Thiếu đi văn hóa bản địa, đô thị chỉ là bản photocopy

Thiếu đi văn hóa bản địa, đô thị chỉ là bản photocopy

Thúy Quỳnh (thực hiện)
Thúy Quỳnh (thực hiện) buithuyquynh2312@gmail.com
Thứ Bảy, 22/04/2023 - 08:10

Chúng ta làm quy hoạch, kiến trúc cho người Việt Nam, cho các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Vì thế, quy hoạch, kiến trúc phải phù hợp với văn hóa bản địa, với con người của địa phương đó". - KTS. Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh. 

Dân số Việt Nam, tính đến ngày 30/3/2023 theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, đã tiệm cận rất gần con số 100 triệu người. Trong đó, gần 40% là dân cư thành thị. Sự hình thành và phát triển các đô thị tại Việt Nam đã đem đến những thay đổi đáng kể trong cách con người vận động để phát triển. Vai trò của đô thị, không chỉ được thể hiện trên diện mạo kinh tế, mà còn ở phương diện xã hội, phản ánh một phần quan trọng lối sống, văn hóa và hoạt động cộng đồng của cư dân đô thị.

Bởi vậy, văn hóa đô thị Việt Nam đang dần được hình thành, với những màu sắc riêng, cá tính riêng nhưng cũng rất phức tạp, chồng chéo, vừa kế thừa vừa xung đột với chất nền là văn hóa nông thôn (mà ta hay gọi là văn hóa Làng) đã được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Mâu thuẫn nội tại của đa số đô thị hiện nay nằm ở hai vấn đề: một là, kiến trúc và quy hoạch đô thị chưa phản ánh được bản sắc văn hóa của địa phương, dẫn đến đô thị mọc lên nhiều nhưng thường "na ná" nhau, không có đặc trưng, tinh thần, chiều sâu riêng; hai là, văn hóa con người của đô thị còn nhạt nhòa, rời rạc, thiếu tính cộng đồng. 

Vấn đề nào cũng là thách thức, là nhiệm vụ của quy hoạch và kiến trúc đô thị, với mục tiêu làm thế nào để con người được sống là mình, sống với những đặc trưng văn hóa đã truyền đời hàng trăm năm, sống vui vẻ hạnh phúc trong hình thái đô thị - sản phẩm tất yếu của nền văn minh. 

Bàn về văn hóa đô thị trong quy hoạch, kiến trúc, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam. 

văn hóa đô thị, quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị, quy hoạch không gian văn hóa, văn hóa bản địa
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam. (Ảnh: Reatimes)

Kiến trúc là một phần của văn hóa, nên phải phản ánh được văn hóa 

PV: Theo kiến trúc sư, yếu tố văn hóa có vai trò như thế nào trong kiến trúc và quy hoạch đô thị?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Vai trò của văn hóa trong kiến trúc đô thị là rất quan trọng, bởi kiến trúc là một phần của văn hóa. Nhiệm vụ của quy hoạch và kiến trúc là tạo dựng không gian sống cho con người, do đó phản ánh văn hóa là bắt buộc, là đương nhiên. Bởi lẽ kiến trúc cho ai, quy hoạch cho ai? Cho người Việt Nam, cho những dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Cho nên quy hoạch, kiến trúc phải phù hợp với tính bản địa, với đặc trưng của địa phương đó về con người, địa hình và văn hóa.

Trước khi xác lập hình thành một đô thị, người kiến trúc sư đã phải tư duy về văn hóa rồi, nghĩa là kiến trúc và quy hoạch phải bao hàm cả yếu tố bản địa, bản sắc như một phần rất quan trọng làm nên hình hài, diện mạo của thành phố. Sau khi đã thành lập được một cộng đồng dân cư thì phải tiếp tục xây dựng văn hóa cho nó thông qua hướng dẫn cộng đồng và quản lý đô thị.

PV: Văn hóa đô thị của nước ta có điểm gì khác biệt và đang gặp phải những vấn đề gì, thưa ông? 

KTS. Phạm Thanh Tùng: Ở nước ta, đô thị hình thành muộn hơn nông thôn. Nông thôn sinh ra từ quần cư sinh sống trên những khu vực đồng bằng được bồi đắp ven sông, sau đó hình thành nên làng. Ở đó người ta sống theo nề nếp "tối lửa tắt đèn có nhau" và có những luật lệ riêng như hương ước chẳng hạn. Chả thế mà có câu "phép vua thua lệ làng". Tính kết nối của cộng đồng làng xã rất mạnh, họ trọng tình hơn lý và sống theo những quy định lề lối riêng của hương ước, của cộng đồng làng. Đôi khi nó còn vượt qua giới hạn những nguyên tắc chung của cộng đồng lớn hơn đó là xã hội. 

