Kiến tạo không gian công cộng – “Nghĩ lớn, làm vừa sức và hành động ngay”

Kiến tạo không gian công cộng – “Nghĩ lớn, làm vừa sức và hành động ngay”

Hà Thư
Hà Thư hathu132@gmail.com
Thứ Ba, 15/06/2021 - 06:00
Kiến tạo không gian công cộng
kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
 

Nhìn ngắm những bức tranh này, tôi ngỡ mình đang lạc vào thế giới cổ tích đa sắc màu trong chuyện cổ Andersen. Sự thật đây là một đường tranh tại Chử Xá – làng cổ có lịch sử tồn tại rất lâu đời của xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. 

Hào hứng kể với chúng tôi, bà con ở Chử Xá chia sẻ: “Trước đây những khu vực này chủ yếu hoen ố, ẩm mốc quanh năm, rất bẩn. Khi dự án cải tạo không gian cộng đồng tên là “Nông nghiệp sạch – Thành phố xanh” ra đời đã làm cả khu vực lột xác. Người dân từ lạ lẫm chuyển thành thích thú, gắn bó. Dãy phố này giờ là nơi vui chơi, tụ họp mỗi sáng chiều của đông đảo người dân. Rất nhiều du khách đến đây tham quan, chụp ảnh làm bà con phấn khởi lắm!”.

Người dân Chử Xá vốn sinh sống chủ yếu bằng nghề truyền thống trồng rau củ quả sạch. Trước sự cạnh tranh của kinh tế thị trường, bà con nông dân ở đây gặp không ít khó khăn trong phân phối sản phẩm. Việc biến những hình ảnh lao động, những nông sản gắn với công việc truyền thống hàng ngày thành những bức tranh sinh động, là một sự cổ vũ lớn với những bà con. 

"Bức tranh tường hơn 1 năm qua chính xác là hơi thở cuộc sống của người dân Chử Xá. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 này khi ai ai cũng đều có nhiều thời gian ở nhà thì những hình ảnh đó giúp chúng tôi thấy thư giãn, bớt lo lắng và tìm thấy thêm niềm vui, thêm yêu nơi mình sống, tạo cảnh quan môi trường đẹp hơn”, một người dân chia sẻ. 

Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2020 của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), 92% người dân Hà Nội cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Thủ đô đang thiếu không gian công cộng.

Các chuyên gia trong giới quy hoạch nhận định, thiết kế đô thị là lĩnh vực chủ yếu tập trung vào chất lượng môi trường không gian đô thị phục vụ con người và không gian công cộng là chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị. Trong đó, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho đời sống của con người. 

KTS. Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố Sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Thủ đô chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Thậm chí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố khác trên thế giới.

Thấu hiểu tất cả những tâm tư trên hơn bất cứ ai chính là KTS. Tạ Thị Thu Hương. Chị là người đồng sáng lập và điều hành hoạt động Tổ chức Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng ABC (Art Build Communities) – “Cha đẻ” của dự án “Nông nghiệp sạch – Thành phố Xanh” ở Chử Xá. 

Trong vòng 5 năm thành lập, với khát vọng thay đổi, đưa không gian đô thị của Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới, chị Hương và các kiến trúc sư của ABC đã mang đến sức sống mới cho hàng chục khu dân cư trên khắp cả nước, tạo nên những hiệu ứng thay đổi tư duy mạnh mẽ trong cộng đồng trong việc tái thiết không gian sống. 

Kiến tạo không gian công cộng

- Câu chuyện cải tạo không gian công cộng ở Chử Xá đã để lại trong chị những ấn tượng gì? 

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Chử Xá không phải là dự án đầu tiên của chúng tôi nhưng là dự án mang đến rất nhiều cảm xúc. Bên cạnh tình cảm của người dân thì còn có một câu chuyện khiến chúng tôi nhớ mãi không thể nào quên. Chử Xá như bạn biết, vốn là một làng thuần nông. Các cư dân ở đây khi chia sẻ với ABC thì nói rằng rau sạch rất khó bán vì nó xấu hơn rau phun thuốc.

