Lời tòa soạn:
Song hành với sự phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam, những khu đô thị, khu chung cư văn minh, hiện đại đang hình thành lên ở các thành phố lớn. Nhu cầu về việc tạo lập những giá trị sống mới với những tiêu chuẩn về vật chất và tinh thần ngày một cao. Ngôi nhà đối với mỗi cư dân không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, đó phải là một không gian sống đầy đủ tiện ích, giao hòa với thiên nhiên để con người có thể nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng, là “chốn” ghi dấu những kỷ niệm trong cuộc đời.
Từ lý do trên, được sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại. Sau số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hưởng ứng của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và truyền thông,
Tiếp nối chuỗi Tọa đàm, để kiến tạo nên những không gian sống hiện đại, phải kể đến vai trò của kiến trúc và những giải pháp xây dựng, cốt lõi là những công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Do đó, với mong muốn tập trung đi sâu vào góc nhìn chuyên môn mang tính giải pháp, Tọa đàm số 02 sẽ có chủ đề: “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0”, được tổ chức vào ngày 25/6.
Song song với việc tổ chức Tọa đàm, Reatimes thực hiện và khởi đăng tuyến bài “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0”.
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
“Kiến trúc 4.0”, tại sao không?
Cùng với sự tiến triển các cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại, kiến trúc là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ hệ quả của quá trình này do đây là lĩnh vực kiến tạo không gian, đáp ứng kịp thời những thay đổi và cập nhật nhu cầu của con người theo thời gian và sự phát triển xã hội. Chung cư được xem là một sản phẩm nhà ở mới xuất hiện kể từ khi các cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ và tác động mạnh mẽ vào lĩnh vực nhà ở đô thị.
Chính vì vậy, bước sang thời kỳ Công nghiệp 4.0, chung cư cũng cần có những thay đổi trong các quan điểm kiến tạo lẫn việc vận hành kiến trúc, cũng như trong các yếu tố vật chất lẫn tinh thần sử dụng không gian. Khái niệm “chung cư linh hoạt” đang được nhắc nhiều hơn gần đây bởi sự hỗ trợ của các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vật liệu xây dựng, giúp con người có thể tạo ra nhiều hình thái không gian khác nhau đáp ứng những nhu cầu khác nhau theo từng giai đoạn khác nhau của đời người.
Thuật ngữ “chung cư linh hoạt” thường được biết đến trong một khái niệm lớn hơn là “nhà ở linh hoạt”, được định nghĩa là nhà ở được thiết kế để người sử dụng có thể tùy biến theo nhu cầu cả về chức năng xã hội và xây dựng, hoặc được thiết kế để có thể thay đổi trong suốt vòng đời.
Tính linh hoạt trong thiết kế nhà ở luôn được đặt trong những cân nhắc, tính toán bởi phải đồng thời thỏa mãn cả ba phương diện. Đầu tiên là sự đòi hỏi từ các nhu cầu xã hội, tiếp theo là sự đáp ứng bởi khả năng kinh tế, và cuối cùng là sự hiện thực hóa thông qua các công nghệ xây dựng.
Mức độ linh hoạt được xác định theo hai cách. Thứ nhất là khả năng thích ứng, được định nghĩa là “có khả năng sử dụng (cho nhiều đối tượng) xã hội khác nhau” và thứ hai là khả năng linh hoạt, được định nghĩa là “có khả năng sắp xếp vật lý khác nhau”. Các nguyên tắc này cho phép thay đổi chức năng và không gian trong nhà ở bởi chính người sử dụng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực từ các nghiên cứu về thiết kế lẫn nhu cầu sử dụng để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và sự vận hành ổn định chung, nhưng tính linh hoạt trong thiết kế nhà ở chưa bao giờ được chấp nhận hoàn toàn. Chẳng hạn như ở Việt Nam, người dân vẫn thích mua những ngôi nhà được thiết kế sẵn, nhưng sau đó lại phải bỏ thêm một khoản tiền để thay đổi các không gian đã định sẵn đó nhằm phù hợp với nhu cầu riêng.
Xu hướng thiết kế các chung cư tương ứng với một số loại hộ gia đình cụ thể tại một thời điểm cụ thể phản ánh cách suy nghĩ chỉ dựa trên kinh tế ngắn hạn. Thay vào đó, chúng ta nên chấp nhận những quan điểm cư trú dài hạn hơn, phản ánh những dự báo nhà ở tương lai trong một thời kỳ công nghệ thay đổi chóng mặt, dẫn đến nhu cầu và thị hiếu nhà ở của con người cũng thay đổi tương ứng.
Nguyên tắc nào để linh hoạt hóa không gian căn hộ chung cư?