Đô thị nước ta mới hình thành cách đây hơn trăm năm. Đô thị cổ mà chúng ta có trước đây là hình thái đô thị sơ khai, tức là những quần cư bám vào lị sở hành chính của chính quyền phong kiến để phát triển. Mô hình đô thị theo kiểu châu Âu, tức là dạng đô thị lấy người dân làm trung tâm, chỉ xuất hiện ở nước ta khi người Pháp đến cai trị. Đô thị người Pháp quy hoạch có trường học, bệnh viện, vườn hoa, quảng trường, cầu đường, nhà hát, bưu điện, công trình tôn giáo còn đô thị cổ của chúng ta thì không có. Ví dụ như ở Kinh thành Huế, không có công viên, vườn hoa lớn cho dân chúng hưởng thụ mà chỉ có vườn thượng uyển được bao bọc kỹ càng phục vụ vua chúa, quan lại, quần thần, giai cấp thống trị. 

Cho nên quá trình đô thị hóa diễn ra ở nước ta thực chất là nông thôn trở thành đô thị. Cuối những năm 20 của thế kỷ XX ở Hà Nội, trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào vẫn còn những chiếc cổng làng, để ngăn cách làng này với làng kia. "36 phố phường" cũng là những làng nghề kéo ra kinh thành, sinh sống làm ăn rồi thành phố, thành phường. 

văn hóa đô thị, quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị, quy hoạch không gian văn hóa, văn hóa bản địa
Hà Nội là một đô thị được hình thành từ "làng mạc có sẵn", theo cuốn sách Hanoi - City of the Rising Dragon xuất bản năm 2002 của tác giả Georges Boudarel và Nguyễn Văn Kỳ. (Ảnh: Tùng Dương)

Tuy nhiên, khi đã xây dựng một đô thị văn minh với mô hình hiện đại, người dân phải tuân thủ theo những luật lệ chung của cộng đồng lớn chứ không phải quy tắc riêng của mỗi làng. Như là không được vượt đèn đỏ, đi sai làn, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không được mang chó vào công viên mà không có rọ mõm. Mỗi một không gian công cộng trong đô thị đều được quy hoạch với vai trò riêng, phục vụ một hoặc một vài nhóm đối tượng cụ thể. Vỉa hè để phục vụ người đi bộ, lòng đường để phục vụ người sử dụng phương tiện giao thông. 

Do vậy, một khi có ai đó lấn chiếm không gian của cộng đồng để dành làm không gian của riêng họ thì sẽ gây ra mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm dân cư trong đô thị. Đơn cử như khi vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ quán với người đi bộ, giữa người có nhà mặt phố với người ở nhà trong ngõ. Tất cả những hiện tượng, những mâu thuẫn ấy cứ tích tụ dần, trở thành mâu thuẫn chung trong xã hội đô thị. 

Không chỉ làm biến dạng, nhếch nhác cảnh quan đô thị, mâu thuẫn lợi ích còn đẩy lòng tham, sự ích kỷ của con người lên cao, phá vỡ nếp sống "tối lửa tắt đèn có nhau" và mài mòn tính kết nối cộng đồng truyền thống của nông thôn. Cho nên bây giờ người thành phố sống vội vàng hơn, khép kín hơn. Áp lực tinh thần ngày càng nhiều, giữa người với người rất dễ xảy ra xô xát, xung đột, số lượng các vụ bạo lực tăng lên. 

Đó chính là vấn đề của văn hóa đô thị và là trách nhiệm của nhà quản lý, quản trị xã hội, của cộng đồng và kiến trúc sư. 

Văn hóa đô thị còn nằm trong câu hỏi liệu dân cư sống có hạnh phúc không?

PV: Theo ông, văn hóa bản địa cần được thể hiện như thế nào trong kiến trúc và quy hoạch đô thị?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Nhiệm vụ của kiến trúc là tạo dựng không gian sống cho con người, do vậy con người phải là trọng tâm. Trước hết, kiến trúc đô thị phải phù hợp với lối sống của con người Việt Nam và phù hợp với đặc trưng của từng vùng miền. Ví dụ như kiến trúc ở thành phố, đồng bằng, nơi sinh sống của cộng đồng người Kinh thì phải nương theo những đặc điểm sinh hoạt của người Kinh. Nhưng thiết kế cho đồng bào dân tộc Mông thì không thể đem kiểu kiến trúc đó đến xây dựng được, vì văn hóa, lối sống của con người và đặc điểm địa hình, tự nhiên có nhiều điểm khác biệt. 

