Aa

Kiến tạo những công trình và thành phố không carbon

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 12/11/2021 - 06:15

Kỳ vọng chung của ngành thiết kế công trình hiệu quả năng lượng trên toàn thế giới là các công trình sẽ tiêu thụ ở mức cân bằng năng lượng, tối ưu hiệu quả năng lượng kiến tạo những thành phố không carbon.

Điển hình như Cradle to Cradle (C2C) là một cách tiếp cận sinh học độc đáo, được ứng dụng trong thiết kế công nghiệp và thiết kế kiến trúc nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên và nguồn năng lượng tái tạo trong công trình cân bằng năng lượng.

Sự phát triển của vật liệu công nghệ tuần hoàn cũng mở ra nhiều cơ hội giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong quá trình xử lý, sản xuất vật liệu xây dựng.

Theo Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của Ủy ban châu Âu, đổi mới trong công nghệ vật liệu xây dựng có thể giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất và xử lý vật liệu xây dựng gây ra. Điện mặt trời mái nhà cũng được coi là giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng mà vẫn đảm bảo hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà thương mại thấp hoặc trung tầng.

Nhiều chuyên gia nhận định, công trình cân bằng năng lượng đã và đang trở thành một giải pháp được quốc tế đón nhận, và được kỳ vọng sẽ được phát triển ở Việt Nam. Đây sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế tối ưu nhu cầu sử dụng năng lượng, và hệ thống năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng. Việc tích hợp hai yếu tố này cũng giúp các dự án đầu tư đạt hiệu quả về mặt chi phí, giảm lượng khí thải carbon trong xây dựng và các công trình thương mại đang ngày càng tăng cao.

Chính sách và khung pháp lý được cải thiện cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng và phát triển thị trường cho các công trình cân bằng năng lượng.

Tại tuần lễ Công trình hiệu quả năng lượng Việt Nam 2021 được tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ các vấn đề về quy hoạch và phát triển đô thị cân bằng phát thải nói chung và các yếu tố chính của một công trình tiến tới cân bằng năng lượng. Thông qua đó, các chuyên gia cũng đem đến một bức tranh toàn diện, những ý tưởng gợi mở giúp Việt Nam bước đầu định hướng, xác định kế hoạch hành động phù hợp để hướng tới việc đặt nền móng đầu tiên nhằm kiến tạo những thành phố Net-zero (mức phát thải ròng bằng "0") tại Việt Nam trong tương lai.

TS. Emily McQualter, nhà phân tích chính sách tiết kiệm năng lượng tại Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho hay: “Theo nghiên cứu của chúng tôi về triển vọng năng lượng, múc độ tiêu thụ năng lượng từ 2017 - 2040 sẽ tăng trưởng đáng kể. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong công trình, giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch và cải thiện chất lượng không khí là những yêu tố quan trọng mà toàn xã hội cần tập trung vào. Đồng thời, các khung chính sách cũng cần được thúc đẩy để chúng ta phát huy hơn nữa các tiềm năng đạt được mục tiêu này".

hiệu quả năng lượng
Các chuyên gia chia sẻ tại toạ đàm

Về những thách thức và vai trò của thành phố trong quá trình giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bà Phạm Cẩm Nhung, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã có nhận định: “Ngày 1/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 trong bài phát biểu tại Hội nghị COP26. Thông qua ACA Liên minh Hành động vì Khí hậu quốc tế, chúng tôi đã và đang hành động quyết liệt vì mục tiêu chung và chúng tôi hy vọng sau khi COP26 kết thúc sẽ có thêm nhiều cơ quan chính quyền địa phương, khối tư nhân, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào chiến dịch Race to Zero và cam kết xây dựng chiến lược để đạt phát thải ròng bằng “0” càng sớm càng tốt.”

Từ đó, nhiều cơ hội mới cho các thành phố lớn cũng được thảo luận thông qua những bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu của các chuyên gia quy hoạch và đơn vị phát triển dự án xây dựng quốc tế.

TS. Nuri Cihan Kayacetin, Trường Đại học KU Leuven (Bỉ) chia sẻ: “Sức ép tăng trưởng nhanh các đô thị dẫn tới hai tình trạng là tăng độ nén tại đô thị cũ và mật độ xây dựng tại đô thị vệ tinh mới. Dự án nghiên cứu Việt - Bỉ muốn tìm ra lời giải đáp cho nhu cầu phải chuyển hóa thông tin về vật lý công trình, vật lý đô thị hay các dòng tài nguyên góp phần hỗ trợ cho việc ra quyết định đúng đắn trong trong thiết kế và quy hoạch”.

Dưới góc độ của đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng, thạc sĩ Khoa học Esther Gerritsen, chuyên gia tư vấn tối ưu năng lượng phát triển bền vững cho biết: “Chúng tôi áp dụng các nguyên tắc thiết kế bao gồm loại bỏ khí thải trực tiếp từ khí đốt tự nhiên, quá trình đốt cháy dầu diesel, cải thiện lớp vỏ tòa nhà, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, sử dụng các nguồn tại chỗ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc sản xuất năng lượng sưởi ấm và làm mát”.

Ở góc độ cơ quản lý Nhà nước, ông Lê Trung Thành, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định: “Nếu giảm được lượng than, điện và phát thải CO2 trong sản xuất vật liệu xây dựng sẽ trực tiếp giảm phát thải CO2 tại Việt Nam. Đồng thời, ứng dụng vật liệu kiệm năng lượng vào công trình xây dựng cũng sẽ làm giảm tiêu thụ điện năng, gián tiếp giúp giảm phát thải CO2 đối với công trình xây dựng”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top