Vậy, làm thế nào để đạt được một không gian cư trú riêng tư tốt, không tốn kém, có thể tùy chỉnh theo nhu cầu và thị hiếu của con người, để người dùng có thể thể hiện dấu ấn và cá tính của họ thông qua không gian căn hộ của họ? Một không gian chung cư có thể tùy biến thực sự khi đảm bảo một loạt các thuộc tính như:
Tính có thể thay đổi của không gian: Sự có thể thay đổi này được xem xét cả trên phương diện hình thức và chức năng của các không gian, bởi, khi không gian được thiết kế và xây dựng một cách cố định ngay từ đầu thì sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể, để thay đổi hình thức hoặc chức năng của nó trong tương lai.
Tính tạm thời của không gian: Nhu cầu thay đổi, nhân khẩu thay đổi, thị hiếu thay đổi... là những thay đổi không tránh khỏi trong quá trình vận hành và phát triển cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, việc bị “mắc kẹt” trong cấu hình ban đầu trong khi thế giới xung quanh và chính con người đang thay đổi hàng ngày lại trái với mục đích chính của các dự án nhà ở hiện nay: Phát triển, cải thiện môi trường cư trú để đem lại cuộc sống tiện nghi, thú vị hơn và phù hợp hơn với mỗi cư dân.
Tính hồi biến của không gian: Khi một lựa chọn tùy biến không gian được đưa ra, giải pháp kiến trúc phải đảm bảo rằng sẽ luôn có thể quay lại trạng thái trước đó. Trong thực tế, không phải lúc nào các lựa chọn luôn là đúng hoặc bất biến theo thời gian, từ đó, tính hồi biến là một thuộc tính quan trọng của kiến trúc linh hoạt.
Tính cá nhân hóa của không gian: Kiến trúc luôn là sự thỏa hiệp hoàn hảo giữa nhu cầu cá nhân, công nghệ xây dựng và lợi ích kinh tế. Trước đây, thường chỉ chủ nhân những ngôi nhà mặt đất mới có khả năng đưa ra quyết định ngay từ trong quá trình thiết kế nhờ vào việc sở hữu hoàn toàn cá nhân ngôi nhà của họ. Tuy nhiên, ngày nay, do xã hội ngày càng văn minh và dân chủ, nhu cầu thể hiện tính cá nhân của con người, đặc biệt là trong những không gian nhà ở được sản xuất công nghiệp hàng loạt, cũng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Trên thực tế, nhu cầu cá nhân hóa này đã được các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất rất chú ý thông qua việc tạo ra các dòng sản phẩm khác nhau đáp ứng các lựa chọn cá nhân.
Tính tiêu chuẩn hóa của không gian: Tiêu chuẩn hóa các kích thước, điển hình hóa các chức năng kiến trúc là phương cách xây dựng phù hợp nhất để có thể áp dụng được những tùy biến cho các không gian của cuộc sống. Việc tiêu chuẩn hóa, điển hình hóa sẽ tạo ra các mô-đun (module) không gian trong một hệ thống cho phép chúng ta có thể đưa ra được nhiều giải pháp khả thi khác nhau. Lúc này, việc thay đổi các không gian sẽ giống như trò chơi ghép hình khối Lego của những đứa trẻ.
Tính nhanh chóng trong tùy biến của không gian: Các giải pháp thay đổi không gian cần được thực hiện một cách nhanh chóng nhất, đáp ứng kịp thời nhất theo những thay đổi của người dùng. Thời gian giữa việc thay đổi nhu cầu và chức năng với cấu hình không gian nên càng ngắn càng tốt.
Tính dễ dàng trong tùy biến của không gian: Sự dễ dàng của quá trình thay đổi tất nhiên là một trong những điểm quan trọng vì sự dễ dàng cho phép mọi người thích nghi với không gian sống của chính họ một khi thay đổi xảy ra. Không ai sẵn sàng thay đổi các không gian khi phải đối mặt với những “khó khăn” hay “thử thách” ảnh hưởng đến thói quen cuộc sống mới mà họ phải cần thời gian để thích nghi, hoặc cần đến sự hỗ trợ quá nhiều các nguồn lực từ bên ngoài.
Tính hợp lý kinh tế của không gian: Những thay đổi không gian tất nhiên phải tôn trọng nguyên tắc giá hợp lý, thậm chí là rẻ. Không ai sẵn sàng thực hiện các thay đổi trong môi trường không gian và chức năng của nhà ở nếu quá trình này gây tốn kém tài chính.
Như vậy, trái ngược với các mặt bằng cố định, các căn hộ chung cư sẽ có các “mặt bằng mở” với tính linh hoạt đạt được thông qua khả năng tùy biến không gian cho người dùng dựa trên các yếu tố đã được đề cập ở trên. Ưu điểm của loại mặt bằng mở này so với các mặt bằng cố định là hiệu suất sử dụng không gian cao hơn nhằm đáp ứng linh hoạt nhất một số hoạt động nhất định mà không bị giới hạn bởi các yếu tố vật chất và kỹ thuật.
