Kiến tạo thành phố đáng sống: Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

Kiến tạo thành phố đáng sống: Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Ba, 15/11/2022 - 06:15

Xu hướng kiến tạo thành phố đáng sống với việc nâng cao chất lượng đô thị, đề cao mức sống và các chỉ số hạnh phúc cư dân thay vì chỉ chú trọng vào quy mô hay cơ sở hạ tầng đã trở thành điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Cũng chính vì lẽ đó, các thành phố đáng sống hiện nay đang trở thành nơi hội tụ của công dân toàn cầu, tạo ra lực hút lớn đối với giới tinh hoa, siêu giàu trên thế giới. 

Với vị thế mới của một thành phố đảo, Phú Quốc của Việt Nam cũng đang trên hành trình khắc họa chân dung của một đô thị đáng sống, nhất là khi những mô hình đại đô thị mang tầm quốc tế xuất hiện. 

**********

NHỮNG NẤC THANG HƯỚNG TỚI THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG

Định hướng kiến tạo các đô thị trở thành thành phố đáng sống đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia. Nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực từ biến đổi khí hậu và sau đại dịch Covid-19, con người càng thấu hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của một nơi ở tốt và xu hướng sống như nghỉ dưỡng lên ngôi.

Theo đó, để trở thành một thành phố đáng sống thì không gian đô thị lộng lẫy thôi chưa đủ, mà giá trị cốt lõi nằm ở yếu tố bền vững, thể hiện ở sự linh hoạt của các thành phố khi thích ứng, chống chọi trước những bất thường từ môi trường tự nhiên và xã hội. 

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: “Đô thị đáng sống phải là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố gồm xanh, bền vững, thông minh và an toàn. Mọi dịch vụ cung cấp như y tế, giáo dục, dịch vụ,... đều phải là những hệ sinh thái tốt”.

Nhiều quốc gia trên thế giới không bắt buộc việc xây dựng một thành phố đáng sống phải dựa theo những tiêu chuẩn, khuôn mẫu nhất định. Tuy nhiên, để trở nên “đáng sống” theo đúng nghĩa vẫn cần phải đáp ứng một vài điều kiện cơ bản như không gian, hạ tầng, giao thông công cộng, dịch vụ tiện ích xung quanh,... Đặc biệt, các khu đô thị còn cần được chú trọng đến việc hình thành không gian xanh - điều mà trước đây đã bị nhiều chủ đầu tư và nhà quy hoạch lãng quên. 

Có nhiều thước đo để giúp định ra chuẩn mực của một thành phố đáng sống. Chẳng hạn như bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2022 của Tạp chí Economist công bố đã dựa trên những yếu tố bao gồm chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ tội phạm, ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là khả năng tiếp cận không gian xanh.

Trong đó, Thủ đô Vienna của Áo là điểm đến số 1 được cả thế giới công nhận về chất lượng cuộc sống. Xếp theo thang điểm 100 thì thành phố này đạt 96,3 điểm về văn hóa và môi trường; trong khi các chỉ số về mức độ ổn định, giáo dục và cơ sở hạ tầng đều đạt ở ngưỡng tuyệt đối.

Thủ đô Vienna của Áo là điểm đến số 1 được cả thế giới công nhận về chất lượng cuộc sống (Ảnh minh họa).

Một thành phố khác là Copenhagen của Đan Mạch cũng nhiều năm liền được bình chọn là một trong những thành phố đáng sống nhất châu Âu. Được mệnh danh là “trái tim” của Đan Mạch, thành phố mang đậm kiến trúc Bắc Âu. Không gian trong lành, yên tĩnh, cùng cảnh quan thơ mộng và những món ăn hấp dẫn là các yếu tố giúp Copenhagen trở nên nổi tiếng và ngày càng đáng sống. 

Có thể thấy, việc quy hoạch và xây dựng một thành phố dù theo hướng nào thì mục đích cuối cùng cũng là để phục vụ con người. Khái niệm “đáng sống” được đưa ra không chỉ đơn thuần liên quan tới các chỉ tiêu về kinh tế hay cơ sở hạ tầng, mà con người và chất lượng sống mới là yếu tố then chốt.

Tại Việt Nam, sau hàng thập kỷ đổi mới, hiện nay hệ thống đô thị ngày càng phát triển. Theo thời gian, những thành phố lớn đã và đang lần lượt vươn mình đem đến diện mạo kiến trúc mới hiện đại hơn, văn minh hơn cho đất nước. Tuy nhiên, muốn đi được đường dài thì quá trình đô thị hóa phải gắn liền với những yếu tố phát triển bền vững. Theo đó, các thành phố dần phải trở nên đáng sống hơn. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, một mái nhà đối với mỗi cư dân không chỉ là nơi che mưa che nắng, đó phải là một tổ ấm đúng nghĩa lưu giữ những gì thuần chân của 2 tiếng “gia đình”. Ở đó, tâm hồn trẻ thơ được di dưỡng với đầy đủ tiện ích, kiến trúc hiện đại, không gian đẹp đẽ, thiên nhiên giao hòa,... Ngôi nhà đáng sống không chỉ là nơi ta sống đơn thuần, mà rộng hơn là cuốn nhật ký đặc biệt lưu giữ những trang viết rực rỡ về cuộc đời mỗi người. 