Khi mua rau thì người dân chỉ thích rau đẹp, họ hay phân biệt rau tươi rau héo chứ không quan tâm đến độ sạch hay không. Việc chăm sóc rau sạch tất nhiên vất vả hơn nhiều so với rau đã được phun thuốc. Thế nhưng nhờ việc đưa những nông sản lên bức tường tranh theo một cách sống động nhất, nghệ thuật nhất, ấn tượng nhất thì cuối cùng Chử Xá lại biến thành khu du lịch sinh thái và góp phần nâng tầm thương hiệu rau Văn Đức, hình thành hệ thống phân phối rau đến khắp các nơi. Đó là một sự thay đổi tư duy khi đưa những giá trị nghệ thuật vào các sản phẩm đô thị với cách tiếp cận mới, tạo ra một động lực thúc đẩy kinh tế mới cho vùng đó.

Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng

Hệ thống tranh tường hấp dẫn ở Chử Xá khiến hàng nghìn người thích thú kéo về chụp ảnh, tham quan.

- Thưa kiến trúc sư, thực trạng về các không gian công cộng ở Hà Nội hiện nay đang diễn ra như thế nào? 

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Theo các nguyên lý quy hoạch đơn vị ở (4000 dân) thì cần phải có một không gian công cộng, nhưng ở Hà Nội hiện nay có nhiều khu dân cư khoảng 20.000 dân nhưng không có không gian chung, có thể có sân và thường được sử dụng như không gian đỗ xe, hỗ trợ kinh doanh, chứ không phải là không gian công cộng có sân vườn hướng đến các hoạt động chung của cộng đồng. Đến giờ phút này chúng ta có số liệu về quy hoạch nhưng sự quản lý về nội dung và các tính hiệu quả trong sử dụng không gian công cộng chưa thực sự chặt chẽ. Điều này thực sự cần được quan tâm sát sao hơn trong thời gian tới. Sẽ rất tốt nếu chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước về quy mô các công trình của họ và đăng ký luôn diện tích, nội dung và các hoạt động trong không gian công cộng để người dân có thể hiểu hơn về những giá trị mà họ nhận được từ không gian sống của họ. 

Nếu như ở nước ngoài, khi xây bất cứ một công trình nào, họ sẽ ưu tiên phần không gian công cộng lên trên. Giả sử khi phải làm đường mà con đường đó vô tình đi qua một sân chơi thì họ sẵn sàng giải phóng các mặt bằng khác để làm bù thay thế nhằm đảm bảo những người dân ở đó có không gian hoạt động chung. 

- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi mọi người dường như có “cơ hội” để sống chậm lại, có thêm thời gian tĩnh tại để ngắm nhìn và chiêm nghiệm những thứ gần gũi xung quanh mà thường nhật bị rơi vào lãng quên, thì sự xuất hiện của những bức tranh tường sống động tại các khu dân cư dường như trở thành một điều gì đó thật mới mẻ, lý thú...

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Đúng như bạn chia sẻ. Đó cũng là những điều mà chúng tôi cũng nhận được từ phản hồi của người dân nơi các dự án cải tạo không gian công cộng của ABC đã đi qua. Dự án tại Văn Đức đã truyền năng lượng và cảm hứng mạnh mẽ cho chúng tôi tiếp tục thực hiện thêm một chuỗi hoạt động cải tạo không gian sống, bảo vệ môi trường. 

kiến tạo không gian công cộng
Một phần dự án “Không khí sạch, thành phố xanh” trên phố Hoàng Văn Thái.

Cuối năm 2019, ABC ý thức được rằng, môi trường là một phần quan trọng trong đời sống nhưng dường như mọi người chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến điều này. Tại thời điểm đó, các họa sĩ trong ABC đều nghĩ cần phải có sự trân trọng nhất định với không gian xanh của đô thị, nếu như không nỗ lực thì thế giới nhựa sẽ thay thế thế giới xanh, đến một lúc nào đó, chúng ta muốn hít thở không khí trong lành sẽ phải mua những can không khí. Vì vậy, chúng tôi xây dựng dự án “Không khí sạch, thành phố xanh” trên phố Hoàng Văn Thái (Hà Nội).

Thật là ngạc nhiên khi ngay sau khi dự án hoàn thành được vài tháng thì chúng ta gặp phải đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Thông điệp “Không khí sạch – Thành phố xanh” trở nên đáng nhớ và đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Không gian công cộng tại phố Hoàng Văn Thái này đã là một chứng tích ghi lại sự kiện Covid-19 đáng nhớ của lịch sử nhân loại. Chúng tôi rất trân quý điều đó. Thông qua đó chúng tôi muốn mang đến cho người dân những hiểu biết về không gian công cộng và nghệ thuật đường phố. 