Kiến trúc sư phải hiểu được bản sắc văn hóa đó và đưa vào trong những công trình của mình, tuy nhiên không chỉ bó hẹp vào những kiểu cách, thiết kế, vật liệu cũ mà phải liên tục chuyển hóa để đưa những yếu tố mới vào. Tức là, cần phải có tư duy đổi mới, dần thay thế những vật liệu lỗi thời bằng những vật liệu bền vững, đảm bảo tiện nghi cho con người và thân thiện với môi trường. Đó chính là tính thời đại của kiến trúc.

Ngày xưa ở nông thôn là "nhà tranh vách đất", vì lúc đó đất nước còn nghèo, người nông dân còn khổ. Bây giờ nông thôn mới, hiện đại hơn, con người ta không thể chấp nhận sống trong những căn nhà như vậy nữa thì kiến trúc phải có sự đổi mới, nhưng kiểu nhà "ba gian, hai chái" với khuôn viên nhiều cây xanh, rất sinh thái… vẫn nên được giữ lại, bởi đó chính là văn hóa, là bản sắc của nông thôn. Nghĩa là, kiến trúc sư phải tư duy được nên giữ lại cái gì, thay thế cái gì, sáng tạo cái gì để con người được sống tiện nghi hơn, nhưng vẫn duy trì và bảo tồn được những nét đẹp văn hóa, bản sắc văn hóa nông thôn.

Với đô thị cũng tương tự như vậy, do ra đời muộn hơn nông thôn, nên đô thị cũng cần được thể hiện những đặc trưng văn hóa riêng, bản sắc riêng của từng vùng nơi đô thị đó hiện diện. Đó là tính bản địa, tính văn hóa của đô thị. Thiếu đi đặc trưng văn hóa, bản sắc đô thị chính là lý do vì sao hiện nay chúng ta không thấy hài lòng với diện mạo của đa số đô thị, thấy là thành phố nào cũng na ná nhau như những bản photocopy. Ngay cả kiến trúc ở nông thôn cũng mọc lên những kiểu nhà của thành phố, thậm chí có cả "lâu đài" lạnh lẽo, xa cách mà lạc quẻ hoàn toàn với cảnh quan đồng ruộng và văn hóa của thôn quê. 

Hay tình trạng hầu hết những khu đô thị mới mọc lên nhiều, nhưng toàn dùng tên tiếng Anh?! Trong khi đó những khu tập thể cũ ở Hà Nội lại có tên Việt rất giản dị như Kim Liên, Trung Tự, Nam Đồng, Quỳnh Mai… Phải chăng là mốt sính ngoại, hay nhà đầu tư cho rằng vì đặt tên như thế mới "sang", mới dễ bán được hàng? Phong cách kiến trúc thì đa số theo phong cách phương Tây, thành ra con người bước vào trong đó cũng bị ảnh hưởng mà cố sống theo kiểu Tây. Diện mạo đô thị dần trở thành "hàng rừng bê tông", với những tòa nhà không thực sự phản ánh được tinh thần kiến trúc của người Việt. 

Nhưng vấn đề của kiến trúc và quy hoạch đô thị còn rộng hơn thế, vì bản sắc văn hóa trong kiến trúc không chỉ được phản ánh qua kiểu nhà, kiểu công trình. Điều quan trọng không phải là con người được sống trong cái nhà to hay nhỏ, có sang chảnh không, có lộng lẫy không, mà phải là con người sống trong đó có hạnh phúc không, có được kết nối với cộng đồng không. Nói cách khác, văn hóa bản địa trong đô thị còn cần được kiến tạo từ những không gian cộng đồng, để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, có không gian giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng giúp con người thấu hiểu nhau hơn và cũng để đô thị thấu hiểu con người hơn. 

văn hóa đô thị, quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị, quy hoạch không gian văn hóa, văn hóa bản địa
Những không gian công cộng như công viên, khu vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa,... có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính cộng đồng và văn hóa đô thị. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Cho nên, hiện nay người ta đang quan tâm đến những vấn đề tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng của nó trong xã hội lại rất lớn, đó là vì sao hai đô thị hàng đầu cả nước như Hà Nội và TP.HCM lại thiếu nhà vệ sinh công cộng? Vì sao công viên Tuổi Trẻ của Hà Nội lại để hoang phí hơn hai chục năm, trong khi người dân thiếu không gian xanh để sinh hoạt? Vì sao sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu mãi không cải tạo được? Chừng nào sống trong đô thị con người chưa được tiện nghi, thoải mái, hạnh phúc thì chừng đó văn hóa bản địa trong đô thị còn chưa đậm đà, chưa sâu sắc. 