Vì lẽ đó, các thành phố của Việt Nam cần có tầm nhìn phát triển lâu dài trong tương lai. “Thành phố đáng sống hướng tới mục tiêu vì người dân và để người dân được hưởng lợi ích do xã hội mang lại. Bên cạnh đó, du khách, nhà đầu tư đến sống cũng thấy hài lòng. Mục tiêu là làm sao phát triển bền vững, đa dạng văn hóa và mang tầm quốc tế”, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀ YẾU TỐ SỐNG CÒN

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, các dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành các khu đô thị có sức sống, vì con người, sẽ luôn có sức cạnh tranh lớn và có giá bán cao vượt trội.

Hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống các đô thị hướng đến mục tiêu đáng sống đã và đang tập trung trải dài trên 3 miền Bắc - Trung - Nam. Các địa phương tiên phong dẫn đầu làn sóng này đều có tôn chỉ lấy cư dân làm trung tâm cho mọi định hướng phát triển. Không ít doanh nghiệp bất động sản đã nhận ra cơ hội và nhanh chóng thích ứng bằng cách đẩy mạnh đầu tư, kiến tạo nên những thành phố đáng sống vào quy trình kinh doanh để hướng đến mục tiêu bền vững.

Một trong những địa phương luôn đứng top đầu danh sách tìm kiếm những thành phố đáng sống nhất ở Việt Nam chính là TP. Đà Nẵng. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố thu hút các công dân toàn cầu không chỉ đến tham quan mà còn mong muốn ở lại cư trú lâu dài. Cảnh quan hùng vĩ, ẩm thực phong phú, khí hậu nhiệt đới ôn hòa là yếu tố then chốt giúp cư dân nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với cuộc sống nơi đây.

Tuy nhiên, việc định hướng, quy hoạch và vận hành một cách đồng bộ ngay từ đầu tại những nơi này còn gặp nhiều rào cản, lý do là bởi mô tuýp phát triển đã hình thành từ lâu. Do đó, xét về yếu tố bắt kịp xu thế vào việc phát triển bất động sản thì những thành phố trẻ đi sau lại có lợi thế “đi tắt, đón đầu” khi vừa có thể học hỏi, kế thừa kinh nghiệm từ các địa phương tiên phong, vừa cập nhật kịp thời những gì tiên tiến nhất, hiện đại nhất.

Các dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành các khu đô thị có sức sống, vì con người, sẽ luôn có sức cạnh tranh lớn và giá bán cao vượt trội.

PHÚ QUỐC: TƯƠNG LAI CỦA MỘT THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG, HỘI TỤ GIỚI TINH HOA

Phú Quốc có nhiều ưu thế về vị trí địa lý, quy mô, diện tích… mang theo nhiều kỳ vọng phát triển thành trung tâm du lịch mang tầm vóc lớn không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và châu Á. Với nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, cần khai phá hết tiềm năng để đưa Phú Quốc đạt đến sự phát triển xứng tầm.

Từ bước ngoặt trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, Phú Quốc được kỳ vọng sẽ vượt lên từ một nơi đáng đến trở thành nơi đáng sống, thu hút công dân toàn cầu trong tương lai. Đảo Ngọc hiện đang nổi lên đầy rực rỡ với vị thế của một “ngôi sao mới” đương mở rộng cánh cửa chào đón cơ hội kiến tạo đô thị một cách bài bản, toàn diện và mới mẻ.

Nhìn nhận về những lợi thế của thành phố đảo, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định Phú Quốc là nơi tập trung nhiều điểm mạnh.

“Đây là vùng biển đảo còn giữ nguyên được bản chất thiên nhiên; địa hình đa dạng khi có đồng bằng, có sông và có 99 ngọn núi. Đặc biệt, tại đây có thảm thực vật phong phú, có cả rừng nguyên sinh, vườn cây công nghiệp, vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, Phú Quốc còn là vùng biển trong xanh với nhiều đảo nhỏ chưa có người ở. Đây là lợi thế khai thác lớn mà không phải địa phương nào cũng may mắn có được”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nói.