- Tạo mối gắn kết bền sâu giữa nghệ thuật và đô thị. Liệu đó có phải là cái đích cuối cùng mà ABC muốn hướng đến? 

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Chúng tôi quan niệm rằng, những dự án mình thực hiện không phải mục đích tạo ra giá trị kinh tế để thấy hiệu quả ngay từ ban đầu mà chúng tôi muốn tạo ra hình dung để mọi người biết nghệ thuật nó phải là như vậy. Với mỗi một tác phẩm, một dự án của ABC, chúng tôi luôn muốn nó phải là độc nhất, duy nhất, tác phẩm đó chỉ vẽ tại vị trí đó và không bao giờ có sự lặp lại ở những nơi khác. 

Từ quan sát của mình, tôi thực sự nể phục Vingroup hay Sun Group, khi họ chú trọng thẩm mỹ trong không gian khu đô thị của họ - rất cầu kỳ và chỉn chu, từ trang trí đến việc chọn tranh tường hoặc các tác phẩm nghệ thuật đương đại, điêu khắc vào quần thể đô thị được thể hiện rất rõ và họ thực sự đầu tư cho việc đó.

Thế nên không gian của họ đẹp hơn và có sự độc đáo, độc nhất. Nếu như các chủ đầu tư khác cũng có những tinh thần đấy, không chỉ là cây xanh sân vườn mà còn là đưa các tác phẩm nghệ thuật ấn tượng vào thì chắc chắn sẽ làm tăng giá trị mới cho không gian sống của người Việt. 

Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng

"Vingroup hay Sun Group đều rất chú trọng yếu tố thẩm mỹ trong không gian khu đô thị của họ - rất cầu kỳ và chỉn chu".

Trong quá trình thực hiện các dự án cho ABC, có nhiều người dân nói với chúng tôi rằng họ thích tác phẩm ở chỗ này chỗ kia và muốn đưa nó về bức tường ở khu của họ thì chúng tôi từ chối và thuyết phục, giải thích cho họ rằng tác phẩm cộng đồng cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật khác. Khi ta đã mang nó đến một không gian thì nó phải có tính độc đáo và duy nhất. Như vậy qua thời gian mới càng ngày càng có giá trị.

Chúng tôi đã trải qua hàng chục dự án ở khu dân cư Pháo Đài Láng, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Văn Đức… thì mỗi một dự án đều có chủ đề riêng. Ví dụ như ở Pháo Đài Láng, gần Học viện Phụ Nữ nên chúng tôi đã cùng người dân xây dựng chủ đề tranh về tôn vinh nữ quyền, miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ trong lao động sản xuất và các hoạt động đời thường.

Đến với dự án tại Nguyễn Chí Thanh, các cô chú cư dân cao tuổi ở đây hầu như đều công tác trong Ban Quản lý Dự án Thăng Long, họ đều rất tự hào vì mình đã là những người xây dựng Cầu Thăng Long thì lúc đó ABC quyết định xây dựng chủ đề là gắn kết Việt Nam ra thế giới, đặc biệt năm 2020 Việt Nam cũng là chủ nhà ASEAN. Và nhờ thế mà các người dân ở đây có câu chuyện để kể với con cháu, được minh họa rất sống động qua tranh tường. 

- Hóa ra tái tạo không gian cộng đồng không chỉ đơn thuần là những bức tranh được vẽ lên, sơn lên tường?

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Đúng như vậy. Với mỗi dự án, ABC đều thực hiện rất lâu, trung bình khoảng từ 6 tháng đến 1 năm, là cả một quá trình về sự nhận thức của người dân. Không phải ta cứ đưa bức tranh đến và vẽ trong khi người dân ở đó không viết dự án này của đơn vị nào, nội dung gì… thì những điều như vậy không đạt được đến ngưỡng nghệ thuật cộng đồng. Chúng tôi muốn người dân được chung tay vào, được nêu ra ý tưởng, quan điểm, có quyền góp ý về nội dung nghệ thuật. 

Tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ minh chứng cho điều này: Khi chúng tôi thực hiện dự án ở Pháo Đài Láng, cả nhóm đều biết rằng đó là làng Láng xưa và tại đây rất nổi tiếng với rau húng Láng. Xuất phát từ điều đó, chúng tôi đã đưa rau húng Láng vào chủ đề tranh tường. Thế nhưng khi vẽ xong bản thảo đưa cho cô chú ở khu dân cư thì họ nói rằng đây không phải là rau húng Láng, bởi vì cùng là cây húng đấy nhưng nếu nó nhỏ, non, được thu hoạch ngay thì là rau húng Láng, hương vị của nó riêng. Nhưng nếu chỉ cần to hơn một chút, lớn bằng ngón tay thì lúc đó lại là húng bạc hà, nó giống hệt như những rau húng ở các nơi bình thường khác. 

Khi chúng tôi nghe thấy điều đó thì lập tức thay đổi hình thức thể hiện, để người dân sống ở đây biết rằng đây đúng là câu chuyện về làng của họ, văn hóa của họ, ký ức của họ. 

Kiến tạo không gian công cộng
Không gian công cộng tại phố Pháo Đài Láng trước và sau khi thực hiện cải tạo.

- Tôi cảm nhận được tâm huyết dạt dào mà các kiến trúc sư, họa sĩ của ABC đặt vào trong từng sự án cải tạo đô thị. Liệu đã có khi nào chị và các cộng sự gặp phải tình huống khó xử hay thất bại?

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Có chứ! (cười). Có rất nhiều băn khoăn, hoài nghi từ phía cộng đồng dân cư, thậm chí là cả từ phía chính quyền. Mọi người nghi ngờ rằng có phải có mục tiêu gì đó phía sau không, có phải còn câu chuyện gì chưa kể không. 

Trong quá trình lên ý tưởng nghệ thuật, không phải lúc nào người dân, tổ dân phố cũng ủng hộ và ngay lập tức đồng thuận từ ban đầu. Ví dụ như dự án ở Văn Đức, các cô chú rất mong muốn thương hiệu Văn Đức được phát triển nhưng mà họ cũng là những người xuất phát từ nông nghiệp, nông thôn. Họ chưa bao giờ hoặc ít khi nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật đường phố. Họ chưa hiểu được rằng tại sao lại có người vẽ tranh ở ngoài đường. Họ ban đầu chỉ nghĩ rằng vẽ tranh ngoài đường là quảng cáo cho một sản phẩm nào đó như pa-nô, áp phích. 

Trong những câu chuyện như vậy, chúng tôi đưa người dân đi thăm các công trình đã làm, ngồi lắng nghe ý kiến, tâm tư của họ. Sau đó thì rất may mắn khi đưa ra những thiết kế thì những người chủ chốt trong cộng đồng họ đồng ý. Và sau đó cả cộng đồng đều đồng tình cho triển khai dự án. 

Kiến tạo không gian công cộng

Các kiến trúc sư của ABC thực hiện các dự án kiến tạo không gian công cộng.

Kiến tạo không gian công cộng

Cũng có những lúc không thể thực hiện được việc kiến tạo khi bên cạnh 2/3 người dân đồng tình, thì còn 1/3 những người họ không muốn thay đổi và muốn nhịp sống như cũ. Trong trường hợp không thể giải quyết mâu thuẫn này thì chúng tôi sẽ tôn trọng nguyên trạng. Trong khoảng thời gian dài từ 6 tháng đến 1 năm hoàn thành dự án, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các bên liên quan. Nếu trong nội bộ tổ dân phố không thể giải quyết khiến người dân không hạnh phúc - vì hàng ngày họ sống ở đó, đi qua những khu vực đó mà, thì việc cải tạo là không nên. Những trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ giữ nguyên trạng. 

- Với rất nhiều khát khao giúp không gian đô thị thay đổi, trong những tình huống như vậy, chị có cảm thấy tiếc nuối không?

KTS. Tạ Thị Thu Hương cười và chia sẻ: Quá trinh làm, chúng tôi chiêm nghiệm ra rằng, cái đạt được lớn nhất của mỗi dự án cải tạo không gian công cộng đó là sự đoàn kết. Chúng tôi không thể quên những hình ảnh người dân kê ghế ra ngoài cửa ngồi xem, cổ vũ các họa sĩ vẽ tranh, những ngày nắng nóng họ tập trung trợ giúp. Khi mọi người cùng chung tay thực hiện một hoạt động chung từ đầu đến cuối thì cộng đồng đó sẽ có thêm nhiều trải nghiệm để hiểu nhau.

Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến câu chuyện rất nổi tiếng trong giới kiến trúc, quy hoạch của chúng tôi, rằng năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Người đã chỉ rằng đừng bao giờ nghĩ rằng quy hoạch là những bản vẽ trên giấy, phải đưa con người vào làm trung tâm, phải nghĩ đến tư duy của con người khi một người thì sẽ sống như thế nào, một tổ hợp người trong cộng đồng dân cư thì sẽ cần có nhu cầu gì. Với tư duy đặt con người vào trung tâm thì mới đưa ra được những phương án có ích. 

Trong bất cứ một dự án kiến tạo không gian công cộng nào, chúng tôi cũng luôn tâm niệm và ý thức đặt điều đó lên hàng đầu. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một câu chuyện đi kèm, gắn với người dân ở khu dân cư đó và mấu chốt cuối cùng là giúp người dân sống hạnh phúc hơn ở chính không gian của họ. 
Chúng tôi cũng hy vọng, khi những không gian công cộng đủ ấn tượng, đủ để có được dấu ấn thì có thể tạo được những tour du lịch kết nối những người yêu nghệ thuật, văn hóa đến Hà Nội. 

Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng

Quy hoạch không phải là những bản vẽ trên giấy mà phải đưa con người vào làm trung tâm. Những người hàng xóm láng giềng, nhờ nghệ thuật, họ sẽ có chung kỷ niệm, chung ký ức để chia sẽ thêm nhiều câu chuyện với nhau.

Những kiến trúc sư trong Tổ chức ABC của chúng tôi đều mong rằng, những nỗ lực của chúng tôi sẽ giúp người dân thay đổi được phần nào tư duy, rằng nghệ thuật chính là một phần cuộc sống. Người ta vẫn cứ nói rằng, sau ăn no mặc ấm là ăn ngon mặc đẹp. Chữ “đẹp” sẽ phải được đưa vào cuộc sống. Ban đầu người dân sẽ làm đẹp cho gia đình họ, sau rồi sẽ làm đẹp cho không gian xung quanh, khu vực công cộng xung quanh.

Tư duy bắt đầu thay đổi khi họ hướng sự quan tâm cá nhân vào những không gian chung của tập thể, hướng đến những người gần gũi với mình. Vì thế mà những người hàng xóm láng giềng, nhờ nghệ thuật, họ sẽ có chung kỷ niệm, chung ký ức để chia sẽ thêm nhiều câu chuyện với nhau. Vì không chỉ “đất là nơi ta ở” mà cần biến nó thành những nơi có nhiều kỷ niệm, gắn bó, để khi ta đi thì “đất đã hóa tâm hồn”. 

Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng

- Là một người được đi nhiều nơi, học hỏi ở nhiều môi trường quốc tế như Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Đài Loan,... chị nghĩ sao về câu chuyện kiến tạo không gian cộng đồng tại Việt Nam hiện tại? 

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng nó cũng giống như một thử nghiệm của những người học và nghiên cứu về đô thị ở quy mô nhỏ nhất. Vì đó là quy mô mà một vài cá nhân, một cộng đồng nhỏ có thể can thiệp được. Thế nhưng ở quy mô lớn hơn là quy mô quốc gia thì cần phải có sự chung tay của rất nhiều cơ quan, bộ ban ngành, chủ đầu tư… 

Trước đây có rất nhiều chủ đầu tư họ muốn xây dựng nhiều nhất có thể, 70 - 80% diện tích nhưng mà bây giờ càng ngày càng có nhiều chủ đầu tư muốn tạo ra những giá trị riêng như Ecopark, mật độ xây dựng rất thấp, thay vào đó là những không gian công cộng giàu trải nghiệm. Ecopark có tỷ lệ cây xanh vượt chuẩn, rất nhiều không gian cho sinh hoạt cộng đồng dành cho người dân vui chơi, tổ chức lễ hội hay tận hưởng một cuộc sống xanh với đường đi dạo... Đó là những sự thay đổi rất tích cực. Nếu nó trở thành một xu hướng chung thì sẽ rất rất tuyệt vời. 

Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng

Ecopark có tỷ lệ cây xanh vượt chuẩn, rất nhiều không gian cho sinh hoạt cộng đồng.