Kết luận lại, cách đây 80 năm, năm 1943, Đảng ta đã xây dựng được Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong đó đặt ra 3 yếu tố dân tộc, đại chúng và khoa học. Ứng dụng vào lĩnh vực kiến trúc có nghĩa là kiến trúc đô thị cũng phải đáp ứng được ba yếu tố: một là dân tộc, tức là phải phản ánh được văn hóa của người Việt; hai là đại chúng, tức là phải hướng đến cộng đồng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như người già neo đơn, người có thu nhập thấp,...; ba là khoa học, tức là phải xây dựng đô thị xanh, thông minh, kiến trúc bền vững, giảm phát thải và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. 

PV: Vậy theo ông, để kiến tạo đô thị đậm đà bản sắc văn hóa thì nhà quản lý, nhà quy hoạch cũng như kiến trúc sư cần phải làm gì? 

KTS. Phạm Thanh Tùng: Để xây dựng được một đô thị có đặc trưng văn hóa thì chúng ta cần phải làm từng bước, bắt đầu từ xây dựng chính quyền đô thị. Chính quyền đô thị phải là những người có văn hóa, thấu hiểu con người địa phương và là người đề xướng nên những luật lệ, hướng dẫn người dân thích nghi với những luật lệ đó và có sự điều chỉnh phù hợp với thời đại. 

Nhiệm vụ của họ không chỉ là đưa yếu tố văn hóa vào thiết kế đô thị, mà còn là xây dựng văn hóa cho cộng đồng dân cư sống trong thành phố bằng những tính toán, sắp xếp cụ thể về chiều kích không gian, thời gian.

Thứ hai là phải có quy hoạch và phải đưa tất cả công trình kiến trúc, dù là công hay tư, vào quy hoạch. Đối với các khu đô thị mới, cần có tính toán về quỹ đất và hiệu quả khai thác sử dụng đất vì hiện nay tài nguyên đất đai ở đô thị không còn nhiều. Do đó, không nên quy hoạch đô thị theo kiểu dàn trải, sẽ gây lãng phí đất, mà cần phải hình thành đô thị nén. Ví dụ như thay vì xây 50 tòa chung cư 5 tầng thì xây 10 tòa 25 - 40 tầng, phần diện tích còn lại dùng làm công viên, trường học, khu vui chơi công cộng. Muốn đưa con người lên cao như thế thì kiến trúc, kết cấu phải đảm bảo an toàn, phải để người sống ở tầng cao nhất cũng được hưởng tiện nghi như người sống ở tầng thấp. Cùng với đó, xây dựng không gian công cộng giúp dân cư dễ dàng kết nối với nhau, để cộng đồng đô thị gắn kết chặt chẽ hơn, đời sống gần gũi, thân thiện, dễ thở hơn. 

Nhà ở xã hội cũng cần được nằm trong quy hoạch, chứ không chỉ dừng lại ở việc trích 20% diện tích của khu đô thị thương mại làm nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội cũng cần được hỗ trợ về chính sách tài chính, được kết nối hạ tầng giao thông đầy đủ như trạm xe buýt, tàu cao tốc, bến xe, đường đi; cũng cần được thiết kế thông minh, đầy đủ tiện ích chứ không phải công trình kém chất lượng. Tư duy làm nhà ở xã hội phải cấp tiến, để con người sống trong đó nhìn thấy lối ra, thấy tương lai và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống mới. 

Nhìn chung, văn hóa bản địa trong đô thị được thiết lập từ ba yếu tố: thiết kế kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc; quản trị đô thị phải liêm chính, có trật tự, có tính kết nối cộng đồng và tôn trọng người dân. Một đô thị có văn hóa là một đô thị hạnh phúc, ở đó người ta được sống thoải mái trong những nếp nhà kiểu Việt, không gượng ép khô cứng mà đủ hiện đại, tiện nghi; được giao lưu, gắn kết thông qua không gian công cộng và tuân thủ những luật lệ được xây dựng trên tinh thần dân chủ, bình đẳng và vì con người.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top