Liệu đã đến lúc phải thông minh hóa kiến trúc chung cư đô thị?
Trong mặt bằng mở của cấu trúc căn hộ linh hoạt sẽ có đồng thời các yếu tố “phần mềm” và “phần cứng”.
Phần mềm đề cập đến thành phần không gian cho phép những sự thay đổi nhất định cùng với các phương pháp, cách thức thay đổi tương ứng. Trong khi đó, phần cứng sẽ là những yếu tố xác định cụ thể các thành phần không nên và không thể thay đổi để đảm bảo quá trình vận hành chung của tòa nhà, chẳng hạn các không gian kỹ thuật, hoặc các không gian hỗ trợ liên quan đến các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà như kết cấu, giao thông trục đứng, mạng lưới cấp, thoát nước...
Các công nghệ xây dựng hiện đại sẽ hỗ trợ tốt việc xây dựng các cấu trúc linh hoạt từ đó cung cấp việc sử dụng và khai thác linh hoạt môi trường nhà ở.
Về mặt sử dụng, phần cứng được xem là đơn chức năng. Nghĩa là được xác định chức năng ngay từ khi thiết kế ban đầu. Còn phần mềm sẽ là đa chức năng, nghĩa là chức năng sẽ được xác định tùy theo nhu cầu và thị hiếu người sử dụng.
Đối với phần mềm, người thiết kế cũng có thể đưa ra các kịch bản gợi ý khác nhau, để từ đó có được các giải pháp linh hoạt cho các thành phần xác định và vận hành không gian một cách thông minh như:
Tường, vách thông minh: Thông qua các giải pháp linh hoạt hóa tường, vách nội bộ trong căn hộ đóng vai trò phân định không gian, ngăn chia giữa các phòng dựa trên việc có thể di chuyển được các bức tường, vách này như quay, trượt, gấp, xếp, treo... Ngoài ra, tùy theo chức năng được dự báo mà hệ thống tường, vách linh hoạt này có thể đảm nhận thêm một số yêu cầu kỹ thuật như cách âm, cách nhiệt, mang vác đồ đạc, hoặc kết hợp với các thiết bị nội thất...
Đồ nội thất thông minh: Thông qua các giải pháp linh hoạt hóa đồ nội thất trong căn hộ dựa trên việc “biến hình” các đồ nội thất bởi các tác động cơ học của con người hay bằng các máy móc được điều khiển cơ học hoặc tự động do các ứng dụng phần mềm điều khiển, hay thay đổi vị trí các đồ nội thất trong không gian, tương ứng với chức năng khác nhau. Cũng như tường, vách thông minh, đồ nội thất thông minh có thể dựa trên việc di chuyển được thông qua việc quay, trượt, gấp, xếp, treo... toàn bộ hay một phần cấu trúc của chúng.
Hệ thống kỹ thuật thông minh: Thông qua các giải pháp linh hoạt hóa hệ thống kỹ thuật phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của con người, đáp ứng sự thay đổi của các không gian lẫn sự “biến mất” hay “di chuyển” của các bức tường vốn được mặc định dùng để mang và giấu hệ thống kỹ thuật, chẳng hạn như linh hoạt hóa hệ thống cấp điện bằng các thiết bị gắn sàn kết hợp sàn kỹ thuật thay vì chỉ sử dụng các ổ cắm, công tắc, điều khiển gắn tường truyền thống, linh hoạt hóa hệ thống chiếu sáng dựa trên chiếu sáng tổng thể làm nền kết hợp với chiếu sáng cục bộ bằng các loại đèn đặt sàn theo từng yêu cầu ánh sáng của mỗi loại không gian.
Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các công nghệ xây dựng hiện đại sẽ hỗ trợ tốt việc xây dựng các cấu trúc linh hoạt, từ đó cung cấp việc sử dụng và khai thác linh hoạt môi trường nhà ở. Trong tương lai, tính linh hoạt, có thể được như một khía cạnh mới của giá trị sử dụng các căn hộ chung cư, đòi hỏi sự phát triển các khái niệm thiết kế mới đáp ứng những thay đổi không thể đoán trước nhưng lại có thể dự báo trước trong các dự án nhà ở.
Những thay đổi này dựa trên việc nhận biết các đặc điểm vận hành và cách thức xác định không gian trong nhà ở theo những phản hồi từ thị trường. Nói cách khác, việc xác định các yếu tố cố định và biến đổi của không gian kiến trúc, đi cùng các giải pháp thông minh hóa sẽ là chìa khóa để có thể mở ra các giải pháp linh hoạt hóa không gian kiến trúc chung cư đô thị nhằm tăng giá trị sử dụng, giúp các chung cư trở nên “con người” nhiều hơn.