Tôi muốn kể một câu chuyện ở Singapore, ban đầu họ xây dựng chủ trương đưa “khu vườn vào trong thành phố”, tức là tất cả không gian còn lại trong đô thị họ biến thành mảng xanh. Thế nhưng sau đó họ thấy rằng đô thị vẫn tiếp tục mọc lên và không gian xanh không đảm bảo thì họ cố gắng “đưa thành phố vào trong khu vườn”. Khi tư tưởng thay đổi như vậy thì họ sẽ ưu tiên không gian xung quanh và không cho phát triển đô thị ở những khu đã có thiên nhiên. Và khu vực hiện có trong đô thị phải phát triển hiệu quả hơn bằng cách thay thế những không gian kém hiệu quả, xuống cấp bằng những không gian cao tầng, mật độ nén cao hơn. Những tư tưởng đó tác động rất nhiều đến đời sống và thể hiện rất rõ qua những gì mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày.

Nói đến đây, KTS. Tạ Thu Hương chỉ tay ra cửa sổ. Với tầm nhìn từ tầng 24, chúng tôi có thể bao trọn một vùng rộng lớn của Thủ đô. Chị chia sẻ tiếp: “Như chúng ta đang được sống ở Hà Nội – một trong hai thành phố phát triển hàng đầu của quốc gia, nhưng nhìn ra bên ngoài ta sẽ thấy mình đang sống trong mô hình “khu vườn trong thành phố”, rất ít mảng xanh. Biết đâu sau này mình sẽ được giống như Ecopark là “thành phố trong khu vườn” (cười)

Dù thế nào đi chăng nữa thì tất cả mọi sự thay đổi đều phải xuất phát từ bên trong nhận thức của từng người dân một. Càng ngày mọi người càng có nhiều sự lựa chọn khi sống trong đô thị. Vì vậy cộng đồng dân cư, một khu đô thị muốn trở nên hấp dẫn, muốn trở nên có giá trị độc đáo, có văn hóa ấn tượng thì từng người dân sống trong đó phải thay đổi. 

- Nó giống như một hệ sinh thái phải không, thưa kiến trúc sư?

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Cụm từ hệ sinh thái này rất hay. Năm 2017, tôi được mời tham gia khóa đào tạo về “Quy hoạch đô thị và tăng trưởng thông minh” tại Singapore do Chính phủ Mỹ tài trợ trong chương trình sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Kết thúc khóa học này, tôi rất tâm đắc với triết lý phát triển của Singapore với câu nói của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu “Think big, do small, action now” - “Hãy luôn nghĩ lớn - nghĩ những điều chưa ai làm, nghĩ về tương lai của quê hương đất nước với những điều tốt đẹp, tích cực...”. Khi mỗi chúng ta là một phần tử sống trong một cộng đồng lớn, hãy làm trọn vẹn những gì trong hệ thống của mình, trước tiên là trong cộng đồng nhỏ của mình và thể hiện tốt nhất vai trò của bản thân, lan tỏa năng lượng tích cực, những giá trị mà mình có cho cộng đồng. 

Kiến tạo không gian công cộng
Kiến tạo không gian công cộng

Các dự án kiến tạo không gian công cộng trước và sau khi hoàn thành.

- “Think big, do small, action now” – “Nghĩ lớn, làm vừa sức và hành động ngay” - Tôi cảm nhận rất rõ tinh thần này của chị thông qua từng dự án mà chị và các cộng sự đã làm...

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Khi bắt đầu nghĩ về ABC một cách bài bản thì tham vọng lớn nhất của chúng tôi là có thể góp phần thay đổi và đưa các không gian đô thị của Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới, biến Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo. Sáng tạo có nghĩa là tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người và trân trọng nó. 

Làm thế nào để những dự án kiến tạo không gian sống được lan tỏa mạnh mẽ nhất, không chỉ là chúng tôi – ABC làm nữa mà còn rất nhiều những tổ chức, đội nhóm khác và bất cứ cá nhân nào cũng có thể tham gia vào việc kiến tạo này. 

Làm vừa sức có nghĩa là mỗi một năm trong khả năng của mình, ABC cố gắng thực hiện từ 1 – 2 dự án để tận tâm với nó. Hành động ngay là trong bất cứ bức thư nào gửi đến dự án thì chúng tôi đều bắt tay vào thực hiện, khảo sát, nghiên cứu cùng cộng đồng dân cư ngay và làm thế nào để có phương án hợp lý nhất.

