận thức trách nhiệm xã hội và nhu cầu giảm thiểu chi phí vận hành của doanh nghiệp, đặc biệt là từ nhận thức nghiêm túc và quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư nước ngoài.

Theo ý kiến của một doanh nghiệp, để thúc đẩy phát triển những công trình xanh, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển… Về dài hạn, cần thành lập các ủy ban hoặc hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường. Có như vậy, doanh nghiệp sẽ hứng khởi hơn trong xây dựng xanh.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho hay: “Những thuật ngữ công trình xanh, đô thị thông minh, đô thị hạnh phúc,... đều tập trung vào hạt nhân là con người. Ví như chúng ta đang khuyến khích công trình xanh, kiến trúc xanh và người chủ nhân ở đó làm sao sử dụng nhiên liệu tiết kiệm nhất, nếu dùng bóng đèn led thay thế cho bóng đèn truyền thống khiến giá cao hơn thì liệu người dân họ có đồng ý không? Do đó, chính sách của Nhà nước là rất quan trọng. Phải làm sao để người dân cũng được hưởng lợi từ các chính sách”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top