Chuyên gia này phân tích thêm, tại Việt Nam, đô thị hóa đã khiến nhiều thành phố lớn ghi nhận chỉ số ô nhiễm bụi mịn ở ngưỡng cao nên nhu cầu đi du lịch hưởng thụ trải nghiệm không khí trong lành cực kỳ quan trọng. Môi trường Phú Quốc hoàn toàn sạch sẽ, chưa chịu bất kỳ dạng ô nhiễm nào trên đất và trên đảo. Bên cạnh đó, nước biển, đáy biển, nước sông, không khí ở đây cũng chưa bị quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tác động. Đây chính là những đặc điểm quan trọng để định hình phương thức phát triển bất động sản trong giai đoạn đầu tiên tại Phú Quốc, là cơ sở để Phú Quốc trở thành một thành phố đảo đáng đến và đáng sống.  

TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, Phú Quốc đang hội tụ nhiều điểm sáng để có thể đặt mục tiêu trở thành một thành phố đáng sống trong tương lai. “Một thành phố đáng sống chắc chắn đáng đến nhưng một nơi đáng đến thì chưa chắc đáng sống. Một đô thị đáng sống phải phát triển bền vững. Người dân ở đó phải được hưởng thành quả và hạnh phúc. Tuy nhiên một điểm rất quan trọng chứng minh thành phố đó có thực sự đáng sống, có so sánh được với các đối thủ quốc tế hay không, đó là ở khả năng thu hút giới tinh hoa, người giàu, doanh nhân,.... Và Phú Quốc đã bước đầu làm được điều đó khi thu hút được các “đại bàng” hội tụ về miền đất hứa”, ông Thành nhấn mạnh.

Thành phố có thực sự đáng sống, có so sánh được với các đối thủ quốc tế hay không, đó là ở khả năng thu hút giới tinh hoa, người giàu, doanh nhân,....

Là một trong những doanh nghiệp nhạy bén đón đầu thị trường bất động sản Phú Quốc, Tân Á Đại Thành đã và đang kiến tạo nên mô hình đô thị tinh khiết lõi trung tâm đảo Ngọc, góp phần hoàn thiện tính đáng sống của thành phố đảo, trở thành dự án động lực thu hút công dân toàn cầu hội tụ về phố đảo Phú Quốc.

Khu đô thị được bao bọc bởi 3 dãy núi: Núi Ra Đa, Núi Vô Hương, Núi Kiến Văn nên khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Bên cạnh mật độ cây xanh lớn thì điểm nhấn sinh thái của dự án còn nằm ở chuỗi công viên Hồ, công viên Sông và công viên Đại Dương được ví như “long mạch phồn hoa” mang tới phong thủy thịnh vượng cho cư dân tinh hoa. 

Bên cạnh đó, cuộc sống tiện nghi được đảm bảo với hàng trăm tiện ích 5 sao như: Sân tập golf, trung tâm thể thao, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm biểu diễn nghệ thuật,… Đồng thời, chủ đầu tư còn hợp tác cùng các đơn vị quản lý giáo dục, y tế, thương mại, tài chính quốc tế để xây dựng hệ thống trường liên cấp chuẩn quốc tế, các tháp tài chính ngân hàng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, cơ sở y tế, công trình công cộng,... 

Ông Trịnh Ngọc Thái, Giám đốc Vận hành Khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc cho biết, muốn vận hành một khu đô thị để trở thành nơi đáng sống với cư dân thì cần đến ba yếu tố.

“Đầu tiên là an ninh an toàn cho cư dân. Thứ hai là cảm giác được an cư lạc nghiệp. Các chỉ số từ môi trường, dịch vụ, giáo dục… đều được ưu tiên và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để người dân cảm nhận được chất lượng cuộc sống cao. Và cuối cùng là phát triển đô thị thông minh, hiện đại với đầy đủ tiện ích”, ông Thái chia sẻ.

Khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc. 

Mới đây, Phú Quốc đã lọt top 100 thành phố đáng đến nhất thế giới năm 2022 do Tạp chí danh tiếng Travel & Leisure bình chọn. Trước đó, năm 2021, Phú Quốc cũng được International Living đánh giá trong Top 15 hòn đảo tốt nhất để sống khi nghỉ hưu. Tiêu chí đánh giá xếp hạng của những giải thưởng uy tín này đều dựa vào giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp tự nhiên, điều kiện sống…

Những giải thưởng này đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc. Từ một làng chài nghèo cách biệt với đất liền nhưng được thiên nhiên ưu ái với bãi biển hoang sơ, đẹp đẽ đã vươn mình để từng bước trở thành đô thị đáng đến và đáng sống mang tầm vóc quốc tế.

Nhìn chung, việc kiến tạo và phát triển thành phố đáng sống đối với không chỉ riêng Phú Quốc mà ở cả các đô thị khác trên cả nước. Đây là xu thế tất yếu để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trở thành đô thị toàn diện, thu hút làn sóng định cư lâu dài chứ không chỉ đơn thuần là điểm đến du lịch ngắn ngày như trước đây./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top