Mọi người không chỉ nhìn đô thị là nơi tập trung dân cư với những năng liệu tiêu cực như trộm cắp, cướp giật… mà phải là những giá trị tích cực của niềm vui, của hạnh phúc… Từ những điều nhỏ như vật sẽ góp phần thay đổi tư duy. Nếu không thể làm gì đó quá lớn lao thì hãy làm những điều nhỏ nhất bằng tất cả tâm sức của mình. Những điều nhỏ bé ấy là thuyết phục cộng đồng dân cư, thuyết phục những người trong không gian sống đó trân trọng những giá trị nhỏ nhất xung quanh mình và không ngừng cùng nhau kiến tạo vì một đô thị sáng tạo và hạnh phúc hơn. 

Kiến tạo không gian công cộng

- Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hà Nội xác định có hơn 117 cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời khỏi nội đô. Quỹ đất sẽ được tái thiết để kiến tạo những giá trị mới, trong đó, thiết kế không gian sáng tạo phục vụ lợi ích cộng đồng trong khu vực là một giải pháp được thành phố hướng đến. Với vai trò là một kiến trúc sư, chị nghĩ sao về chủ trương này của Chính phủ? 

KTS. Tạ Thị Thu Hương: Trước đây có rất nhiều xu hướng phát triển đô thị trên cả nước như đô thị nén, đô thị tập trung dân cư, đô thị thông minh, đô thị xanh… Nhưng Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc phát triển đô thị sáng tạo. 

Giới kiến trúc sư rất quan tâm đến câu chuyện cải tạo những không gian cũ của Hà Nội như nhà máy, xí nghiệp cũ… để biến nó thành những không gian đa dạng hơn, trở thành không gian nghệ thuật triển lãm, trình diễn. Điều đó góp phần làm cho cuộc sống của người dân thay đổi và trở nên đa dạng, nhiều sắc màu.

Mỗi một sự sáng tạo sẽ không cô đơn, sẽ luôn có người đồng hành đi cùng nó và nhờ có sự ủng hộ khuyến khích từ cấp trên vĩ mô như thế này thì rõ ràng không gian sáng tạo của Hà Nội sẽ trở thành mạng lưới sáng tạo. Mạng lưới đó sẽ trở thành đặc trưng, có dấu ấn. Mình sẽ xây dựng được những tour du lịch kết nối những điểm sáng tạo đấy để mọi người có thể đi đến đó và thấy rằng sáng tạo khác với những giá trị thương mại ở chỗ rằng, mặc dù sau này nó có thể trở thành giá trị thương mại nhưng tại thời điểm nó được công nhận là giá trị sáng tạo thì nó là số ít, số hiếm. Khi chúng ta ghi nhận số ít và số hiếm ấy là chúng ta dần cho những tiếng nói thiểu số được bộc lộ, xứng đáng được nhấn mạnh. 

Sáng tạo nghệ thuật gắn liền với đô thị sẽ là giá trị mới cho Thủ đô để những ai đến Hà Nội đều thấy rằng hàng ngày tôi không chỉ được tận hưởng không khí, kiếm thêm tiền ở không gian này mà rõ ràng tôi đang được hưởng lợi từ thành phố này, tôi được tận hưởng nghệ thuật từ thành phố này, đường phố này. Có những giá trị mà hóa ra ở thành phố này tôi mới được nhận những giá trị đấy, chứ không phải tôi chỉ đến đây cống hiến rồi đi về, mà mỗi ngày tôi đi qua, nhìn thấy các tác phẩm nghệ thuật tức là tâm hồn tôi được nuôi dưỡng, tôi được cảm nhận và hưởng thụ những tác phẩm có thể lên đến cả triệu đô (cười)

Tôi nghĩ các chủ đầu tư khi đưa ra thông điệp của mình thì không chỉ là những tòa nhà mà thiết kế không gian sáng tạo phục vụ lợi ích cộng đồng trong khu vực còn là sự gắn kết cả về nghệ thuật, thẩm mỹ, cảm xúc. Như vậy họ sẽ tạo ra được nhiều giá trị hơn nữa cho không gian sống của người dân, làm nên những vẻ đẹp độc bản cho khu đô thị của họ, đồng thời những người dân ở khu đó họ cũng cảm nhận được tâm huyết mà chủ đầu tư mang lại. 

Đó là những giá trị mà nếu như mình thay đổi được, thì người dân sẽ thấy không phải họ đang mua một ngôi nhà mà đồng thời mua tất cả những giá trị và văn hóa ở trong đó. 

Giữa những sự sáng tạo với nhau thì ta luôn cần có cái nhìn bình đẳng và Chính phủ, Nhà nước luôn trân trọng tất cả những điều đó. Cái gì tích cực thì ta nên phát huy nó. Chúng ta cần thay đổi và sáng tạo, chúng ta không chỉ cần ăn, ở, mặc mà còn cần giao lưu, cần có thêm kiến thức, cảm xúc, năng lượng mới. Phương thức sống sáng tạo cần luôn được khuyến khích và chung tay cổ vũ để nó trở thành một xu thế và để góp phần giúp Nhà nước có thêm những niềm tin trong quá trình đưa ra những chính sách, quyết sách.

Dự án cải tạo không gian công cộng có tên "Không khí sạch - Thành phố xanh" trên phố Hoàng Văn Thái (Hà Nội).

Là một người tâm huyết với việc cải tạo các không gian công cộng, KTS. Nguyễn Đức Vinh, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng từng đưa ra nhận định: “Không gian công cộng bao gồm cả công trình công cộng còn mang những nét đặc trưng giúp con người nhận diện không gian và lưu lại trong ký ức hình ảnh về không gian ấy. Với thời gian tương tác đủ lâu, giữa không gian và con người sẽ nảy sinh tình cảm gắn bó. Không gian khi ấy mang giá trị tinh thần, được gọi là “tinh thần nơi chốn”.

Matthew Carmona và cộng sự tại Đại học Nottingham (Anh) trong cuốn sách kinh điển “Public Places Urban Spaces” (2003) được sử dụng rộng rãi trong những cơ sở đào tạo kiến trúc tại các quốc gia nói tiếng Anh đã nhìn nhận không gian công cộng, bao hàm cả các công trình kiến trúc công cộng nằm trong hoặc gắn kết với không gian định danh “public” ấy dưới nhiều góc độ, làm rõ sáu thuộc tính (đồng thời là sáu nhu cầu) cơ bản ở các mức độ khác nhau bao gồm: 1. Thị giác, 2. Nhận thức, 3. Hình thái, 4. Chức năng, 5. Thời gian và 6. Xã hội, cùng hai yêu cầu mở rộng trong bối cảnh xã hội hiện đại là: A. Bền vững; B. Tìm tòi sáng tạo. 

Trong thời gian qua, có nhiều tổ chức, dự án đã đứng lên cải tạo không gian công cộng không chỉ ở riêng Hà Nội mà còn ở các địa phương trên cả nước, tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ trong việc thay đổi tư duy, nếp sống của người dân. Mấu chốt cao nhất vẫn là hướng đến một cộng đồng gắn bó, một xã hội hạnh phúc. 

kiến tạo không gian công cộng
kiến tạo không gian công cộng
kiến tạo không gian công cộng

Làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam) - Công trình tiêu biểu cho việc kiến tạo không gian sống. Khi không gian công cộng được thiết kế và quản lý tốt sẽ là chìa khóa mở ra sự sống động về phát triển kinh tế xã hội, văn hóa bền vững của một địa phương.

Năm 2000, Jan Gehl - Kiến trúc sư, nhà tư vấn thiết kế đô thị nổi tiếng người Đan Mạch đã đưa ra 3 vấn đề cho hưởng thụ không gian công cộng, trong đó ông nhấn mạnh về chất lượng thẩm mỹ và những trải nghiệm giác quan tích cực bao gồm thiết kế, chi tiết trang trí, khung cảnh đẹp, môi trường xung quanh không khí, cây cối, thực vật và nước... Bên cạnh đó, không gian công cộng cần mang lại 6 loại tiện nghi là cơ hội đi bộ; cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn; cơ hội nghỉ chân; cơ hội quan sát, ngắm nhìn; cơ hội nghe, nói và trao đổi, chuyện trò; cơ hội vui chơi và các hoạt động khác.

Ảnh nhân vật: Trịnh Tây
15/6/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top